Từ hồ nước ngọt sạch đẹp nhất tỉnh Thái Nguyên, gần đây, hồ Gò Miếu-“viên ngọc xanh” phía sườn Tây Tam Đảo đã biến thành hồ nước vàng, sủi bọt tanh nồng, bởi hoạt động nuôi cá lồng của doanh nghiệp.
Hồ Gò Miếu thuộc xã Ký Phú, huyện Đại Từ là hồ thủy lợi có diện tích lớn nhất nhì tỉnh Thái Nguyên, đồng thời là hồ có nguồn nước trong xanh, sạch đẹp nhất ở phía sườn Tây Tam Đảo, hàng năm thu hút một lượng lớn khách du lịch trên địa bàn. Vậy nhưng, thời gian gần đây, “viên ngọc xanh” này đã biến thành hồ nước vàng, sủi bọt tanh nồng, bởi hoạt động nuôi cá lồng của doanh nghiệp.
Hồ nước ngọt “nhuộm màu ô nhiễm”
Ở cái tuổi ngũ thập, điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn, thế nhưng nhiều ngày qua, ông Ngô Lục Quân và các thành viên trong gia đình vẫn luôn phải sống chung với mùi hôi thối, tanh nồng, bởi hoạt động nuôi cá lồng bè của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Việt Nhật, tại hồ Gò Miếu.
Ông Quân cho biết, gia đình ông sinh sống ở ngay dưới chân hồ, chỉ cách hồ có vài trăm mét, nên hàng ngày, cứ đều đặn sáng-trưa-tối, mùi hôi thối, tanh nồng từ khu vực nuôi cá lồng bè trên hồ lại len lỏi khắp nhà, ám vào đồ đạc, quần áo, đến bữa ăn cũng không ngon, giấc ngủ không còn yên bình; ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, cảnh quan môi trường.
Thảm cảnh này cũng là tình trạng chung mà hàng chục hộ dân ở xã Ký Phú đã và đang phải hứng chịu, sống chung hàng ngày, nhất là khi phía doanh nghiệp chuyển từ sử dụng thức ăn công nghiệp sang cá tạp, cá mè để nuôi cá lăng đen, cá trê…
Dẫn chúng tôi ra mục sở thị “viên ngọc xanh,” ông Quân buồn rầu chia sẻ: “Gần nửa tháng nay, ngày nào cũng vậy, cứ mở cửa nhà ra, mùi hôi thối, tanh nồng từ khu vực hồ nuôi cá lồng bè lại bốc lên nhức mũi. Không tài nào mà chịu được.”
“Ngày trước, nước hồ Gò Miếu trong xanh lắm, đứng trên bờ còn nhìn thấy đáy. Vào thời điểm cạn nhất, nước hồ vẫn luôn sạch và người dân vẫn dùng nước hồ để tắm giặt hàng ngày. Thế nhưng, từ ngày doanh nghiệp đến nuôi cá lồng trên hồ, nguồn nước đã thay đổi hẳn, khiến người dân rất lo lắng. Gần nửa tháng nay thì rửa tay chân bà con cũng không dám vì nước hồ bị ô nhiễm quá rồi,” ông Quân thở dài nói.
Đúng như lời ông Quân chia sẻ, ngay khi có mặt tại hồ Gò Miếu, chúng tôi thực sự choáng váng với mức độ ô nhiễm của nước hồ. Trên khắp mặt hồ, đâu đâu cũng phủ một lớp váng màu vàng đục giống mỡ cá, trông chẳng khác gì một “nồi nước lẩu thập cẩm” đã qua sử dụng. Thậm chí, một góc hồ dài hàng trăm mét, váng mỡ còn tụ lại đặc quánh đến cả gang tay, sủi bọt hôi thối, bốc mùi tanh nồng.
Chứng kiến cảnh “viên ngọc xanh” phía sườn Tây Tam Đảo bị ô nhiễm, chúng tôi càng thêm xót xa khi người dân sinh sống ven hồ cho chúng tôi xem những bức ảnh hồ Gò Miếu, nước trong veo, xanh ngắt thời chưa có mô hình nuôi cá lồng của Công ty Việt Nhật. Càng ngắm, đem ra so sánh, càng thấy tiếc nuối.
Tìm hiểu được biết, ngày 19/4/2017, Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Quyết định số 896/SNN-CCTS chứng nhận đăng ký bè cá với tổng số lượng 30 lồng cho Công ty Cổ phần Nông nghiệp Việt Nhật nuôi cá nước ngọt tại hồ Gò Miếu thuộc địa bàn xóm Chuối, xã Ký Phú, tỉnh Thái nguyên.
Bằng các nguồn hỗ trợ phát triển thủy sản, khuyến nông của tỉnh và huyện, chính quyền địa phương đã hỗ trợ Công ty Cổ phần Nông nghiệp Việt Nhật gần 500 triệu đồng để đầu tư, xây dựng hạ tầng cơ sở chăn nuôi cá lồng tại hồ Gò Miếu.
Viễn cảnh tươi đẹp từ mô hình nuôi cá lồng tại hồ Gò Miếu được mở ra với những hứa hẹn thay đổi diện mạo kinh tế của địa phương, làm nên thương hiệu cá sạch. Vậy nhưng, lợi ích đến nay của mô hình chưa thấy rõ, nhưng hoạt động nuôi cá lồng trên hồ Gò Miếu đã bị người dân xã Ký Phú tố cáo gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Thậm chí, với thảm cảnh ô nhiễm chưa từng xảy ra trong lịch sử tại hồ, nhiều người dân lo lắng hoạt động nuôi cá lồng này có thể sẽ “giết chết hệ sinh thái” của một trong những hồ nước ngọt đẹp nhất dưới chân Vườn Quốc gia Tam Đảo?
Xã chỉ biết báo cáo cấp trên chứ không tự xử lý được?
Theo người dân xã Ký Phú, nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước hồ Gò Miếu là do hoạt động chăn nuôi cá lồng bè của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Việt Nhật. Bởi trong lòng hồ và phía trên thượng nguồn hồ Gò Miếu không có người sinh sống, toàn bộ nguồn nước cấp cho hồ Gò Miếu đều chảy từ rừng nguyên sinh trong Vườn Quốc gia Tam Đảo nên không thể có chuyện ô nhiễm.
“Ở đây chỉ có duy nhất hoạt động nuôi cá lồng bè của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Việt Nhật nên không ai đến đây để gây ô nhiễm được,” anh Lê Văn Tú, người dân xóm Chuối, xã Ký Phú bức xúc nói.
Người dân xóm Chuối cũng cho biết, hồ Gò Miếu gần đây đang ngày ô nhiễm hơn, nhất là từ ngày Công ty Việt Nhật chuyển từ thức ăn công nghiệp sang dùng cá tạp, cá mè. Thậm chí người dân còn nghi ngờ doanh nghiệp dùng lợn chết để nuôi cá lăng đen, cá trê nên mới khiến nguồn nước hồ ô nhiễm nặng như vậy?
Trao đổi với phóng viên VietnamPlus sáng 20/5, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Ký Phú khẳng định thời gian gần đây, người dân quanh hồ Gò Miếu rất bức xúc trước việc hồ nước ngọt có tầm quan trọng sống còn với địa phương đang bị ô nhiễm do nghi ngờ liên quan đến hoạt động nuôi cá lồng bè của Công ty Việt Nhật.
“Tuy nhiên, việc quản lý, khai thác, vận hành hồ Gò Miếu thuộc thẩm quyền của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác Thủy lợi Thái Nguyên nên xã chỉ biết báo cáo, phối hợp với cấp trên chứ không tự xử lý được.”
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Ký Phú cũng cho biết, sau khi người dân có ý kiến phản ánh, ngày 16/5, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện Đại Từ đã yêu cầu Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ủy ban Nhân dân xã Ký Phú tiến hành kiểm tra, xác minh tình hình ô nhiễm và hoạt động nuôi cá lồng trên hồ.
Tại thời điểm kiểm tra vào sáng 19/5 cho thấy, phần đầu hồ Gò Miếu, nơi đón nhận nguồn nước chảy xuống từ dãy núi Tam Đảo nước vẫn trong, tuy nhiên đa phần còn lại của hồ nước đều có màu vàng xanh, phần ven hồ có nhiều cục vón màu trắng đục nổi trên mặt nước.
Theo thông tin từ Chi cục Thủy Sản tỉnh Thái Nguyên, nguyên nhân gây ô nhiễm bước đầu được xác định là do ảnh hưởng của hoạt động nuôi cá lồng bè trong hồ. Bên cạnh đó, do các sinh vật thủy sinh trong lòng hồ không còn nhiều, nên đã làm mất cân bằng sinh thái trong hồ, từ đó đã xuất hiện các hiện tượng trên.
Ngay trong chiều 19/5, Ủy ban Nhân dân huyện Đại Từ cũng đã ban hành công văn gửi Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác Thủy lợi Thái Nguyên, đề nghị Công ty kiểm tra hoạt động chăn nuôi thả cá và nuôi cá lồng bè trong phạm vi lòng hồ. Đồng thời chỉ đạo thực hiện kiểm tra, lấy mẫu quan trắc váng mầu nổi trên mặt hồ và nguồn nước trong hồ, xác định rõ nguyên nhân, lý do mặt nước hồ bị nổi váng, đồng thời có biện pháp xử lý, khắc phục hiện tượng.
“Nếu cố tình vi phạm sẽ thanh lý hợp đồng”
Từ góc độ ngành, ông Nguyễn Thế Giang-Phó Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên khẳng định, trách nhiệm để xảy ra tình trạng ô nhiễm tại hồ Gò Miếu thuộc về Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác Thủy lợi Thái Nguyên (đơn vị quản lý và khai thác hồ), Công ty cổ phần Nông nghiệp Việt Nhật.
“Hiện tại, Sở Tài nguyên và Môi trường vẫn đang theo dõi thông tin. Nếu hoạt động nuôi cá lồng bè gây ô nhiễm nặng đến nguồn nước lòng hồ, chúng tôi sẽ kiến nghị xử lý, dừng hoạt động nuôi cá lồng bè tại hồ,” ông Giang nói.
Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Công Thịnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác Thủy lợi Thái Nguyên, đơn vị đang trực tiếp quản lý và vận hành hồ Gò Miếu, cũng thừa nhận sự việc đúng như người dân phản ánh.
Ông Thịnh cho biết, ngay sau khi nắm được thông tin ô nhiễm tại hồ Gò Miếu, phía Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác Thủy lợi Thái Nguyên đã cùng Phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện Đại Từ vào cuộc kiểm tra, lấy một số mẫu nước phân tích.
Trước mắt, đơn vị đã yêu cầu Công ty Cổ phần Nông nghiệp Việt Nhật phải tiến hành vớt toàn bộ váng nổi trên mặt hồ để xử lý. Tạm dừng toàn bộ hoạt động sử dụng cá tươi, cá tạp, cá mè làm thức ăn cho cá lắng, cá trê, thay thế thức ăn bằng nguôn cám công nghiệp để theo dõi đánh giá.
Bên cạnh đó, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác Thủy lợi Thái Nguyên cũng yêu cầu phía Công ty Cổ phần Nông nghiệp Việt Nhật rà soát, đánh giá lại mật độ nuôi cá, chủng loại xem đã phù hợp và đúng với quy định hay chưa.
“Tới đây, khi có kết quả phân tích mẫu nước rõ ràng, trong trường hợp cho kết quả độc hại hoặc phía doanh nghiệp cố tình vi phạm không thực hiện đúng theo cam kết, chúng tôi có thể sẽ đơn phương chấm dứt hợp đồng và yêu cầu tháo dỡ lồng bè trả lại vị trí như cũ,” ông Thịnh nói.