Nhằm nâng cao giá trị kinh tế rừng, tỉnh Quảng Nam đang khuyến khích người dân chuyển dần từ trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn tiếp cận chứng chỉ rừng FSC.
Việc xây dựng mô hình liên kết công ty và nhóm hộ trong trồng rừng gỗ lớn sẽ giúp người dân yên tâm đầu tư trồng rừng gỗ lớn, tăng giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích rừng trồng.
Với hơn 200.000 ha đất rừng sản xuất, Quảng Nam là một địa phương có tiềm năng lớn để phát triển lâm nghiệp; là cơ sở cung cấp nguồn nguyên liệu dồi dào cho ngành công nghiệp chế biến gỗ…
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp lớn như Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam, Công ty CP Lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam… đang liên kết với người dân để triển khai các dự án trồng rừng gỗ lớn quy mô lớn lên tới hàng chục ngàn ha ở khu vực miền núi của tỉnh. Đây là điều kiện thuận lợi để thực hiện đăng ký, mở rộng diện tích rừng trồng gỗ lớn được cấp chứng nhận tiêu chuẩn rừng quốc tế FSC.
Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển lâm nghiệp Quảng Nam (QNAFOR) đang được dự án Trường Sơn Xanh tài trợ cung cấp cây giống và hỗ trợ kỹ thuật cho người dân trồng mới 860ha và chuyển hóa 1.500ha rừng gỗ nhỏ (từ 4-6 năm tuổi) thành rừng gỗ lớn (từ 8-10 năm tuổi) theo hướng FSC của người dân trên địa bàn 10 xã thuộc 3 huyện: Tiên Phước, Hiệp Đức và Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam).
Ngoài ra, dự án Trường Sơn Xanh cũng tài trợ cho Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (World Wide Fund For Nature – WWF) hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật cho QNAFOR trong việc thực hiện cấp chứng chỉ rừng FSC đối với diện tích rừng nói trên.
Đại diện lãnh đạo QNAFOR cho biết, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân khi tham gia liên kết với Công ty trong việc đầu tư trồng rừng gỗ lớn đạt chứng chỉ FSC thì Công ty có những chính sách sau: Công ty cung cấp miễn phí cây giống trồng mới 860ha thông qua tài trợ của dự án Trường Sơn Xanh; hỗ trợ tiền nhân công chuyển hóa rừng 01 triệu đồng/ha trên tổng số 1.500ha rừng gỗ nhỏ (từ 4-6 năm tuổi) thành rừng gỗ lớn (từ 8-10 năm tuổi) thông qua gói tài trợ của dự án Trường Sơn Xanh; Công ty tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho người dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc và chuyển hóa rừng gỗ lớn… Công ty cam kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với người dân.
Nếu gỗ đạt chứng chỉ FSC thì Công ty sẽ mua cao hơn từ 10-15% so với giá thị trường tùy theo chất lượng của sản phẩm.
Ông Đoàn Văn Hùng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam phân tích: Người trồng rừng sẽ là đối tượng hưởng lợi trực tiếp, bởi gỗ làm ra không sợ bị các đầu nậu ép giá, thậm chí được Công ty mua với giá cao hơn so với mặt bằng chung của thị trường.
Có nhà máy tiêu thụ gỗ kéo theo ngành kinh tế lâm nghiệp phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng chỉ số về công nghiệp cho địa phương.
Thứ nữa là người dân yên tâm đầu tư trồng rừng gỗ lớn, sẽ tăng giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác.
Thời điểm này, tỉnh có 2.300ha trồng rừng gỗ lớn được công nhận chứng chỉ FSC. Mục tiêu của tỉnh đặt ra đến năm 2020 con số này tăng lên 6.000ha và đạt khoảng 16.000ha rừng cấp chứng chỉ FSC vào năm 2025.
Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Quảng Nam đang tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sâu các sản phẩm từ gỗ gắn với vùng nguyên liệu.
Theo quy định tiêu chuẩn công nhận gỗ FSC, hộ trồng rừng tự nguyện tham gia và cam kết tuân thủ các quy định của tiêu chuẩn FSC, trong đó có các tiêu chí bắt buộc không sử dụng thuốc hóa học nằm trong danh mục cấm của Việt Nam và FSC; không xử lý thực bì bằng cách ủi trắng, không dùng thuốc diệt cỏ, không đốt thực bì; bảo vệ và duy trì vùng đệm và sinh cảnh dễ bị tổn thương; nghiêm cấm xâm lấn rừng tự nhiên.
Nguồn giống sử dụng phải có xuất xứ, rõ ràng và chịu sự kiểm tra, giám sát, nghiệm thu của cơ quan chức năng.
“Sắp tới UBND tỉnh phải mạnh mẽ tích tụ đất rừng từ quỹ đất mà địa phương quản lý để cho doanh nghiệp thuê trồng rừng gỗ lớn. Sớm thành lập hội chủ rừng của tỉnh và của huyện hay hợp tác xã để doanh nghiệp làm việc trực tiếp với người đại diện nhằm ký hợp đồng thuê đất lâu dài. Cạnh đó, Chính phủ cần triển khai chính sách cho vay vốn trồng rừng đối với doanh nghiệp đầu tư trồng rừng gỗ lớn và chính sách bảo hiểm đối với rừng trồng”- ông Đoàn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam đề xuất.