Trong chuyến lặn xuống đại dương ở độ sâu nhất con người có thể thực hiện trong một tàu ngầm, một nhà đầu tư Mỹ đã phát hiện thứ ông có thể thấy ở gần như bất cứ đường phố nào trên thế giới: đó là rác thải nhựa.
Ông Victor Vescovo, một sĩ quan hải quân về hưu, đã khám phá như trên khi ông lặn xuống độ sâu 10.928 m ở một điểm tại rãnh Marianna, rãnh nứt đại dương sâu nhất hành tinh (nằm trên phần đáy khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương, phía Đông quần đảo Marianna) trong tàu ngầm mang tên DSV Limiting Factor – thông báo của đoàn thám hiểm cho biết hôm 13-5.
Lần này, ông đã lặn xuống sâu hơn 16 m so với lần lặn sâu nhất trước đây ở rãnh này vào năm 1960.
Ông Vescovo đã phát hiện một vật thể nhân tạo ở đáy dương và đang cố xác định nó là nhựa – bà Stephanie Fitzher, phát ngôn viên của đoàn thám hiểm Five Deep của ông Vescovo cho biết.
Theo Liên Hiệp Quốc, rác thải nhựa đã đạt đến mức độ đại dịch với 100 triệu tấn được tìm thấy trong các đại dương.
Trong vòng 3 tuần qua, đoàn thám hiểm này đã thực hiện bốn chuyến lặn bằng tàu ngầm xuống rãnh Mariana để thu thập mẫu đá và sinh vật học.
Đây là lần thứ 3 con người lặn xuống điểm sâu nhất này ở Thái Bình Dương.
Nhà làm phim người Canada James Cameron đã lặn xuống độ sâu 10.908 m trong tàu ngầm riêng vào năm 2012. Trước đó, vào năm 1960, chuyến thám hiểm đầu tiên đã được hải quân Hoa Kỳ thực hiện, với độ sâu 10.912 m.