Bộ Xây dựng đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc lựa chọn điểm quy hoạch Khu xử lý chất thải rắn phục vụ nhu cầu xử lý chất thải rắn cho TP Hà Nội và tỉnh Hòa Bình.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có chỉ đạo tại Văn bản số 8699/VPCP-CN ngày 12/9/2018 về việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch mỏ đá vôi xi măng Lộc Môn, tỉnh Hòa Bình. Trong đó, giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND TP Hà Nội, UBND tỉnh Hòa Bình nghiên cứu, xem xét, bố trí khu xử lý chất thải (vị trí, diện tích) phù hợp.
Ngày 20/6/2018, UBND tỉnh Hòa Bình có Văn bản số 150/BC-UBND đề nghị Bộ Xây dựng xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép bố trí khu xử lý chất thải rắn cấp vùng tại xã Cao Dương, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình (khu xử lý rác liên tỉnh dự kiến được bố trí bắt đầu từ địa giới hành chính xã Cao Dương, chạy dọc theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, nằm trọn trong thung lũng của khe núi Lộc Môn, khu đất có diện tích khoảng 25ha đến 28ha) để đáp ứng mục tiêu và nhiệm vụ đã được xác định tại Quyết định số 768/QĐ-TTg ngày 06/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Về tình hình quy hoạch, ngày 21/7/2008, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng ở Việt Nam đến năm 2020 tại Quyết định số 105/2008/QĐ-TTg (Quy hoạch 105), thì khu vực mỏ đá vôi Lộc Môn xã Trung Sơn và xã Cao Dương, huyện Lương Sơn được quy hoạch khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất xi măng.
Tới ngày 09/7/2010, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng ở Việt Nam đến năm 2020 tại Quyết định số 1065/QĐ-TTg (Quy hoạch 1065), thì khu vực mỏ đá vôi Lộc Môn xã Trung Sơn và xã Cao Dương, huyện Lương Sơn được quy hoạch khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất xi măng.
Cho đến ngày 04/12/2013, UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tại Quyết định số 2883/QĐ-UBND (Quy hoạch 2883), xác định quy hoạch khu xử lý chất thải rắn tại thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn quy mô 40ha.
Ngày 06/5/2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 768/QĐ-TTg (Quy hoạch 768), xác định một cơ sở xử lý chất thải rắn có thể thực hiện dịch vụ liên tỉnh tại huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.
Và ngày 22/10/2018, UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Hòa Bình đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 2436/QĐ-UBND (Quy hoạch 2436), đã bổ sung quy hoạch mới khu xử lý chất thải rắn Cao Dương tại khe núi Lộc Môn, xã Cao Dương, tính chất là khu xử lý cấp vùng huyện, diện tích 20 – 30ha, công suất xử lý khoảng 300 tấn/ngày.đêm, hạn chế tối đa lượng chất thải rắn chôn lấp.
Như vậy, theo các Quy hoạch số 105 và Quy hoạch 1065 của Thủ tướng Chính phủ thì khu vực mỏ đá vôi Lộc Môn xã Trung Sơn và xã Cao Dương, huyện Lương Sơn được xác định là quy hoạch khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất xi măng; theo Quy hoạch số 768 của Thủ tướng Chính phủ và số 2883 của UBND tỉnh Hòa Bình thì chưa xác định cụ thể vị trí khu xử lý chất thải rắn tại khu vực Lộc Môn xã Trung Sơn và xã Cao Dương, huyện Lương Sơn.
Tuy nhiên, tại Quy hoạch số 2436/QĐ-UBND ngày 22/10/2018 thì UBND tỉnh Hòa Bình lại bố trí bổ sung khu xử lý chất thải rắn Cao Dương tại khe núi Lộc Môn, xã Cao Dương với diện tích 20 – 30ha, công suất xử lý khoảng 300 tấn/ngày.đêm chồng lấn vào Quy hoạch 1065 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất xi măng.
Ngày 21/3/2019, UBND TP Hà Nội có ý kiến tại Văn bản số 1123/UBND-ĐT. Cụ thể, vị trí theo đề xuất của UBND tỉnh Hòa Bình cho phép sử dụng 100ha đất tại khu vực khe núi Lộc Môn, xã Trung Sơn, tỉnh Hòa Bình làm khu xử lý chất thải rắn cấp vùng liên tỉnh để phục vụ cho vùng Thủ đô Hà Nội và địa bàn tỉnh Hòa Bình chưa được xác định trong đồ án quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Việc bố trí khu xử lý chất thải rắn phục vụ nhu cầu xử lý chất thải rắn cho Thủ đô Hà Nội và tỉnh Hòa Bình theo đề nghị của UBND tỉnh Hòa Bình cần khảo sát, đánh giá hiện trạng, địa chất công trình nhằm đánh giá mức độ khả thi của địa điểm mới mà tỉnh Hòa Bình đang đề nghị tại khe núi Lộc Môn, xã Trung Sơn, tỉnh Hòa Bình đảm bảo khoảng cách ly môi trường đến khu dân cư hiện có, khu vực thường xuyên bị ngập nước, vùng Các-xtơ theo quy định tại Quy chuẩn Việt Nam QCXDVN 01:2008/XD và môi trường, cảnh quan hồ Tuy Lai làm cơ sở, xem xét điều chỉnh.
Ngoài ra, ngày 04/3/2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường có ý kiến tại văn bản số 886/BTNMT-KHTC như sau: Cần làm rõ hiện trạng sử dụng đất khu vực dự án; tổ chức thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án và lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án cần đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.
Hơn hết, diện tích dự kiến quy hoạch Khu xử lý chất thải rắn nêu trên nằm trong vùng núi đá vôi, do đó có thể dễ bị sập sụt hoặc lan truyền chất ô nhiễm ra môi trường theo hệ thống khe nứt và hệ thống hang karst. Vì vậy, cần phải khảo sát cụ thể để làm rõ những vấn đề trên trước khi xây dựng, vận hành dự án.
Trên cơ sở các Quy hoạch số 105, số 1065, số 2883 và số 768 nêu trên, ý kiến của UBND TP Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng thấy rằng khu vực mỏ đá vôi Lộc Môn xã Trung Sơn và xã Cao Dương, huyện Lương Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ xác định là quy hoạch khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất xi măng.
Việc đề xuất khoảng 25ha đến 28ha tại khe núi Lộc Môn theo báo cáo của UBND tỉnh Hòa Bình tại Văn bản số 150/BC-UBND đề nghị bổ sung, làm rõ một số vấn đề.
Thứ nhất, cần khảo sát, đánh giá hiện trạng, địa chất công trình nhằm đánh giá mức độ khả thi của địa điểm mới mà tỉnh Hòa Bình đang đề nghị tại khe núi Lộc Môn, xã Trung Sơn, tỉnh Hòa Bình đảm bảo khoảng cách ly môi trường đến khu dân cư hiện có, khu vực thường xuyên bị ngập nước, vùng Các-xtơ theo quy định tại Quy chuẩn Việt Nam QCXDVN 01:2008/XD và môi trường, cảnh quan hồ Tuy Lai làm cơ sở, xem xét điều chỉnh.
Ngoài ra, cần làm rõ hiện trạng sử dụng đất khu vực dự án; tổ chức thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án và lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án cần đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.
Cuối cùng, cần phải khảo sát cụ thể về diện tích dự kiến quy hoạch Khu xử lý chất thải rắn nêu trên nằm trong vùng núi đá vôi, có thể dễ bị sập sụt hoặc lan truyền chất ô nhiễm ra môi trường theo hệ thống khe nứt và hệ thống hang karst.
Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Hòa Bình trước mắt thực hiện theo đúng các Quy hoạch số 105, số 1065, số 2883 và số 768 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch số 2436/QĐ-UBND ngày 22/10/2018 chồng lấn vào Quy hoạch 1065/QĐ-TTg ngày 09/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ.