“Chúng ta sống với rác thải nhựa trên biển nhiều hơn cả cá” – một câu cảm thán của ngư dân được nêu lên tại diễn đàn quốc tế đang tổ chức tại TP. Nha Trang nhằm nhấn mạnh tới việc những người đánh cá đang bị tác động bởi vấn nạn “ô nhiễm trắng”.
Tác hại của rác thải biển, nhất là rác thải nhựa trở thành mối hiểm họa lớn đối với môi trường sống bền vững của các quốc gia. Đây là một trong những vấn đề an ninh khu vực mà diễn đàn ASEAN (ARF) đưa ra tại hội thảo về quản lý rác thải nhựa trên biển nhằm hỗ trợ nghề cá bền vững và an ninh lương thực ở Đông Nam Á được Bộ Ngoại giao các nước Việt Nam, Thái Lan, Mỹ đồng chủ trì tổ chức từ ngày 13 – 15.5, tại TP Nha Trang (Khánh Hòa).
100 đại biểu là các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách…đến từ 28 quốc gia, tổ chức tham gia ARF và các tổ chức khu vực, quốc tế có liên quan cùng tham gia thảo luận.
Trong 4 phiên thảo luận các đại biểu tập trung vào 3 chủ đề chính là: xác minh tầm nghiêm trọng của rác thải biển như thế nào đối với các nước trong khu vực nhất là 27 nước tham gia diễn đàn, tác động đến quản lý nghề cá bền vững và an ninh lương thực; chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến trong phối hợp giải quyết vấn đề môi trường biển; các khuyến nghị cụ thể đối với vấn đề rác thải nhựa trên biển nhằm hỗ trợ nghề cá và an ninh lương thực.
Theo kết quả nghiên cứu, mỗi năm có khoảng 8 triệu tấn nhựa thải ra đại dương trên toàn cầu. Và 80% rác thải nhựa trên biển là các hoạt động trên đất liền theo các dòng sông, đường thoát tuồn ra biển. Còn lại 20% trong đó cơ bản rác thải nhựa từ hoạt động đánh bắt nuôi trồng hải sản như bỏ ngư cụ, vật phẩm thải ra biển bừa bãi không kiểm soát. Riêng Việt Nam hiện mỗi năm có khoảng 730.000 tấn rác thải nhựa ra biển.
Theo bà Caryn R. McClelland, Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ô nhiễm nhựa trên biển đã và đang đe dọa các bãi biển, ảnh hưởng đến nguồn cung cấp thực phẩm và đa dạng sinh học. Để đảm bảo an ninh lương thực khu vực đòi hỏi một bộ giải pháp rộng và toàn diện, sự hợp tác của các bên liên quan để xây dựng và thực hiện các chiến lược quản lý nhựa nhằm ngăn ngừa và giảm chất thải nhựa trên biển.