Mấy ngày gần đây, thông tin loài tôm càng đỏ (tôm hùm đất) Trung Quốc ồ ạt tràn sang Việt Nam khiến dư luận hết sức lo ngại, bởi những mối đe dọa lớn của nó đối với môi trường và sản xuất nông nghiệp. Đáng nói, hoạt động kinh doanh mặt hàng cấm này chính là hành vi tiếp tay xâm hại sinh thái đang diễn biến rất phức tạp và rất khó kiểm soát.
Trong một diễn biến mới, ngày 17/5, Bộ NN&PTNT đã có Công văn hỏa tốc số 3438 gửi các tỉnh, thành phố, Tổng cục Hải quan, quản lý thị trường yêu cầu tăng cường kiểm soát tăng cường tôm càng đỏ (tôm hùm đất) tại Việt Nam. Bộ này khẳng định, loài tôm hùm đất không có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam và được xác định là loài ngoại lai xâm hại. Việc kinh doanh, tiêu thụ loài này là vi phạm quy định về đa dạng sinh học và thủy sản.
Mơ hồ trong nhận thức
Những bài học đắt giá về ốc bươu vàng, đỉa hay cá dọn bể… thời gian qua, tưởng chừng đã đủ sức cảnh báo đến sự cẩn trọng của người dân. Nhưng ngay cả khi người dân mất tiền tỷ cho những trại chăn nuôi các loài ngoại lai và khi mà các cơ quan liên quan vẫn chưa kiểm soát chặt chẽ ngay từ đầu, không ai dám chắc những câu chuyện tương tự có tiếp diễn hay không?!
Trở lại với con tôm hùm đất. Hệ lụy từ loài này không phải bây giờ mới được cảnh báo. Còn nhớ cách đây khoảng chục năm, Việt Nam từng nhập loại tôm này về nuôi ở Phú Thọ với mục đích nghiên cứu, nhưng sau đó, đã dừng lại vì những tác hại của nó sẽ gây ra.
Đến năm 2017, những con tôm hùm này lại xuất hiện trong những ruộng lúa tại huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp. Câu chuyện tưởng chừng đơn giản chỉ là nuôi tôm lấy thịt nhưng nó lại là mối đe dọa lớn đối với môi trường và sản xuất nông nghiệp ở địa phương này. Thêm một loài sinh vật ngoại lai đã lọt vào nước ta và cũng thêm một lần cảnh báo trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong công tác quản lý lĩnh vực này.
Đến hôm nay, loài tôm hôm đất đó tiếp tục “đại náo” thị trường Việt Nam. Chúng ta hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi: Tại sao đã xác định là sinh vật ngoại lai xâm hại bị cấm nhập khẩu mà tôm hùm đất vẫn vào được Việt Nam? Ai chịu trách nhiệm cho vấn nạn này?
Nhìn rộng ra, rõ ràng, cảnh báo về vấn nạn sinh vật ngoại lai của các cơ quan chức năng tuy đã có nhưng hầu như rất ít tác dụng. Trong khi đó, trong nhiều nguyên nhân gây tổn hại đa dạng sinh học, ảnh hưởng tới sức khỏe, môi trường và an ninh lương thực, các loài sinh vật ngoại lai xâm hại được coi là một trong những mối đe dọa nguy hiểm nhất. Tuy vậy, việc hạn chế trong nhận diện, phòng ngừa các nguy cơ này lại xuất phát từ chính các cơ quan quản lý, kiểm soát.
Việc người dân nuôi hay buôn bán một loài vật không có trong danh mục cho phép sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam là sai nhưng cách ngành chức năng địa phương đổ lỗi cho “nhận thức mơ hồ” để cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh loài ẩn chứa nhiều độc hại đang khiến dư luận đặt câu hỏi về trách nhiệm của các bên liên quan.
Thiệt hại của người dân là có thật, và biết đâu loài sinh vật ngoại lai ấy đã kịp thoát ra ngoài môi trường và những hệ lụy không thể trong một sớm một chiều mà nhìn thấy. Vậy nhưng, cho đến giờ, vẫn chưa ai phải chịu trách nhiệm cho việc này, chỉ người được cấp phép phải ngậm đắng nuốt cay nhìn sản nghiệp của mình thành tay trắng.
Nút thắt trong quản lý
Để quản lý các sinh vật ngoại lai xâm hại, Việt Nam đã ban hành các cơ chế, chính sách như Luật Đa dạng sinh học 2008, Đề án ngăn ngừa và kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại tại Việt Nam đến năm 2020; Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030…
“Nút thắt” nằm ở chỗ, việc quản lý sinh vật ngoại lai do ngành TN&MT, ngành nông nghiệp chủ trì. Trong đó, ngành nông nghiệp có thẩm quyền cấp phép nhập khẩu giống thủy sinh vật vào Việt Nam, còn việc quản lý thủy sinh vật ngoại lai trong nước lại do cả ngành TN&MT và nông nghiệp thực hiện. Điều này dẫn tới sự chồng chéo, thiếu thống nhất, kém hiệu quả trong việc thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, kiểm soát.
Cụ thể ngay trong Luật Đa dạng sinh học 2008, tại Khoản 1, Điều 52 Luật Đa dạng sinh học quy định “Việc nuôi trồng loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại chỉ được tiến hành sau khi có kết quả khảo nghiệm loài ngoại lai đó không có nguy cơ xâm hại đối với đa dạng sinh học và được UBND cấp tỉnh cấp phép”; tại Khoản 3, Điều 52 Luật Đa dạng sinh học quy định “Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan quy định việc khảo nghiệm và việc cấp phép nuôi trồng, phát triển loài ngoại lai”. Điều này dẫn đến những vướng mắc trong việc xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật, do vậy, cần nhanh chóng xây dựng các nghị định, thông tư hướng dẫn, thậm chí, cần phải luật hóa để việc quản lý thủy sinh vật ngoại lai hữu hiệu hơn.
Bên cạnh việc chồng chéo trong các văn bản pháp lý, năng lực cán bộ trong lĩnh vực này còn yếu. Theo kết quả điều tra, đánh giá của Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường) thực hiện, có tới 90% cán bộ được hỏi thuộc cấp quản lý Trung ương và trên 90% cán bộ được hỏi thuộc cấp địa phương chưa đủ khả năng, năng lực quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại do chưa có cán bộ hiểu biết về sinh vật ngoại lai hay do chưa có đủ phương tiện vật chất, kỹ thuật, tài chính…
Trong khi đó, sinh vật ngoại lai xâm hại chủ yếu du nhập qua 3 con đường: Con đường tự nhiên (dòng nước, gió, bão); du nhập không chủ đích (vận chuyển qua lại, buôn bán thương mại hàng hóa); du nhập có chủ đích (buôn bán, trao đổi hàng hóa…). Việc nhận diện nó trước khi du nhập vào Việt Nam với các cơ quan chức năng còn rất hạn chế, kể cả với hải quan. Đây được xem là những “kẽ hở” khiến các loài sinh vật ngoại lai nguy hại xâm nhập vào Việt Nam gây ra những tác động xấu về môi trường cũng như kinh tế.
Bên cạnh đó, chúng ta thiếu quy định về phân tích nguy cơ xâm hại, phát hiện sớm và phản ứng nhanh. Cụ thể vấn đề phân tích nguy cơ xâm hại, đặc biệt nguy cơ xâm hại trước khi tiến hành nhập khẩu, chưa được quy định trong Luật Đa dạng sinh học 2008 dẫn đến chưa có căn cứ pháp lý để quy định nội dung này.
Quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại có tác dụng quan trọng trong bảo vệ đa dạng sinh học và sản xuất nông nghiệp trong nước. Thực tế cho thấy, công tác quản lý này cũng rất phức tạp do không thể nhìn thấy ngay tác hại và quan trọng hơn là khó để tiêu diệt hoàn toàn sinh vật ngoại lai một khi đã xâm nhập. Thậm chí, công tác này cũng vô cùng tốn kém. Do đó, điều quan trọng là phải kiểm soát đầu vào sinh vật ngoại lai chặt chẽ. Đó không chỉ là nhiệm vụ của cơ quan chức năng mà là của toàn dân.
Tôm hùm đất được bán tràn lan tại Việt Nam, giá bán lẻ 350.000 – 500.000 đồng/kg. Tôm hùm đất có nhiều tên tiếng Anh như: Crawfish, Crayfish, Crawdads, Mudbugs, Red Swamp Crayfish. Loài này có nhiều ở Louisiana (Mỹ) nên còn gọi là Louisiana Crayfish, có đặc tính ăn cả động vật sống lẫn động vật chết và cả thực vật.
Tác hại của tôm hùm đất rất lớn, chúng đào hang rất giỏi nên sẽ phá hại hệ thống kênh mương, có thể làm tan hoang các hệ sinh thái bản địa do ăn tạp. Đặc biệt, chúng mang theo nhiều virus gây bệnh trên tôm, kể cả loài giun ký sinh trên động vật có vú và người.