Nạn phá rừng ở Quảng Bình chưa có dấu hiệu dừng lại trong khi việc xử lý trách nhiệm những người được giao giữ rừng chưa đến nơi đến chốn.
Công an tỉnh Quảng Bình vừa khởi tố vụ án, bắt giữ nhiều đối tượng liên quan đến 2 vụ phá rừng đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ở vùng lõi vườn quốc gia (VQG) Phong Nha – Kẻ Bàng (xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch) và khu vực rừng thuộc Lâm trường Trường Sơn (huyện Quảng Ninh).
Đáng nói, chủ rừng và lực lượng kiểm lâm – những người được giao quản lý, bảo vệ rừng lại đùn đẩy trách nhiệm.
1 tháng phát hiện 3 vụ
Trong 2 vụ nêu trên, vụ phá rừng cổ thụ quý hiếm tại Tiểu khu 329 do Chi nhánh Lâm trường Trường Sơn (Công ty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Long Đại) quản lý gây xôn xao dư luận. Hơn 45 cây cổ thụ; chủ yếu là lim, gõ… bị chặt hạ trái phép.
Đáng nói, rừng bị tàn phá từ cuối năm 2018 nhưng mãi đến giữa tháng 3-2019 mới bị phát hiện.
Vào giữa tháng 3, một vụ phá rừng quy mô lớn xảy ra tại VQG Phong Nha – Kẻ Bàng với số lượng gỗ bị khai thác trái phép lên đến 100 m3, trong đó có hơn 60 m3 gỗ mun đặc biệt quý hiếm.
Tại hiện trường, cơ quan chức năng còn phát hiện lâm tặc đã dựng lán trại, nấu ăn phục vụ cho việc phá rừng trong thời gian dài. Điều khiến dư luận khó hiểu là điểm rừng bị phá chỉ nằm cách Đồn Biên phòng Cồn Roàng và Trạm Kiểm lâm VQG Phong Nha – Kẻ Bàng chỉ vài km.
Giữa lúc 2 vụ phá rừng liên tiếp làm nóng dư luận thì mới đây, người dân phát hiện lâm tặc ngang nhiên triệt hạ hơn 2 ha rừng tự nhiên trong vùng đệm của VQG Phong Nha – Kẻ Bàng ở xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch.
Rừng bị phá chỉ cách Trạm Kiểm lâm Chà Nò hơn nửa cây số và nằm sát đường Hồ Chí Minh khiến dư luận càng thêm bức xúc.
Đùn đẩy, né tránh
Thực tế, nhiều diện tích rừng tự nhiên ở tỉnh Quảng Bình được giao cho các công ty lâm nghiệp và VQG quản lý, bảo vệ đã và đang bị tàn phá dữ dội.
Việc quy hoạch rừng sản xuất là rừng trồng xen lẫn với rừng tự nhiên đã tạo kẽ hở cho nhiều người lợi dụng khai thác rừng trồng rồi chặt phá cây gỗ quý. Từ đó, rừng tự nhiên có nguy cơ thu hẹp dần.
Ông Ngô Như Khoa, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Long Đại, cho rằng khu vực rừng gỗ lim ở Tiểu khu 329 bị chặt phá nằm trong rừng sản xuất trồng cây keo lai.
Rừng lim có khoảng cách rất gần với trạm quản lý và bảo vệ rừng.
Với tư cách là chủ rừng, đơn vị này nhận trách nhiệm và đã xử lý một số cán bộ liên quan, đồng thời chờ kết luận điều tra từ phía công an để tiếp tục xử lý sai phạm.
Còn ông Lê Thanh Tịnh, Giám đốc Ban Quản lý VQG Phong Nha – Kẻ Bàng, thừa nhận trách nhiệm khi để xảy ra phá rừng và cho rằng vụ phá rừng quy mô lớn này xảy ra ở khu vực biên giới nên kiểm lâm của đơn vị khi đi tuần tra phải có sự đồng ý của biên phòng.
“Những khu vực rừng nằm ở vành đai biên giới, khi tuần tra, truy quét lâm tặc, chúng tôi phải báo cho Đồn Biên phòng quản lý khu vực đó biết.
Trong một số trường hợp thì tính bí mật, bất ngờ ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng. Nếu họ thực hiện nhiệm vụ một cách khách quan, vô tư thì không có vấn đề gì xảy ra.
Nếu họ có mối quan hệ không trong sáng với các đối tượng phá rừng thì có thể trì hoãn hoặc thông tin cho các đối tượng đó biết” – ông Tịnh nói.
Đại tá Đặng Văn Hoành, Trưởng Công an huyện Bố Trạch, cho biết liên quan đến vụ phá rừng gỗ mun ở VQG Phong Nha – Kẻ Bàng, bước đầu các đối tượng đã thừa nhận hành vi phạm tội.
Vụ án có nhiều băng nhóm với hàng chục người tham gia. Hầu hết đối tượng khai thác gỗ trái phép đều không có nghề nghiệp ổn định, nhận thức pháp luật kém.
Điều tra ban đầu cho thấy các nhóm lâm tặc liên kết chặt chẽ với nhau từ khâu chặt hạ, vận chuyển đến nơi tiêu thụ.
Đã xử lý “lâm tặc”, còn kiểm lâm?
Liên quan đến vụ phá rừng ở Tiểu khu 329 Lâm trường Trường Sơn, Công an huyện Quảng Ninh vừa khởi tố 5 đối tượng. Trước đó, Công an huyện Bố Trạch cũng đã khởi tố, bắt tạm giam 7 bị can liên quan đến vụ phá rừng ở VQG Phong Nha – Kẻ Bàng.
Ông Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, đề nghị làm rõ trách nhiệm của các đơn vị được giao trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng, đặt biệt là người đứng đầu.
“Các vụ việc xảy ra ở sát đồn biên phòng, trạm kiểm lâm nhưng lại không phát hiện được. Có thể do anh em chủ quan, thiếu trách nhiệm; cũng có thể bị bọn lâm tặc lôi kéo, mua chuộc. Trong xử phạt nhiều khi chưa mang tính răn đe, chưa nghiêm, chưa mạnh” – ông Phương nhận định.