Các nhà nghiên cứu Úc cho rằng các nước trên thế giới phải tăng cường bảo vệ môi trường sống quan trọng để tạo cơ hội cho động vật hoang dã.
Theo phân tích mới của các nhà nghiên cứu Úc, hơn 20 động vật bản địa sẽ biến mất khỏi dãy Great Dividing Range trước thời điểm cuối thế kỷ này nếu khí thải toàn cầu tiếp tục gia tăng.
Được công bố trong tuần này, nghiên cứu của Đại học Queensland và Tổ chức Bảo tồn Úc kiểm tra hệ động vật bản địa ở một phần của đất nước là nơi cư trú của 3/4 dân số và phần lớn đa dạng sinh học của Úc.
Các nhà khoa học và chuyên gia chính sách đã sử dụng các mô hình khí hậu của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc để đánh giá có bao nhiêu loài đặc hữu có thể đối mặt với sự tuyệt chủng ở dãy Great Dividing Range do nhiệt độ ấm lên.
Họ đã kiểm tra 1.062 loài bản địa và phát hiện 26 loài sẽ tuyệt chủng vào năm 2085 nếu quỹ đạo phát thải toàn cầu tiếp tục như hiện tại. Theo kịch bản đó, họ cho rằng sự nóng lên toàn cầu là 3,7 độ C vào năm 2085.
Trong số 26 loài mà các nhà nghiên cứu cho rằng sẽ không tồn tại, 11 loài chỉ được tìm ở dãy Great Dividing Range và không nơi nào khác trên trái đất.
Theo con đường phát thải thấp hơn 1,8 độ C, dãy Great Dividing Range không phù hợp với khí hậu đối với 16 loài vào năm 2085, trong đó có 11 loài đặc hữu.
“Nếu tiếp tục phát thải, chúng ta sẽ mất một loạt các loài được tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới, bao gồm vẹt cánh xanh, chuột túi Mount Claro, ếch ấp trứng và cóc chân thuổng”, tác giả chính của nghiên cứu, Sean Maxwell nói.
Một tác giả khác, James Watson cho biết: “Theo nghiên cứu này, sự thật là có 11 loài đặc hữu có thể sẽ bị “thổi bay” khỏi mặt đất vì không có nơi nào phù hợp cho chúng sống”.
Nhưng các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra một số hy vọng cho 1.036 động vật còn lại mà họ dự báo một số môi trường sống phù hợp với khí hậu sẽ vẫn tồn tại ngay cả trong các kịch bản gây chấn động nhất mà họ mô hình hóa.
Báo cáo chỉ rõ hai khu vực lớn của môi trường sống, một ở phía Bắc Queensland và một ở phía Bắc New South Wales sẽ có lợi cho sự sống sót của hàng trăm loài nếu chúng được bảo vệ.
Watson cho rằng có thể làm được điều đó nếu các quốc gia thiết lập các khu vực được bảo vệ trong các không gian đó, hoặc thông qua các phương thức khác, chẳng hạn như các chương trình quản lý thưởng cho nông dân và các chủ đất khác, những người giữ môi trường sống nguyên vẹn hơn là xóa sạch nó.
Một tác giả khác, James Trezise từ Tổ chức Bảo tồn Úc cho biết nghiên cứu cho thấy ít nhất 673 động vật sẽ được hưởng lợi từ việc bảo vệ môi trường sống nguyên vẹn, theo ông là một lập luận mạnh mẽ cho chính phủ Úc ưu tiên các chính sách tránh phá rừng.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện 270 loài khác sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc chính phủ cam kết khôi phục các khu vực sinh sống ở phía Nam Queensland, phía Nam NSW và phía Bắc Victoria đã bị nông nghiệp và các hoạt động khác làm thay đổi dưới một hình thức nào đó.
“Chúng ta cần nhanh chóng bảo vệ môi trường sống và nơi trú ẩn quan trọng cho các loài nếu chúng ta muốn bảo vệ động vật hoang dã trước biến đổi khí hậu”, ông Trezise nói.
“Ngoài ra, chính phủ Úc sẽ phải tăng cường bảo vệ môi trường. Cụ thể, nước Úc cần giới thiệu luật môi trường quốc gia mạnh mẽ hơn và đầu tư vào các khu vực mới được bảo vệ, hành lang động vật hoang dã và phục hồi hệ sinh thái” – ông Trezise nhấn mạnh.