Theo một nghiên cứu mới đây, các mảnh vỡ trên Quần đảo Cocos (Keeling) chủ yếu là chai, dao kéo, túi và ống hút, nhưng cũng bao gồm 977.000 đôi giày.
Ô nhiễm nhựa xuất hiện ở khắp các đại dương
Trên các bãi biển của Quần đảo Cocos (Keeling) nhỏ bé, nơi có 600 người sinh sống, các nhà khoa học biển đã tìm thấy 977.000 đôi giày và 373.000 bàn chải đánh răng.
Một cuộc khảo sát toàn diện về các mảnh vỡ trên các hòn đảo – trong số những nơi xa xôi nhất trên Trái đất ở Ấn Độ Dương – đã tìm thấy một lượng rác đáng kinh ngạc dạt vào bờ. Số lượng rác lên đến 414 triệu mảnh nhựa, nặng 238 tấn.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature kết luận khối lượng các mảnh vỡ chỉ ra sự gia tăng nhựa theo cấp số nhân gây ô nhiễm các đại dương trên toàn cầu và cho thấy xu hướng đáng lo ngại trong sản xuất và xả thải các sản phẩm sử dụng một lần.
Tác giả chính, Jennifer Lavers đến từ Viện nghiên cứu Hàng hải và Nam cực thuộc Đại học Tasmania cho biết những hòn đảo xa xôi không có nhiều người sinh sống có chỉ số hiệu quả nhất về lượng mảnh vụn nhựa trôi nổi trong đại dương.
“Những hòn đảo như thế này giống như những con chim hoàng yến trong một mỏ than và việc hành động theo những cảnh báo chúng ta đưa ra càng trở nên cấp bách hơn. Ô nhiễm nhựa hiện đang có mặt ở khắp các đại dương của chúng ta và các hòn đảo xa xôi là nơi lý tưởng để có cái nhìn khách quan về khối lượng các mảnh vụn nhựa hiện đang lan rộng trên toàn cầu” – Jennifer Lavers nhấn mạnh.
Nghiên cứu cho thấy số lượng mảnh vỡ chôn sâu tới 10cm bên dưới bãi biển lớn gấp 26 lần số lượng có thể nhìn thấy; và cho rằng các cuộc điều tra trước đây chỉ đánh giá rác bề mặt có thể đã đánh giá thấp quá mức quy mô tích lũy mảnh vỡ.
Lavers đã dẫn đầu một nghiên cứu trước đó, được công bố vào năm 2017, cho thấy hòn đảo Henderson xa xôi ở phía Đông Nam Thái Bình Dương là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi ô nhiễm nhựa.
Trong khi hầu hết các mảnh vụn được tìm thấy trên đảo Henderson có liên quan đến câu cá thì trên Quần đảo Cocos (Keeling), nhựa chủ yếu là các vật dụng sử dụng một lần như chai, dao kéo nhựa, túi và ống hút.
“Nhu cầu quá lớn và không ngừng của chúng ta đối với nhựa cùng với chính sách và quản lý chất thải không hiệu quả đã dẫn đến vô số tác động tiêu cực đối với môi trường biển, nước ngọt và trên cạn, trong đó phải kể đến việc vướng vào và ăn phải mảnh vụn cũng như tiếp xúc với hóa chất liên quan đến nhựa”, nghiên cứu cho biết.
Giải quyết thách thức mà cộng đồng phải đối mặt
“Quần đảo Cocos (Keeling) được gọi là “thiên đường hoang sơ cuối cùng của Úc”, với ngành du lịch là nguồn thu nhập chính của cộng đồng địa phương. Tuy nhiên, tác động của các mảnh vỡ đối với du lịch và bãi biển của họ ngày càng khó tránh.
“Thật đáng buồn, tình trạng rác thải nhựa xuất hiện trên Quần đảo Cocos (Keeling) không phải là duy nhất, số lượng mảnh vỡ đáng kể cũng được ghi nhận trên các đảo và khu vực ven biển từ Bắc Cực đến Nam Cực. Những hòn đảo và khu vực ven biển này phản ánh các “triệu chứng cấp tính” của mối nguy hiểm môi trường đang gia tăng nhanh chóng” – nghiên cứu cho biết.
Các mặt hàng như giày và bàn chải đánh răng đã được tìm thấy với số lượng lớn như vậy, các nhà nghiên cứu cho rằng sẽ mất khoảng 4.000 năm để tạo ra một lượng chất thải tương tự.
Cộng đồng địa phương đã đấu tranh để tìm một bãi chôn lấp thích hợp, hoặc các cách khác để xử lý rác đúng cách.
“Trong trường hợp không có sự thay đổi nhanh chóng và có ý nghĩa, các mảnh vụn của con người sẽ tích tụ trên các bãi biển với các tác động ngày càng được cảm nhận bởi đa dạng sinh học và giảm thiểu nhựa biển vẫn sẽ là một trò chơi “đuổi bắt”, nghiên cứu nhấn mạnh.
Theo nghiên cứu, các sáng kiến giảm thiểu, bao gồm cả chính sách nên chú trọng đến những thách thức mà các đảo xa xôi và các cộng đồng cư trú ở đó phải đối mặt.
Đồng tác giả của báo cáo, Annett Finger thuộc Đại học Victoria cho biết sản xuất nhựa toàn cầu tiếp tục tăng. Lượng nhựa được sản xuất từ năm 2006 gần bằng một phần hai lượng nhựa trong 60 năm qua.
“Theo ước tính, 12,7 triệu tấn nhựa đã xâm nhập vào đại dương của chúng ta trong năm 2010, với khoảng 40% nhựa chảy vào dòng chất thải trong năm đó”, Finger nói.
Theo kết quả của sự gia tăng sản phẩm nhựa dùng một lần, ước tính hiện có 5,25 nghìn tỷ mảnh vụn nhựa đại dương.
“Quy mô của vấn đề đồng nghĩa với việc làm sạch đại dương của chúng ta hiện không thể thực hiện được và việc làm sạch các bãi biển hứng chịu ô nhiễm nhựa rất mất thời gian, tốn kém và cần phải được lặp lại thường xuyên khi hàng ngàn mảnh nhựa mới được rửa trôi mỗi ngày” – Finger nói.