187 quốc gia ký thỏa thuận hạn chế chuyển rác nhựa sang nước nghèo.
Theo tuyên bố của Liên hợp quốc ngày 10/5, hầu như tất cả các quốc gia trên thế giới đã đồng ý về một thỏa thuận nhằm hạn chế đưa các lô hàng chất thải nhựa khó tái chế đến các nước nghèo.
Thỏa thuận được 187 quốc gia ký tại Geneva, Thụy Sĩ được Rolph Payet thuộc Chương trình Môi trường Liên hợp quốc đánh giá là “mang tính lịch sử” bởi các quốc gia sẽ phải theo dõi xem phế thải nhựa đi đâu sau khi rời biên giới.
Cụ thể: Các nước xuất khẩu – bao gồm cả Mỹ – sẽ phải được sự đồng thuận của các quốc gia nhận chất thải nhựa bị ô nhiễm, trộn lẫn hoặc không thể tái chế.
Hiện tại, Mỹ và các quốc gia khác có thể đưa chất thải nhựa chất lượng thấp hơn tới các tổ chức tư nhân ở các nước đang phát triển mà không cần sự chấp thuận từ chính phủ nước đó.
Kể từ khi Trung Quốc ngừng nhận rác nhựa từ Mỹ để tái chế, các nhà hoạt động nói rằng họ quan sát thấy chất thải nhựa chất đống ở các nước đang phát triển.
Liên minh toàn cầu về các phương án thay thế lò đốt rác (Gaia), tổ chức ủng hộ thỏa thuận, cho biết họ đã tìm thấy những ngôi làng ở Indonesia, Thái Lan và Malaysia bị “biến thành bãi rác trong suốt cả năm”.
Claire Arkin, phát ngôn viên của Gaia, cho biết: “Chúng tôi đã phát hiện rác từ Mỹ chất đống ở các ngôi làng trên khắp các nước mà trước đây là các cộng đồng nông nghiệp”.
Khung ràng buộc về mặt pháp lý đã xuất hiện vào cuối Hội nghị hai tuần tại Thụy Sĩ nhằm bàn thảo về các công ước do Liên hợp quốc hậu thuẫn về chất thải nhựa và các hóa chất độc hại, nguy hiểm đe dọa đến biển và các sinh vật trên hành tinh.
Thỏa thuận được đưa ra dưới hình thức sửa đổi Công ước Basel.
Mỹ không phải là một bên tham gia hội nghị nên không có phiếu bầu nhưng những người tham dự cho biết nước này chống lại sự thay đổi với lập luận rằng các quan chức đã không hiểu những hậu quả của Công ước đối với buôn bán phế thải nhựa.
Trong khi đó, thực tế cho thấy các mảnh nhựa vụn gây xáo trộn đất hoang sơ, tụ thành mảng lớn trôi nổi ở đại dương, tạo thành những cái bẫy và gây nguy hiểm cho động vật hoang dã.
Đặc biệt, nhựa ít giá trị và khó tái chế thường bị vứt đi hơn là chế tác thành các sản phẩm mới.
Thỏa thuận nêu trên ảnh hưởng đến các sản phẩm được sử dụng trong một loạt các ngành công nghiệp như y tế, công nghệ, hàng không vũ trụ, thời trang, thực phẩm và đồ uống.
Các cuộc đàm phán bắt đầu từ cuối tháng 4 với 1.400 đại biểu tham dự, đã đạt được nhiều nội dung so với dự đoán.
Rolph Payet đã so sánh ô nhiễm nhựa như một thứ bệnh dịch với khoảng 100 triệu tấn nhựa hiện được tìm thấy ở các đại dương, trong đó có đến 80-90% đến từ đất liền.
Công ước Basel đặt ra các quy tắc về việc các nước phát triển đưa chất thải nguy hại đến các quốc gia nghèo hơn. Những người ủng hộ nói rằng việc sửa đổi sẽ làm cho thương mại toàn cầu về chất thải nhựa trở nên minh bạch hơn và được chế tài tốt hơn, bảo vệ con người và môi trường.
Thông cáo báo chí từ các tổ chức vận động chính sách lớn giải thích rõ hơn rằng Mỹ và các nước khác sẽ không thể đưa chất thải nhựa đến các nước đang phát triển tham gia Công ước Basel nhưng không thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Các quan chức cho rằng một phần tiến bộ đạt được là nâng cao nhận thức cộng đồng – được củng cố bằng các bộ phim tài liệu của những người như nhà tự nhiên học người Anh Sir David Attenborough – về những nguy cơ ô nhiễm nhựa, đặc biệt là đối với sinh vật biển.
“Những hình ảnh mang tính biểu tượng về những cá thể hải âu non bị chết thương tâm trên các đảo Thái Bình Dương với hàng loạt vật dụng bằng nhựa được tìm thấy trong bụng hay gần đây nhất là việc con người phát hiện ra các hạt nano đã vượt qua hàng rào máu não và có thể xâm nhập vào cơ thể bằng nhiều cách”, Paul Rose, Trưởng nhóm thám hiểm “biển nguyên sơ” của National Geographic, cho biết.
Những hình ảnh về những con cá voi chết vì hàng trăm cân rác nhựa trong bụng cũng lan tỏa gần đây và khiến công chúng sốc.
Một bản kiến nghị trực tuyến có tiêu đề “Ngừng đổ nhựa lên thiên đường” đã thu hút gần một triệu chữ ký trong tuần qua.
Các quy định mới sẽ có hiệu lực sau một năm.
Von Hernandez, Điều phối viên toàn cầu thuộc phong trào Break Free from Plastic cho biết thỏa thuận này là “bước đi quan trọng đầu tiên để ngăn chặn việc coi các nước đang phát triển là bãi đổ rác thải nhựa của thế giới, đặc biệt là rác từ các quốc gia giàu có”.
Marco Lambertini, Tổng giám đốc WWF International cho biết thỏa thuận này là một bước tiến đáng hoan nghênh và vì lâu nay các nước giàu có thoái thác trách nhiệm đối với lượng rác thải nhựa khổng lồ.
“Tuy nhiên, nó chỉ đi một phần của con đường. Những gì chúng ta và hành tinh này cần là một hiệp ước toàn diện để giải quyết cuộc khủng hoảng nhựa toàn cầu”, Lambertini nói thêm.
Nhật Anh (Theo The Guardian)