Cát Bà – mô hình thu nhỏ các thách thức môi trường của Việt Nam

Tiêu đề và những dòng ký sự dưới đây được nhà báo Michael Tatarski ghi lại trong chuyến thị sát Cát Bà, một trong những điểm đến nổi tiếng của Việt Nam nhưng cũng là nơi thu nhỏ những thách thức môi trường mà chúng ta đang phải đối mặt.

Đảo Cát Bà nằm ngoài khơi bờ biển phía đông bắc Việt Nam, là ngôi nhà của rất nhiều loài động thực vật, bao gồm một trong những loài linh trưởng quý hiếm nhất trên thế giới.

Trên đường đi Hải Phòng, một thành phố lớn trên bờ biển phía đông bắc Việt Nam, không thể bỏ qua các chỉ dấu về nền kinh tế đang phát triển nhanh của Việt Nam. Tăng trưởng GDP đạt hơn 7% trong năm 2018 và ken đặc các nhà đầu tư nước ngoài: Chỉ riêng Samsung đã đầu tư gần 20 tỷ USD vào đây. Một tuyến cao tốc kết nối Hải Phòng với thủ đô Hà Nội và sẽ vươn xa hơn về phía bắc đến biên giới Trung Quốc.

Cá thể Voọc Cát Bà bé nhất ngồi cùng mẹ trên chóp núi đá vôi trong khi một cá thể Voọc chưa trưởng thành leo trèo gần đó (Ảnh: Neahga Leonard/Dự án bảo tồn Voọc Cát Bà)

Chúng tôi rẽ theo hướng ngược lại và chạy vun vút dọc một con đường rộng băng qua các nhà máy đang xây dựng cùng những đống container lộn xộn. Đất đai đang được lấn ra biển để xây các khu công nghiệp được lăng xê trên những tấm bảng quảng cáo trong khi hàng tá tàu thuyền neo đậu ngoài khơi bơm nước từ bãi lầy ra Vịnh Bắc Bộ.

Cầu Tân Vũ – Lạch Huyện dài 5,4 km, là cầu vượt biển dài nhất Việt Nam, dẫn đến một hòn đảo nhỏ mang tên Cát Hải, nơi các đầm nuôi cá nhường chỗ cho một tổ hợp khổng lồ rộng 336 ha sản xuất ô tô và xe máy do Vinfast – công ty con của Vingroup, tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam – điều hành.

Cuối cùng, chúng tôi cũng đặt chân lên được con phà sang đảo. Tám cần cẩu container cao chót vót phủ bóng trên đầu, một phần của việc mở rộng cảng quốc tế Lạch Huyện. Băng qua một dải nước hẹp toàn những con tàu chở hàng khổng lồ nối nhau sẽ mở ra một đường chân trời khác: những ngọn núi đá vôi lởm chởm, xanh om của đảo Cát Bà, một điểm đến tuyệt đẹp thu hút 2,5 triệu khách du lịch mỗi năm – theo truyền thông địa phương.

Đảo lớn nhất trong 365 hòn đảo của quần đảo trải dài vào Vịnh Bắc Bộ, Cát Bà là nơi có cả vườn quốc gia và Khu dự trữ sinh quyển UNESCO. Theo nhiều cách, đây là mô hình thu nhỏ của những vấn đề lớn về môi trường mà Việt Nam hiện đang phải đối mặt: bảo tồn động vật hoang dã, bảo tồn rừng, quá tải du lịch, phát triển không được kiểm soát, chất thải nhựa và nhiều vấn đề khác nữa.

Điểm nóng đa dạng sinh học

Cát Bà nổi bật với một loạt các hệ sinh thái, từ rừng ngập mặn ven biển đến rừng trên cạn và các rạn san hô ngoài khơi, tạo nên sự đa dạng đáng kinh ngạc của hệ động thực vật sống trên đảo, trong đó, đáng chú ý nhất là Voọc Cát Bà (Trachypithecus poliocephalus) – loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng cao thứ hai trên thế giới. Những con voọc này khi mới sinh sẽ có lông màu vàng nhưng khi trưởng thành sẽ chuyển dần sang màu đen ở thân trong khi đầu, vai và lưng màu trắng vàng với một túm lông dựng đứng như điểm nhấn trên vương miện.

Một phần quần đảo Cát Bà ngoài khơi Việt Nam (Ảnh: Michael Tatarski)

Neahga Leonard, Giám đốc Dự án bảo tồn Voọc Cát Bà, đã sống trên đảo từ năm 2014 và là chuyên gia hàng đầu toàn cầu về linh trưởng cũng như về môi trường nói chung ở Cát Bà.

“Nhiệm vụ của chúng tôi là bảo tồn đa dạng sinh học của quần đảo Cát Bà”, ông nói với một nhóm các nhà bảo tồn Đông Nam Á tại trụ sở vườn quốc gia trong một chuyến điền dã do UNESCO tổ chức gần đây. Chuyến tham quan nhằm mục đích chia sẻ kiến thức và thực tiễn tốt nhất giữa các quốc gia với sự quy tụ của dàn chuyên gia từ Myanmar, Thái Lan, Việt Nam, bao gồm cả chuyên gia nước ngoài và bản xứ, trong đó có tổ chức Flora&Fauna International (FFI), UNESCO và các cơ quan chính phủ.

“Không chỉ là Voọc Cát Bà. Đó là loài tiêu điểm, chúng tôi sử dụng nó như chiếc ô để bảo vệ được càng nhiều càng tốt và là đòn bẩy cho chúng tôi sử dụng để thử và hoàn thành những việc khác”, Leonard nói thêm.

Hiện có 64 cá thể Voọc Cát Bà được ghi nhận trên đảo, trong đó có một con non mới vài tuần tuổi. Đây là nơi duy nhất trên thế giới chúng gọi là nhà. Theo trang web của dự án bảo tồn, có tới 2.800 cá thể thuộc loài linh trưởng này có mặt ở Cát Bà vào những năm 1960 nhưng đáng tiếc là quần thể đã bị suy giảm do săn trộm trong những thập kỷ sau đó.

Cá thể Voọc Cát Bà bé nhất được mẹ giữ trên một mỏm đá (Ảnh: Neahga Leonard/Dự án bảo tồn Voọc Cát Bà)

“Thật không may, tình trạng loài voọc ở đây không được như như gấu trúc ở Trung Quốc”, Leon Leonard chia sẻ khi chúng tôi đi thuyền qua những dãy núi đá vôi tuyệt đẹp để ngắm một phần sinh cảnh tự nhiên của voọc từ ngoài biển. “Tôi ước chúng cũng được đề cao [như gấu trúc] bởi voọc cũng được quan tâm nhất định ở tầm quốc gia vì chúng là loài linh trưởng nguy cấp nhất Việt Nam… Chúng tôi thực sự muốn loài này được coi là hình mẫu cho toàn bộ Việt Nam như một chỉ số cho tiến trình của những điều sắp xảy ra”.

Theo Leonard, một trong những vấn đề là người ta ít quan tâm đến sinh cảnh thực tế của voọc hay nói cách khác là nhiều loài khác sống ở Cát Bà. Theo một cuốn sách do Cơ quan Dự trữ sinh quyển Cát Bà ấn hành, hòn đảo này là nhà của 3.885 loài được ghi nhận, bao gồm 2.163 loài sống trên cạn và phần lớn số còn lại sống dưới biển.

“Voọc được tập trung quan tâm, điều này về một khía cạnh nào đó là tốt”, Leonard nói, tuy nhiên, “vấn đề là người ta tập trung cụ thể vào những con voọc chứ không phải vào các yêu cầu của chúng đối với sinh cảnh và nếu chúng ta có thể chuyển nhiều hơn trọng tâm đó sang bức tranh bảo tồn lớn hơn để nói rằng động vật cần một sinh cảnh để sống và sinh cảnh đó bao gồm rất nhiều loài khác nhau… thì chúng ta có thể đạt được kết quả nào đó”.

Nhân tố du lịch

Có một sự tập trung toàn diện vào sinh cảnh của Cát Bà và điều này đặc biệt quan trọng vì hòn đảo là điểm du lịch nổi tiếng.

Du lịch là ngành công nghiệp lớn nhất ở đây và số lượng khách đang tăng lên hàng năm do khả năng tiếp cận được cải thiện thông qua cầu Tân Vũ – Lạch Huyện và ngành du lịch Việt Nam đang bùng nổ với 15,5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2018 – một con số kỷ lục. Một vài ước tính cho thấy do là quốc gia giàu lên nhanh bậc nhất thế giới, người Việt Nam đang đi du lịch nhiều hơn bao giờ hết. Năm ngoái có tới 2,5 triệu du khách trong và ngoài nước tìm đến Cát Bà trong khi dân số trên đảo chỉ là 16.000 người.

Công nhân thu gom rác trên Vịnh Lan Hạ. Không có điểm đỗ bên ngoài bến tàu (Ảnh: Michael Tatarski)

Hòn đảo thu hút khách du lịch thích phiêu lưu vì có tuyến đi bộ dài trong vườn quốc gia và tuyến leo núi trên một số núi đá vôi ở vịnh Lan Hạ lân cận. Cát Bà cũng ở ngay dưới Vịnh Hạ Long – Di sản Thế giới và là một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất Việt Nam. Tại thành phố Hạ Long, các công ty bất động sản nổi tiếng trong nước đang xây dựng một số dự án phát triển du lịch lớn, bao gồm công viên giải trí, cáp treo, khu nghỉ dưỡng và bến tàu du lịch.

Trong khi vùng lõi vườn quốc gia thường được bảo vệ tốt và đàn voọc lớn sống trong một khu bảo tồn bị giới nghiêm hoàn toàn thì khách du lịch vẫn gây ra mối đe dọa lớn đối với voọc và các loài động vật khác, bất kể trên đất liền hay dưới biển: tiếng ồn. Hàng tá thuyền du lịch lớn đi qua các núi đá vôi của Cát Bà mỗi ngày, có những chiếc còn bật nhạc và tổ chức tiệc tùng ầm ĩ. Một bữa tiệc nổi như vậy với một nhóm du khách nước ngoài trẻ tuổi đang chúc tụng và hò hét đã lướt qua thuyền chúng tôi, hiển nhiên khiến các nhà bảo tồn chán nản.

“Chỗ chúng ta đang hiện diện chính là sinh cảnh của voọc”, Leonard nói khi chúng tôi lướt qua một dãy núi đá vôi. Ông cho biết các loài linh trưởng có xu hướng tránh con người, nhưng sự gia tăng hoạt động của con người ở đây “có nghĩa là tăng phần đẩy những con vật này ra khỏi chỗ ngủ của chúng”.

“Điều này thực sự tồi tệ bởi sẽ làm thu hẹp rất nhiều sinh cảnh của voọc – loài vốn rất kén chọn và trung thành với chỗ ngủ của mình”.

Trang thiết bị du lịch vô trách nhiệm cũng là một mối đe dọa khác, Leonard kể lại câu chuyện về một công ty leo núi lắp gờ leo núi ở giữa một chỗ ngủ của voọc.

Bóng đen quá tải du lịch

Một phần nhờ vào địa hình cực kỳ hiểm trở, Cát Bà thoát khỏi tình trạng phát triển ồ ạt khu nghỉ dưỡng và cơ sở hạ tầng phục vụ du khách vốn biến đổi nhiều điểm du lịch nổi tiếng nhất Việt Nam đến mức không thể nhận ra, như ở Phú Quốc và Nha Trang.

Nhưng tình hình sẽ thay đổi.

Một phần quần đảo Cát Bà ngoài khơi Việt Nam – điểm đến phổ biến của khách du lịch (Ảnh: Michael Tatarski)

Sun Group, một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất Việt Nam, đã bắt đầu thực hiện dự án trị giá 3 tỷ USD vào năm 2017. Theo truyền thông địa phương, dự án sẽ bao gồm các khách sạn, ba sân golf, công viên giải trí và 21 km cáp treo nối thị trấn trung tâm Cát Bà với đảo Cát Hải.

Cáp treo là một trong những nỗi ám ảnh của Sun Group: họ đã xây cáp treo lên đỉnh núi cao nhất Việt Nam cũng như một hệ thống 8 km cáp trên một hòn đảo nổi tiếng phía nam.

Cho đến nay, có rất ít bằng chứng rõ ràng về công trình liên quan đến dự án phát triển tầm cỡ, trừ một ngoại lệ: ba cột trụ đang được xây dựng cho cáp treo có thể nhìn thấy từ phà. Trang web của Sun Group không có thông tin liên quan đến Cát Bà và công ty cũng không phản hồi yêu cầu bình luận.

Tranh cãi nổ ra khi dự án này được công bố vì kế hoạch ban đầu có một trạm cáp treo trong vườn quốc gia. Tuy nhiên, trạm này đã bị loại bỏ. Dù thế, Leonard vẫn không khỏi lo ngại.

“Sau cùng, điều sẽ xảy ra là số lượng người tăng mạnh trong khu vực, điều tôi e ngại là ô nhiễm tiếng ồn – thứ không được Việt Nam thực sự coi là một loại ô nhiễm. Nhưng đối với động vật hoang dã, đấy là một trong những loại ô nhiễm quan trọng nhất vì vang xa, không nhìn thấy được, và các nghiên cứu đã chỉ ra rằng stress do ô nhiễm tiếng ồn sẽ rất dai dẳng, ngay cả khi tiếng ồn được loại bỏ”.

Điều này sẽ không chỉ tác động tới voọc. Hòn đảo này cũng là nơi sinh sống của loài thạch sùng mí Cát Bà có nguy cơ tuyệt chủng cao, một bài báo gần đây đăng trên trang Science Daily cho rằng loài này có thể bị tuyệt chủng trước khi được nghiên cứu đầy đủ. Một quần thể khỉ đuôi dài cũng hiện diện nhưng ít ai biết tới vì người ta quá tập trung vào voọc.

Trong khi đó, tiếng ồn từ xây dựng và tàu du lịch tác động đến các loài sinh vật biển cũng như rác đại dương. Các bè cá đã xuất hiện trong vô số post của du khách đăng trên Instagram đổ chất thải gia đình xuống nước và cũng sử dụng một lượng lớn cá hoang dã để làm thức ăn cho cá nuôi.

Khi cập bến, tôi thấy hai chiếc thuyền nhỏ gắn biển của chính quyền địa phương đang đổ rác được thu gom từ mặt nước lên cầu tàu: bình gas mini, bếp nướng, những miếng xốp lớn và nhiều thứ khác.

Qua người phiên dịch, các công nhân cho biết họ ra biển gom rác mỗi ngày nhưng chỉ với hai chiếc tàu thì lượng thu gom chiếm một phần rất nhỏ rác thải thực tế dưới nước. Họ thừa nhận cũng không biết rác này được xử lý ở đâu và chỉ đơn giản là chất thành đống gần bờ.

Mối đe dọa ven biển

Những vấn đề mà các khu vực ven biển Cát Bà phải đối mặt trở thành tiếng thở phào rõ rệt hơn khi tôi được đưa vào các khu rừng ngập mặn dọc theo rìa phía tây đảo.

Nguyễn Thị Kim Cúc thuộc Phòng nghiên cứu Hệ sinh thái rừng ngập mặn, Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết qua email rằng không như nhiều loài động vật trên đảo, những khu rừng ngập mặn này phát triển tốt hơn so với hai thập kỷ trước nhưng vẫn có vấn đề.

Một tháp cáp treo đang được xây dựng nhìn từ phà sang Cát Bà (Ảnh: Michael Tatarski)

“Về phương diện quản lý, rừng ngập mặn tốt hơn giai đoạn trước năm 2000. Tuy nhiên, diện tích rừng vẫn giảm so với phân bố trong lịch sử, ít cây lớn hơn, đa dạng sinh học cũng ít hơn”, Kim Cúc viết.

Những khu rừng này rất quan trọng để bảo vệ các cộng đồng ven biển khỏi bão và sóng lớn, thường xuyên đe dọa miền bắc Việt Nam. Theo Kim Cúc, “chúng tôi phải hứng chịu nhiều cơn bão [quanh Cát Bà] mỗi năm và chúng tôi biết rằng nếu có rừng ngập mặn thì sẽ an toàn, không có rừng ngập mặn thì cũng không thể an toàn”.

Một số khu vực phía tây Cát Bà đã thực sự thấy rừng ngập mặn mới phát triển nhưng nhiều khoảnh rừng vẫn nằm trong ao nuôi trồng thủy sản, và do đó bị chia cắt khỏi hệ sinh thái rộng lớn hơn. Những cây này cao không quá 1,8-2,4 mét trong khi rừng ngập mặn ở những nơi khác thuộc Đông Nam Á có thể cao hơn nhiều lần.

Cần cẩu cảng trên tháp đảo Cát Hải với nền là một khu rừng ngập mặn của Cát Bà (Ảnh: Michael Tatarski)

Điều này gây ấn tượng với Christoph Zöckler, cố vấn đa dạng sinh học cao cấp ở châu Á thuộc Viện Manfred Hermsen, Đức, người cũng tham gia chuyến đi này. Khi được hỏi về rừng ngập mặn Cát Bà, ông đã thảo luận qua Skype về diện tích tương đối nhỏ của các khoảnh rừng.

“Đầu tiên tôi hơi thất vọng khi nhìn thấy rừng ngập mặn vì chúng rất bé và diện tích không rộng lắm. Sau đó, tôi phải cân nhắc rằng thật ra chúng ta cũng ở khá xa về phía bắc, những vạt rừng không hẳn cằn cỗi vì tác động của con người mà bởi điều kiện khí hậu, thời tiết và môi trường”.

Kim Cúc giải thích thêm rằng mùa đông ở đảo tương đối lạnh, nhiệt độ thấp hơn nhiều các khu vực ven biển của Myanmar, Thái Lan hoặc miền Nam Việt Nam nên cũng hạn chế chiều cao của rừng ngập mặn ở đây.

Người dân địa phương hiện đã hiểu rõ hơn tầm quan trọng của rừng ngập mặn có nghĩa là mối đe dọa từ việc khai thác gỗ lậu gần như không còn, mặc dù sự tái sinh lành mạnh của các khu vực bị thiệt hại cần có thời gian.

“Trước đây, rất nhiều khu vực rừng ngập mặn bị chuyển đổi thành đường và nhà máy [trên đất liền], và tất nhiên chúng tôi phải đối diện với việc chặt phá bất hợp pháp, còn mọi người không quan tâm nhiều đến rừng ngập mặn. Một khi hiểu được vai trò của mình, họ đã thay đổi suy nghĩ và hành động”.

Cách đó vài cây số, chúng tôi quan sát được một khu rừng ngập mặn đúng chức năng hơn. Khu rừng này không bị các ao nuôi cá chia cắt khỏi biển, cây mọc dày và cao hơn nhiều vì nhận được dưỡng chất từ thủy triều. Cây được trồng trực tiếp trước một con đê bảo vệ một ngôi làng trước đại dương. Những rừng ngập mặn này tạo thành một lớp bảo vệ khác, đó chính xác là chức năng mà các nhà bảo tồn ven biển muốn thấy.

Động vật hoang dã vô hình

Mặc dù phần lớn Cát Bà được vườn quốc gia và khu dự trữ sinh quyển bao phủ nhưng rất khó để du khách nhìn thấy động vật hoang dã ở những nơi đó.

Một góc rừng ngập mặn trong ao nuôi trồng thủy sản trên bờ biển phía tây Cát Bà (Ảnh: Michael Tatarski)

Zöckler, người đã nghiên cứu các quần thể chim di cư trên khắp thế giới, ghi nhận rằng hòn đảo này dường như thiếu chim hoang dã.

“Tôi nhận thấy rằng tình trạng thiếu các loài chim là rất rõ. Tôi chưa bao giờ thấy điều đó rõ rệt hơn ở miền bắc Việt Nam. Rõ ràng là có áp lực từ săn bắn và săn trộm, những hành động hiển nhiên là hợp pháp, có điều diễn ra nghiêm trọng đến mức hầu như các loài chim không có cơ hội để thực sự định cư trên đảo”.

Zöckler đã tiến hành nghiên cứu sâu ở vùng duyên hải Myanmar và miền nam Trung Quốc, nơi ông thấy quần thể chim nở rộ hơn nhiều.

Ngay cả những con voọc quý giá cũng không thoát được mối đe dọa này, theo Leonard.

“Năm 2015, một nhóm người từ một tỉnh lân cận đến đảo, và có vẻ như họ đã giết nguyên cả một đàn voọc cộng với một vài cá thể khác”. Vụ việc đó đã khiến quần thể voọc giảm từ trên 60 cá thể xuống chừng 50 cá thể và loài linh trưởng này vẫn đang hồi phục.

Tôi không mong đợi nhìn thấy bất kỳ con voọc nào trên hành trình từ sáng đến giữa trưa qua vịnh Lan Hạ, và thực tế đúng như thế, nhưng chúng tôi cũng không thấy động vật hoang dã trên cạn nào khác. Rõ ràng là hoạt động của con người đã đẩy hầu hết các loài vào sâu trong vườn quốc gia.

Tương lai của Cát Bà

Trừ vài ngoại lệ, những câu chuyện liên quan đến du lịch và phát triển công nghiệp ở Việt Nam là tiêu cực: một thị trấn miền núi bị thay đổi đến mức không nhận ra, một hòn đảo ngập rác, một tuyến đường thủy bị giết bởi đập dâng của nhà máy. Lâu nay, Cát Bà hầu như đã tránh được những thảm họa này nhưng sự thay đổi đang gõ cửa, cho dù đó là sự phát triển ồ ạt đang diễn ra ở các thành phố lân cận, hay dự án xây dựng trực tiếp như khu nghỉ dưỡng bí ẩn của Sun Group.

Đây là lần thứ ba tôi đến Cát Bà và rất vui khi thấy hòn đảo đã thay đổi nhiều so với lần đầu tôi đến vào năm 2011. Nhiều khách sạn đang được xây dựng, có điều chúng thường nhỏ, và không giống như các khu vực đang phát triển nhanh khác của Việt Nam, hòn đảo không giống như một công trình cao tầng khổng lồ. Câu hỏi lớn là liệu tình hình này sẽ vẫn được duy trì trong năm năm nữa, và làm thế nào phát triển và bảo tồn có thể cùng tồn tại.

“Càng ngày tôi càng nhận ra rằng lý do mọi người đến đây là vì những điều đặc biệt chỉ có thể tìm thấy ở đây thôi”, Leonard nói, “vì vậy, cần phải hướng đến sự cân bằng và tôi không nghĩ rằng chúng ta đang ở một thời điểm mà nó đã nghiêng hoàn toàn về một phía. Nhưng tôi nghĩ rằng nếu xu hướng tiếp tục với tốc độ đang diễn ra, phát triển sẽ vượt xa bảo tồn”.

Ông nói thêm: “Tôi cho rằng một trong những thông điệp quan trọng cần nói là những người làm công tác bảo tồn không chống lại phát triển, chúng tôi biết điều đó sẽ xảy ra nhưng phát triển tốt thực sự có thể là một lợi ích tuyệt vời cho người dân, quốc gia và cho cả bảo tồn nữa”.

Nhật Anh (Theo Mongabay)

Nguồn: