Lãng phí thực phẩm: Vừa “đốt” tiền, vừa hủy hoại môi trường

Vứt bỏ thực phẩm còn ăn được không chỉ là sự lãng phí tiền bạc mà còn tiêu tốn tài nguyên quý giá, làm tổn hại khí hậu, đe dọa đa dạng sinh học và có thể làm ô nhiễm đất của chúng ta bằng vi nhựa.

“Tôi từng thấy những hộp sushi trị giá 200-300 Euro vẫn còn nguyên trong bao bì gốc”, Lea nhớ lại. Lea không phải là tên thật, cô muốn ẩn danh vì những gì cô làm có thể bị truy tố ở Đức.

Sinh viên đi bới rác để lấy thực phẩm ăn được từ các thùng rác siêu thị sau giờ bán hàng. Một số chủ cửa hàng coi đó là hành vi trộm cắp. Lea dĩ nhiên không hề ăn trộm.

“Rất nhiều thực phẩm được sản xuất ra nhưng không bao giờ được sử dụng. Tôi muốn góp phần vào việc tái phân phối”, cô nói.

Cô làm thế phần nhiều vì coi đó là sự lãng phí rất lớn tài nguyên thiên nhiên, đồng thời cũng muốn đóng góp tích cực cho việc bảo vệ môi trường.

Sản xuất thực phẩm tiêu tốn nước, phân bón và thuốc trừ sâu nhưng phần lớn bị vứt đi, đặc biệt là ở các nước giàu có mặc dù vẫn hoàn toàn có thể ăn được.

Như các nghiên cứu mới đã chỉ ra, rác thải thực phẩm cũng góp phần vào sự thay đổi khí hậu, gián tiếp đe dọa đa dạng sinh học và thậm chí thải ra rất nhiều vi nhựa vào đất.

Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) ước tính 1/3 tổng số thực phẩm được sản xuất trên toàn thế giới không bao giờ được ăn.

Vậy những gì được coi là rác thải thực phẩm? Nó bao gồm thực phẩm hư hỏng ngay khi vẫn ở trên cánh đồng, trong quá trình lưu trữ, vận chuyển hoặc chế biến được phân loại là hao hụt hoặc thực phẩm được đưa lên giá trong cửa hàng nhưng không bán được và không bao giờ được ăn.

Cả chuỗi giá trị đều lãng phí

Tại sao rất nhiều thực phẩm bị hỏng trong quá trình sản xuất là điều Rosa Rolle thuộc FAO đã trực tiếp trải nghiệm trong quá trình làm việc với các nông hộ nhỏ ở Bangladesh.

“Họ thu hoạch cà chua, cho vào bao tải 50 kg và vào thời điểm họ đưa chúng ra thị trường, chỉ 50% sẽ có chất lượng đủ tốt để bán”.

Mặc dù tình trạng đó có nghĩa là nông dân thiệt hại lớn về tài chính nhưng tác hại môi trường lại không lớn vì mất ít năng lượng cho việc vận chuyển và chế biến, và vì như ở nhiều nước đang phát triển khác, Bangladesh có truyền thống tận dụng các sản phẩm hỏng.

“Những gì còn lại chủ yếu trở thành thức ăn cho gia súc”, Rolle nói.

Tình huống hoàn toàn khác với món sushi mà Lea tìm thấy trong thùng rác siêu thị ở Đức. Hộp sushi không những không được sử dụng làm thức ăn gia súc mà còn tiêu tốn không ít năng lượng cho việc vận chuyển, xử lý các thành phần từ lúc rời khỏi đại dương và cánh đồng cho tới khi được đóng gói để tiêu thụ.

Trong thực tế, trong trường hợp lúa gạo, tác động môi trường bắt đầu ngay trên cánh đồng. Không giống như các loại ngũ cốc khác như lúa mì hoặc ngô, lúa là thực vật bán thủy sinh, cần nước để phát triển. Nhưng vì chất hữu cơ phân hủy trong môi trường ít oxy dưới mặt nước khác với trên đất liền nên các cánh đồng lúa phát thải một lượng lớn khí metan gây hại nghiêm trọng cho khí hậu.

Tuy nhiên, khoảng 30% sản phẩm ngũ cốc toàn cầu, bao gồm lúa gạo, không bao giờ được đưa lên bàn ăn.

Phá rừng, lãng phí nước, đe dọa đa dạng sinh học

Nhìn chung, việc sản xuất thực phẩm tiêu tốn rất nhiều tài nguyên, thường gây áp lực lớn cho môi trường. Trên thực tế, theo FAO, hơn 1/4 tổng số đất nông nghiệp trên thế giới được dùng để sản xuất ra lượng thực phẩm không bao giờ được sử dụng để ăn.

Và vì rừng là nơi sinh sống của nhiều loài động vật nhưng hiện đang bị chặt phá trên diện rộng để chăn nuôi gia súc hoặc trồng cọ dầu, do đó, sản xuất lương thực ảnh hưởng không nhỏ đến đa dạng sinh học. Nếu thịt càng ít bị lãng phí thì càng ít rừng bị chặt phá để chăn thả gia súc.

Còn nước thì sao? Theo FAO, mỗi năm, khoảng 250 tỷ lít nước được sử dụng trên toàn thế giới để sản xuất thực phẩm không bao giờ được ăn. Điều này tương đương với việc đổ đầy nước gần 1 triệu lần vào kim tự tháp Giza.

Nhưng hãy trở lại với hộp sushi của Lea và thành phần cá trong đó. Khoảng 35% cá, sò điệp và động vật giáp xác được nuôi và đánh bắt trên toàn thế giới đã không được ăn.

Và kế đó còn là bao bì nhựa đóng gói sushi.

Qua thùng rác hữu cơ, hộp sushi này sẽ đi tới tận cánh đồng dưới dạng vi nhựa.

Nhựa trong đất

Thực phẩm bị vứt đi thường còn nguyên bao bì nhựa. Nhưng thật khó để tách nhựa ra khỏi chất hữu cơ trong các thiết bị trộn hoặc khí sinh học khi xử lý rác hữu cơ.

Như phát hiện của một nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Bayreuth, điều đó có những hậu quả sâu rộng. Trong một tấn phân ủ sản xuất từ rác hữu cơ, họ đã tìm thấy 440.000 mẩu vi nhựa.

Họ cũng tìm thấy vi nhựa trên vùng đất nông nghiệp Đức với nồng độ cao gấp 20 lần so với các đại dương trên thế giới. Và từ cánh đồng, vi nhựa có khả năng xâm nhập vào chuỗi thức ăn của chúng ta.

Không có giải pháp tức thời cho tổn thất lương thực và lãng phí thực phẩm nhưng mọi bước tiến để tránh được vấn đề này đều có ích.

Về mặt tổn thất lương thực, Rosa Rolle đã thực hiện một số động thái giúp đỡ các nông hộ nhỏ ở Bangladesh tiết kiệm nhiều lượng cà chua thu hoạch được: hiện họ sử dụng các hộp nhựa có thể tái sử dụng, dễ dàng xếp chồng lên nhau để vận chuyển trái cây dễ dập nát.

Kể từ khi họ bắt đầu làm như vậy, 90% cà chua được đưa ra thị trường và tới với người tiêu dùng trong tình trạng nguyên vẹn.

Nhật Anh (Theo Deutsche Welle)

Nguồn: