Ông Võ Thành Ngoan, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, hiện nay, hai bên bờ sông Tiền, sông Hậu có 85 điểm đang sạt lở và nguy cơ sạt lở.
Năm 2018, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp xảy ra 49 vụ tại 21 xã, phường, thị trấn của 8 huyện, thị xã, thành phố, với tổng chiều dài sạt lở 28,5 km, diện tích sạt lở hơn 17 ha. Sạt lở làm thiệt hại hơn 40 tỷ đồng, không thiệt hại về người, nhưng 4 tháng đầu năm 2019 sạt lở bờ sông Tiền ở Hồng Ngự làm 1 người thiệt mạng.
Tỉnh đã vận động và hỗ trợ 343 hộ trong vùng sạt lở nguy hiểm di dời đến nơi an toàn. Hiện nay còn 6.014 hộ đang sinh sống trong vành đai có nguy cơ sạt lở, cần phải di dời đến nơi ở mới an toàn.
Ông Võ Thành Ngoan cho biết thêm, tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức theo dõi, cắm biển báo và tuyên truyền để nhân dân biết chủ động phòng tránh, lên phương án khắc phục đoạn xảy ra sạt lở đảm bảo đi lại và ổn định đời sống của người dân; hỗ trợ các hộ dân nằm trong vành đai sạt lở di dời đến nơi an toàn, đặc biệt vào các cụm tuyến dân cư đã hoàn thành.
UBND tỉnh cũng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố xác định vành đai các khu vực sạt lở, làm cơ sở cho việc di dời dân đến nơi an toàn. UBND tỉnh phê duyệt đề cương dự toán dự án “Đo đạc, giám sát đánh giá ổn định bờ sông Tiền và thiết lập hành lang sạt lở tại khu vực đông dân cư và cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp”.
Bên cạnh đó, công tác phòng, chống và khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh phải được tiến hành chủ động và thường xuyên nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do sạt lở, sụt lún gây ra.
Ngoài các cụm tuyến dân cư đã thực hiện ở giai đoạn 2, tỉnh đang tiếp tục quy hoạch và đầu tư xây dựng thêm các cụm tuyến dân cư phục vụ tái định cư các hộ dân vùng sạt lở mới phát sinh; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình kè chống xói lở đã có quyết định đầu tư; phương án bám sát theo phương châm “Bốn tại chỗ” và yêu cầu “Ba sẵn sàng”.