Sáng 13-5, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chủ trì buổi họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành về công tác phòng, chống dịch tả heo châu Phi. Phó thủ tướng chỉ ra, diễn biến dịch tả heo châu Phi đang rất nghiêm trọng và khó kiểm soát vì đã lây lan trên diện rộng.
Cả hệ thống chính trị phải xác định đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng cả trước mắt lẫn lâu dài nhằm bảo vệ sản xuất, phát triển kinh tế. Địa phương nào còn chưa chủ động, coi nhẹ công tác phòng chống dịch cần chấn chỉnh ngay; cần xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm vứt heo bệnh ra môi trường.
Hiện dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 2.296 xã, 204 huyện của 29 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tổng số heo bệnh và tiêu hủy trên 1,2 triệu con. Đặc biệt, dịch này đã lan rộng đến các tỉnh phía Nam.
* Dịch đã lan vào phía Nam
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp – phát triển nông thôn dự báo thời gian tới, sự lây lan dịch tả heo châu Phi cực kỳ phức tạp vì cả nước hiện có trên 2,5 triệu hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chủ yếu chăn nuôi trong khu dân cư; diễn biến thời tiết hiện nay lại rất thuận lợi cho dịch lây lan. Trong đó, có 29 xã thuộc 12 tỉnh, thành phố có dịch đã qua 30 ngày sau đó lại phát sinh ổ dịch mới.
Ông Tiến cho rằng: “Công tác phòng chống dịch thời gian qua vẫn còn một số hạn chế như: một số địa phương còn chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch; tổ chức tiêu hủy heo bệnh chưa kịp thời, triệt để, vẫn để heo chết trong chuồng quá 24 giờ, để người dân vứt heo dịch chết ra sông suối, môi trường khiến nguồn bệnh lây lan, phát tán; một số địa phương thực hiện vệ sinh sát trùng, tiêu độc chưa đúng; việc kiểm soát giết mổ nhỏ lẻ chưa hiệu quả…”.
Phó thủ tướng Chính phủ TRỊNH ĐÌNH DŨNG cho biết, việc bố trí kinh phí hỗ trợ cho người chăn nuôi có heo bị dịch cần kịp thời hơn; trong tình hình mới cần đề xuất ngay các chính sách phù hợp hơn để hỗ trợ cho người chăn nuôi, cho doanh nghiệp. Bộ Nông nghiệp – phát triển nông thôn cũng cần phối hợp với các địa phương xây dựng ngay các trạm kiểm dịch quốc gia; chủ trì chỉ đạo tái cấu trúc ngành chăn nuôi nói chung, với ngành nuôi heo nói riêng để có sản phẩm thay thế, bù đắp sự thiếu hụt của thịt heo trong thời gian tới.
Điều đáng lo ngại là dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện tại một số tỉnh phía Nam trong đó có Đồng Nai, là tỉnh có đàn heo lớn nhất nước. Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh cho biết, trong tỉnh đã xuất hiện 5 ổ dịch tại các huyện: Trảng Bom, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu với 867 con heo bị tiêu hủy.
Ông Chánh khẳng định: “Đồng Nai đã lập 24 chốt kiểm dịch trên địa bàn và triển khai hàng loạt các giải pháp phòng chống dịch; kiên quyết không để dịch lây lan thêm.
Tỉnh cũng sẽ phát động toàn dân tham gia tiêu độc, khử trùng, tập trung ở các khu vực đông dân cư, khu vực ao hồ, sông suối; đặc biệt xử lý dứt điểm tình trạng giết mổ lậu đang là nguyên nhân rất lớn khiến dịch lây lan”.
Bày tỏ lo ngại khi dịch heo châu Phi đã xuất hiện ngay sát cạnh, ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh cho biết địa phương đã triển khai ngay phương án ứng phó khi dịch xảy ra tại tỉnh giáp ranh có cung cấp nguồn thịt heo lớn cho thị trường thành phố. Thành phố cũng đã bố trí nhiều chốt kiểm dịch tạm thời để kiểm soát nguồn heo sống từ các tỉnh, thành; không nhập heo từ các xã có dịch; tăng tần suất hoạt động của các cơ quan liên ngành trong công tác kiểm tra, thanh tra về thị trường thịt heo…
“Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch rất cụ thể trong việc dự trữ nguồn thịt heo cho thị trường trong thời gian tới. Chúng tôi cũng rất quan tâm đến công tác tuyên truyền để người tiêu dùng không quay lưng với thịt heo” – ông Liêm khẳng định.
* Xúc tiến tiêu thụ thịt heo an toàn
Thái Bình là tỉnh bị thiệt hại lớn khi có số lượng heo bị tiêu hủy lớn nhất nước với 300 ngàn con (gần 15 ngàn tấn). Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Phạm Văn Xuyên: “Số tiền dự kiến hỗ trợ người chăn nuôi có heo bị tiêu hủy khoảng 470 tỷ đồng, trong khi ngân sách dự phòng của tỉnh chỉ trên 100 tỷ đồng, mong Trung ương sớm cân đối ngân sách hỗ trợ”.
Tỉnh Thái Bình sẽ hỗ trợ cho người chăn nuôi 80% giá heo thực tế ngoài thị trường và sẽ cập nhật thường xuyên giá heo ngoài thị trường để điều chỉnh mức hỗ trợ cho phù hợp, kiểm soát chặt chẽ để tránh xảy ra tình trạng một số hộ chăn nuôi bỏ mặc không chăm sóc đàn heo vì để heo bị dịch được hỗ trợ có lợi hơn bán ra thị trường.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An cho rằng: “Việt Nam là nước có tổng đàn heo đứng thứ 7 thế giới, ngành chăn nuôi đóng góp 5% GDP nên nếu dịch còn kéo dài, số lượng heo tiêu hủy tăng cao thì cần thiết kế lại khâu phòng chống dịch sao cho vừa phòng chống, vừa phát triển. Điều quan trọng nhất là phải làm sao để thịt an toàn phải tiêu thụ được”.
Thời gian tới, ngành công thương sẽ đẩy mạnh công tác xúc tiến để tiêu thụ thịt sạch, thịt an toàn vì nhiều địa phương có số heo tồn còn rất lớn. Bộ cũng sẽ xây dựng ngay cơ chế hỗ trợ và làm việc với các doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi về việc tổ chức mua, giết mổ, cấp trữ đông nguồn thịt heo an toàn nhằm giảm thiệt hại ở mức lớn nhất cho người chăn nuôi đồng thời góp phần dự trữ nguồn thịt heo cho thời gian tới.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai VÕ VĂN CHÁNH, vì Đồng Nai có tổng đàn lớn, nếu tính thiệt hại trên tổng đàn thì mức hỗ trợ có thể lên đến hàng ngàn tỷ đồng, địa phương không thể cân đối được nguồn kinh phí. Tỉnh xin cơ chế không hỗ trợ cho doanh nghiệp có tổng đàn lớn.
Các kiến nghị của doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi tại hội nghị chủ yếu tập trung vào các nội dung như: quy định các cơ sở giết mổ trong vùng uy hiếp dịch chỉ được tiêu thụ trong vùng đang gây khó khăn cho doanh nghiệp; phải phạt nặng, công bố rộng rãi lên các phương tiện truyền thông về những đơn vị vi phạm giết mổ, tiêu thụ heo bệnh; có giải pháp mạnh đảm bảo không để heo nhiễm bệnh lưu thông ngoài thị trường, vào nhà máy giết mổ hay đến tay người tiêu dùng.
Trong tình hình dịch bệnh hiện nay việc hụt nguồn cung là khó tránh khỏi nên ngoài chống dịch, Chính phủ phải quan tâm đến các giải pháp khôi phục, đảm bảo điều kiện chăn nuôi; tạo điều kiện khuyến khích doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi hiện đại, theo chuỗi kiểm an toàn.
Các doanh nghiệp lớn trong ngành chăn nuôi cần tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp an toàn sinh học để bảo vệ đàn giống, sẵn sàng phục vụ cho việc khôi phục và phát triển sản xuất của các địa phương khi có điều kiện.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp – phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, nếu không ngăn chặn hiệu quả, dịch tả heo châu Phi không chỉ gây hiệt hại lớn về kinh tế mà còn nhiều hệ lụy khác về môi trường, sinh kế cho người dân chăn nuôi…
Nếu địa phương nào để dịch lây lan trên diện rộng mà không phòng, chống chủ động, kịp thời thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Từng địa phương phải xây dựng ngay phương án ứng phó, xử lý trong nhiều tình huống, nhất là phương án xử lý khi xảy ra dịch; phải huy động được sự tham gia của lực lượng vũ trang, không để xảy ra tình trạng chậm xử lý khi xảy ra ổ dịch.