Những năm gần đây, Hải quan Việt Nam đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ hàng trăm vụ việc vi phạm pháp luật về thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), trong đó đã phát hiện nhiều vụ buôn lậu động thực vật hoang dã quy mô lớn.
Kể từ khi Việt Nam tham gia Công ước Cites năm 1994, công tác thực thi kiểm soát bảo vệ động vật hoang dã theo Công ước Cites luôn được ngành Hải quan quan tâm và xác định là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành.
Với quyết tâm tích cực, chủ động trong phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại, trong các năm vừa qua, Tổng cục Hải quan thường xuyên chỉ đạo lực lượng kiểm soát Hải quan, nòng cốt là Cục Điều tra chống buôn lậu, tăng cường quản lý, tập trung nguồn lực, triển khai quyết liệt các giải pháp thiết thực để kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật hoang dã qua biên giới.
Để chủ động phát hiện, ngăn chặn sớm các dấu hiệu vi phạm, ngoài công tác nắm tính hình, thu thấp thông tin theo phương thức truyền thống, cơ quan Hải quan còn đẩy mạnh hoạt động trực chỉ huy trực tuyến 24/7 để theo dõi, phân tích thông tin dựa trên các cơ sở dữ liệu của Ngành, cơ sở dữ liệu một cửa quốc gia và các cơ sở dữ liệu khác, đồng thời giám sát trực tuyến các hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu, cảng hàng không, cảng biển, kịp thời hỗ trợ các đơn vị hải quan địa phương phát hiện những dấu hiệu bất thường, phương thức, thủ đoạn của đối tượng trọng điểm để có các biện pháp theo dõi, mật phục, kiểm tra, xử lý.
Bên cạnh đó, thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai hiệu quả Cơ chế một cửa quốc gia. Trong đó thủ tục cấp Giấy phép CITES và một số thủ tục về cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, thực vật xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh.
Việc triển khai các thủ tục này trên Cổng thông tin một cửa quốc gia có ý nghĩa rất lớn trong việc liên kết, liên thông giữa các cơ quan quản lý với cơ quan Hải quan trong việc quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh thuộc diện phảm quản lý chuyên ngành, góp phần tạo thuận lợi, giảm thời gian, chi phí cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
Công tác phối hợp hoạt động trong nước, lực lượng Hải quan các cấp phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong công tác chia sẻ thông tin, tuần tra, kiểm soát, đấu tranh phát hiện, xử lý các đường dây, ổ nhóm buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã.
Ngoài ra, Tổng cục Hải quan luôn chú trọng và chủ động đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống buôn lậu, đảm bảo xây dựng và hình thành được cơ chế hợp tác, trao đổi, chia sẻ thông tin chặt chẽ, phục vụ hỗ trợ đắc lực, kịp thời, hiệu quả công tác nghiệp vụ.
Trong thời gian qua, ngành Hải quan đã tham mưu xây dựng và triển khai nhiều thỏa thuận hợp tác song phương với Hải quan các quốc gia, vùng lãnh thổ cùng các chương trình, khung hợp tác quốc tế về trao đổi thông tin nghiệp vụ kiểm soát hải quan với mục tiêu phục vụ hiệu quả cho công tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại; tham gia tích cực, sâu rộng vào các hoạt động kiểm soát quốc tế trong lĩnh vực hải quan; thực hiện tốt vai trò đầu mối liên lạc trao đổi thông tin ở các các hoạt động hợp tác đa phương như hợp tác trong khuôn khổ của WCO, RILO AP, ASEAN cũng như hợp tác song phương với các cơ quan Hải quan các nước.
Những thành tích đạt được trong công tác phòng, chống buôn lậu động vật hoang dã của ngành Hải quan trong những năm gần đây là rất lớn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ về chống buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật hoang dã qua biên giới, ngành Hải quan vẫn còn gặp không ít những khó khăn về cơ chế, chính sách cũng như sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan.
Các đối tượng sử dụng thủ đoạn để buôn lậu và vận chuyển trái phép động vật hoang dã ngày càng tinh vi, thường xuyên thay đổi, hoạt động không theo quy luật và không cố định. Tuy nhiên, với quyết tâm cao trong việc thực thi Công ước CITES, ngành Hải quan coi đây là nhiệm vụ lớn không chỉ đối với việc bảo vệ các loài động thực vật trong nước mà còn góp phần cùng với các nước trên thế giới đẩy lùi nạn săn bắt, buôn bán các loài dộng thực vật quý hiếm.
Những vụ điển hình ngành Hải quan phát hiện, bắt giữ.
Ngày 5-10-2018 phát hiện, bắt giữ hơn 1,8 tấn ngà voi và hơn 6,3 tấn vảy tê tê tại cảng Tiên Sa- Đà Nẵng.
Ngày 25-1- 2019 phát hiện, bắt giữ tổng cộng 2,8 tấn vảy tê tê tại khu vực cảng Hải Phòng.
Ngày 30-1-2019 phát hiện, bắt giữ 600 kg ngà voi tại khu vực cảng Hải Phòng.
Ngày 27-3-2019 phát hiện, bắt giữ hơn 9 tấn ngà voi tại cảng Tiên Sa-Đà Nẵng.