Tình trạng xả rác thải gây ra các vấn đề về môi trường vẫn diễn ra tại nhiều điểm du lịch ở Bình Định, xuất phát từ thói quen ý thức của người dân và khách du lịch.
Trong buổi sớm tinh mơ của ngày nghỉ cuối tuần, không có băng rôn lẫn khẩu hiệu, nhưng nhiều người dân, học sinh, sinh viên đã tham gia “thử thách dọn rác” tại bãi biển Quy Hòa thuộc phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, do anh Cameron Beardley, một du khách người Canada khởi xướng.
Sau hơn ba giờ dọn dẹp, bãi biển Quy Hòa đã sạch đẹp hơn nhiều, không còn cảnh tượng túi nilon, đồ nhựa dùng một lần, chất thải vô cơ nằm bừa bộn ở khu vực bãi tắm. Đây là một trong số những hoạt động của người dân Bình Định nhằm truyền tải thông điệp bảo vệ tài nguyên môi trường du lịch.
Xả rác bừa bãi – lỗi do “thói quen”
Đến Quy Nhơn – Bình Định những ngày giữa tháng Tư nắng vàng như rót mật, cái nắng ở đây nóng như đổ lửa nhưng cái gió biển lại man mát khiến tan đi sự mệt mỏi sau hành trình dài để đến với miền đất võ này. Điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến hành trình của chúng tôi là Hòn Khô, hòn đảo này có cảnh vật tuyệt đẹp, xen giữa những mỏm núi đá nhô ra biển là nhiều bãi cát phẳng mịn, quyến rũ.
Tuy nhiên, đâu đó vẫn có những vỏ chai lọ, giấy rác, túi ni lông… rải rác trên bãi biển. Thời điểm tháng Tư vẫn đang là mùa vắng khách, nếu vào mùa cao điểm thì không biết lượng rác thải sẽ nhiều như thế nào.
Chị Nguyễn Thị Lý, một người dân làm việc trên đảo cho biết, rác thải từ các hoạt động du lịch thường được người dân địa phương xử lý và dọn dẹp sau một ngày đón khách, thế nhưng với lượng khách du lịch đến các điểm tham quan quá đông, nhất là trong mùa cao điểm vì tình trạng rác thải vương vãi ở nhiều nơi là điều khó tránh khỏi.
“Bước xuống Hòn Khô, đập vào mắt tôi là những buồng gỗ người ta dựng lên, nhưng đã mục nát, bãi biển thì vẫn còn rác… và điều khiến tôi không ưng ý nhất là nhà thay đồ và vệ sinh lại chung làm một, rất sơ sài, có mùi khó chịu. Một điểm du lịch đẹp như vậy, nhưng lại không được đầu tư thì khách sao còn muốn quay trở lại nữa”, chị Lê Ngọc Trinh (quê ở Nam Định) nói.
Theo ông Huỳnh Cao Nhất, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định, có tình trạng một số nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống trên biển xả nước thải, rác thải gây ô nhiễm môi trường biển và ven biển.
Ngoài ra, nhiều tàu thuyền hoạt động cùng lúc đã gây ra hiện tượng váng dầu trên mặt biển và thêm nữa là việc khai thác quá mức tại các rạng san hô phục vụ nhu cầu của khách du lịch trong mùa cao điểm cũng gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường biển.
Thẳng thắn nhìn nhận, ông Nhất cho rằng, nguyên nhân của việc này là do vẫn còn những người dân, khách du lịch chưa ý thức được tác hại của thói quen xả rác bừa bãi và nhận thức về việc bảo vệ môi trường vẫn còn mơ hồ.
Bên cạnh đó, dịch vụ vệ sinh môi trường chưa phủ đến tất cả các điểm du lịch ở Bình Định.
Ông Huỳnh Cao Nhất cho hay, quan trọng nhất là nâng cao ý thức của người dân về việc bảo vệ môi trường, làm thế nào để họ hiểu những tác hại đối với môi trường đến từ những hoạt động du lịch.
Ngoài ra, việc doanh nghiệp đầu tư, khai thác vì lợi ích và phớt lờ những cảnh báo, trong khi các cơ quan quản lý tại địa phương lại chưa có điều kiện tiếp cận nhanh cũng đã gây nên những hệ lụy đối với tài nguyên môi trường du lịch.
Thay đổi nhận thức từ việc làm nhỏ
Theo ông Huỳnh Cao Nhất, việc nâng cao ý thức của người dân là quan trọng, tỉnh thường xuyên có những đợt tuyên truyền kêu gọi người dân thay đổi thói quen. Từ đó những người làm du lịch trên địa bàn tỉnh đã có nhận thức tích cực hơn về việc bảo vệ môi trường.
Lái xe Nguyễn Hữu Ninh – người rong ruổi cùng chúng tôi suốt chuyến đi không ngại ngần kiêm luôn hướng dẫn viên, nhiếp ảnh gia cho cả nhóm chia sẻ, từ khi Bình Định có đông khách du lịch từ khắp nơi về, ý thức làm du lịch của người dân cũng dần thay đổi.
Họ học hỏi cách làm du lịch chuyên nghiệp và nhận thức tốt hơn về trách nhiệm bảo vệ môi trường.
Anh Ninh quan niệm muốn thu hút du khách thì phải có điểm du lịch đẹp, sạch sẽ, nhiều hoạt động vui chơi, khách đến nhiều thì những người làm du lịch như anh mới có thêm thu nhập.
Chính vì vậy, những người làm du lịch như anh Ninh luôn là chủ nhà hiếu khách, thân thiện và cũng không quên nhắc nhở khách không vứt, xả rác tại các điểm tham quan.
Như câu chuyện khởi xướng “thử thách dọn rác” của du khách người Canada, không băng rôn khẩu hiệu, không nặng về hình thức, những người tới tham gia dọn dẹp đều có mục đích là bảo vệ môi trường biển.
Khi đến bãi biển, mỗi người tự lấy găng tay, khẩu trang, bao rác và âm thầm làm việc. Mặc dù không thể thay đổi nhanh chóng ý thức của một số người, nhưng dần dà với những việc làm nhỏ, chiến dịch nhỏ, công tác bảo vệ môi trường sẽ đạt được những kết quả lớn hơn.
Ngoài những thay đổi từ nhận thức của người dân, cấp quản lý địa phương cũng đã có những biện pháp bảo vệ môi trường. Ông Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn cho hay, ngoài đề án thu gom rác thải của xã, Nhơn Lý cũng vận động những doanh nghiệp, cá nhân làm du lịch tham gia vào việc bảo vệ môi trường.
Theo đó, cứ định kỳ hàng tuần, hàng tháng, đội vệ sinh môi trường sẽ thu gom rác thải ở các bãi biển. Ngoài ra, xã cũng tuyên truyền với người dân làm du lịch không được xả rác thải xuống biển và không được bẻ phá các rạng san hô.
Bình Định đang trong trong giai đoạn phát triển nóng về du lịch, nếu địa phương không có kế sách bảo vệ môi trường tài nguyên, với lượng du khách đổ đến quá đông và việc chạy theo phát triển kinh tế mà lơ là yếu tố bền vững, các bãi biển, thắng cảnh đẹp của tỉnh sẽ bị phá hủy.
“Quan điểm của tỉnh khi phát triển du lịch phải gắn liền với bảo vệ môi trường, dứt khoát không phát triển du lịch bằng mọi giá. Bởi chính những điểm đến này mới thu hút được du khách đến và quay trở lại. Còn nếu phát triển du lịch mà tàn phá tài nguyên môi trường thì Bình Định sẽ không còn gì để thu hút du khách đến nữa”, ông Huỳnh Cao Nhất nói.