Một báo cáo gần đây phát hiện ra rằng rác thải bị xử lý sai cách khiến hàng trăm nghìn người ở các nước đang phát triển chết mỗi năm vì những nguyên nhân có thể dễ dàng ngăn chặn, đặc biệt là lượng chất thải nhựa khổng lồ khiến vấn đề trở nên trầm trọng hơn.
Các nước nghèo thường không thu gom rác thải thành phố, rác tích tụ lại làm cho bệnh dịch lây lan. Theo tổ chức từ thiện Tearfund, có tới 400.000 – 1.000.000 người chết vì rác thải bị xử lý sai cách như thế.
Rác thải bị xử lý sai là vấn đề trong nhiều thập kỷ, sự gia tăng ô nhiễm nhựa đang tạo thêm một loạt vấn đề mới cho tình tình vốn đã nghiêm trọng. Rác thải nhựa đang làm nghẽn luồng nước chảy và gây ra lũ lụt, từ đó lây lan các bệnh truyền nhiễm qua đường nước. Khi đốt rác thì sẽ phát thải các độc tố có hại và gây ô nhiễm không khí.
Báo cáo nhận thấy cứ mỗi giây là lượng rác thải nhựa bằng với một chiếc xe buýt hai tầng bị đốt hoặc chôn lấp tại các nước đang phát triển. Khi rác thải nhựa hư hại, chúng có thể rò rỉ các hóa chất độc hại vào môi trường và phân rã thành vi nhựa – điều đáng nói là cho đến nay tác động của vi nhựa vẫn chưa được hiểu rõ và phần lớn không được tài liệu hóa ở các nước nghèo.
Sir David Attenborough, tác giả của series Hành tinh xanh 2 (Blue Planet II) thu hút sự chú ý toàn cầu về vấn đề rác thải nhựa, kêu gọi các công ty sản xuất nhựa hành động khẩn cấp và hỗ trợ các nước đấu tranh chống lại làn sóng ô nhiễm.
“Hiện giờ là thời gian cao điểm, chúng tôi tập trung hoàn toàn vào một trong những vấn đề cấp bách nhất hiện nay – ngăn chặn cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa – không chỉ vì sức khỏe của hành tinh chúng ta mà còn vì sức khỏe của mọi người trên thế giới. Báo cáo này là một trong những tài liệu đầu tiên nêu bật tác động của ô nhiễm nhựa không chỉ đối với động vật hoang dã mà còn với cả những người nghèo nhất toàn cầu”.
Những tác động có hại khác của ô nhiễm nhựa ở các nước nghèo là suy giảm cá vì động vật biển ăn nhựa; thiệt hại cho nông nghiệp, có đến 1/3 gia súc và 1/2 số dê ở các nước đang phát triển đã tiêu thụ một lượng nhựa đáng kể, gây hại cho sức khỏe của chúng vì nguy cơ chết do đầy hơi; và một lượng lớn rác thải nhựa dạt vào bờ biển hoặc trú ngụ tại các rạn san hô có thể sẽ khiến khách du lịch chùn chân, ảnh hưởng đến nguồn thu của nhiều nước nghèo.
Trong khi hầu hết sự chú ý tập trung vào các tác động của ô nhiễm nhựa đại dương trong thế giới tự nhiên thì tác động của nó tới con người cũng có vấn đề không kém. Khoảng 8 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra biển mỗi năm và có rất ít cách để thu hồi.
Tuần trước, các quốc gia khắp thế giới – nhưng không có Mỹ – thông qua Liên hợp quốc đã ký vào kế hoạch giảm dòng rác thải nhựa đến các nước đang phát triển. Mặc dù có những dấu hiệu của một số công ty đang cố gắng giải quyết vấn đề, nhưng các nhà vận động mô tả điều đó vẫn chỉ là muối bỏ bể.
“Chúng ta cần sự lãnh đạo từ những người chịu trách nhiệm đưa nhựa vào các quốc gia nơi không thể xử lý đúng cách và chúng ta cần hành động ở tầm quốc tế để hỗ trợ các cộng đồng và chính phủ chịu ảnh hưởng sâu sắc nhất từ cuộc khủng hoảng này”, Sir Attenborough, phó chủ tịch Fauna&Flora International, tổ chức góp phần thực hiện báo cáo, nhấn mạnh.
Ít nhất 2 tỷ người trên thế giới không được thu gom rác và rác có thể tích tụ trong dòng nước, gây ô nhiễm, hoặc thối rữa ở những khu vực gần nơi người dân sinh sống. Báo cáo cho thấy sống gần rác làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh tả – nguyên nhân chính gây tử vong ở các nước đang phát triển.
Hàng trăm nghìn người trên khắp thế giới sống nhờ nhặt rác, một số người thu gom vỏ lon hoặc chai lọ có thể tái chế, hoặc nguy hiểm hơn là những người “nhặt rác” – những người sống trên bãi rác và nhặt bất cứ thứ gì có thể .
Đây là công việc nguy hiểm không chỉ vì phải tiếp xúc với ô nhiễm mà còn vì nguy cơ tổn thương thân thể, khi các bãi rác được quản lý kém thường bị ảnh hưởng bởi lở đất và thậm chí là những vụ nổ do tích tụ khí gas.
Ruth Valerio, giám đốc vận động và gây ảnh hưởng toàn cầu của Tearfund, cho biết tổ chức này đang kêu gọi bốn công ty đa quốc gia sản xuất số lượng lớn bao bì nhựa – Coca-Cola, Nestlé, PepsiCo và Unilever – chịu trách nhiệm về các sản phẩm của mình trong chuỗi cung ứng và cung cấp các cách để chất thải được xử lý.
Nhật Anh (Theo The Guardian)