Gần 700 cá thể tê giác tại tỉnh Limpopo của Nam Phi đã thoát hiểm sau khi được tiêm một hỗn hợp thuốc độc chuyên dụng vào sừng khiến các cá thể này không còn giá trị đối với những toán đi săn trộm tê giác với mục đích lấy sừng.
Theo phóng viên TTXVN thường trú tại Pretoria, đây là kết quả từ những nỗ lực không mệt mỏi trong nhiều năm qua của Save the Rhino – tổ chức phi lợi nhuận chuyên về bảo vệ loài tê giác tại Nam Phi.
Trong 4 năm vừa qua, chỉ có 2 cá thể tê giác bị bọn săn trộm giết hại trong 700 cá thể đã được tiêm thuốc vào sừng tại tỉnh Limpopo – một trong những khu vực có mật độ phân bổ cao của loài động vật mang tính biểu tượng cho châu Phi này.
Trong khi thuốc độc sẽ khiến sừng không thể sử dụng với mục đích chữa bệnh, dung dịch nhuộm màu có khả năng thẩm thấu sâu sẽ khiến sừng không còn giá trị trưng bày.
Chuyên gia bảo vệ động vật hoang dã Lorinda Hern cho biết chất độc này hoàn toàn an toàn đối với tê giác nhưng độc hại cho con người nếu sử dụng.
Người sử dụng sừng tê giác ngấm chất độc có thể gặp các triệu chứng như buồn nôn, tiêu chảy, tê liệt thần kinh, thậm chí tử vong. Trong khi đó, chất nhuộm màu bên cạnh tác dụng làm mất giá trị trưng bày của sừng, dung dịch này còn chứa hoạt chất nhạy cảm với tia X, do đó dễ dàng bị phát hiện khi đi qua những máy soi hành lý tại các cửa khẩu.
Trước đó, các nhà bảo vệ động vật hoang dã thường dùng phương pháp cắt bỏ sừng tê giác khiến loài này không trở thành mục tiêu của bọn săn trộm, tuy nhiên, theo giới sinh học, phương pháp này có thể khiến loài tê giác bị mất đi tập tính tự nhiên, dẫn đến trầm cảm và chết sớm. Hiện tổ chức bảo vệ môi trường cũng đang nghiên cứu áp dụng phương pháp tiêm thuốc nhuộm màu vào ngà voi để khiến ngà voi không còn giá trị làm vật trang trí hay trưng bày.
Theo Bộ Môi trường Nam Phi, 769 cá thể tê giác đã bị săn trộm tại quốc gia này trong năm 2018, giảm 25% so với năm 2017. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 2012 số lượng tê giác bị săn trộm trong một năm giảm xuống dưới 1.000 cá thể.
Trong những năm gần đây, ngoài lực lượng kiểm lâm, Nam Phi đã tăng cường huy động nhiều lực lượng như cảnh sát, tình báo và đặc nhiệm cùng tham gia vào cuộc chiến chống nạn săn trộm tê giác.
Quốc gia này cũng thực hiện nhiều chiến dịch truyền thông rộng rãi trong nước và quốc tế, từ việc phát hành rộng rãi các ấn phẩm tuyên truyền cho đến sản xuất và bán sừng tê giác bằng nhựa để gắn trên nóc ô tô nhằm nâng cao nhận thức của người dân.
Bên cạnh đó, Bộ Môi trường Nam Phi cho rằng việc triển khai các trạm radar di động nhằm kiểm soát các toán săn trộm đã góp phần giảm số lượng tê giác bị giết hại tới 8%, đặc biệt tại những khu vực có mật độ phân bổ cao.
Ngoài ra, số lượng tê giác giảm do nạn săn bắn trộm trong nhiều năm qua cũng được xem là nguyên nhân khiến các đối tượng săn trộm khó tìm mục tiêu hơn.
Theo số liệu của Bộ Môi trường Nam Phi, số lượng tê giác tại Kruger Park – khu bảo tồn thiên nhiên lớn nhất Nam Phi và cũng là nơi tập trung mật độ tê giác cao nhất châu Phi – đã giảm gần 50% trong 4 năm qua, từ 9.000 cá thể năm 2014 xuống còn 5.000 cá thể năm 2018.
Riêng trong năm 2014, có 1.215 cá thể tê giác đã bị giết hại riêng tại Nam Phi và trở thành một trong những năm đen tối nhất đối với loài động vật này.
Nam Phi còn là nơi sinh sống của khoảng 20.000 con tê giác trắng, chiếm tới 80% tổng số tê giác trắng trên toàn thế giới.