Mới đầu mùa mưa nhưng sạt lở đã diễn ra khắp nơi khiến người dân ở ĐBSCL bất an.
Những ngày qua, ĐBSCL liên tiếp có mưa rất to, báo hiệu mùa mưa bắt đầu. Bên cạnh những hy vọng thuận lợi trong chăn nuôi, trồng trọt thì mùa mưa cũng khiến nhiều người dân cảm thấy bất an vì tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển đang tăng tốc và diễn biến khó lường.
Không dám ngủ
Người dân tại 2 xã cù lao Phú Thành và Lục Sĩ Thành của huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long đang lo lắng vì sạt lở xảy ra khiến vườn cây, nhà cửa của họ bị đe dọa. Nhiều điểm sạt lở, kể cả bờ kè mới được đưa vào sử dụng cũng đã sụp xuống sông. Một số căn nhà sát mé sông đang bị “hà bá” chực chờ nuốt chửng.
Ông Nguyễn Văn Triều (ngụ xã Phú Thành) bức xúc: “Tình hình sạt lở tại đây ngày càng nghiêm trọng. Tôi và một số người dân đã tự lập nhóm để bắt “cát tặc” lộng hành vào ban đêm, có lúc cũng bị chúng hành hung nhưng vẫn phải làm. Nếu không, vài năm nữa, khu vực này không còn căn nhà nào”.
Nhiều hộ dân sống ven sông Ô Môn (quận Ô Môn, TP Cần Thơ) cũng lo lắng trước tình trạng sạt lở. Bà Trương Thị Bông (ngụ phường Thới An, quận Ô Môn) phản ánh: “Tôi đang lo, vụ sạt lở xảy ra vào cuối tháng rồi tại vị trí đang thi công bờ kè Ô Môn, đã ăn sâu vào phía trước nhà tôi. Hiện trước nhà bị một đoạn hở hàm ếch, phải dùng bao tải cát chống đỡ phía dưới. Cả gia đình không dám ở nhà mà phải qua nhà người quen ở tạm. Không biết mùa mưa này nhà có bị sụp nữa không?”.
Kè chống sạt lở sông Ô Môn có kinh phí xây dựng khoảng 45 tỉ đồng. Mới đây, một vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra tại khu vực này với chiều dài 60 m, ăn sâu vào bờ 5 m, kế tiếp đoạn đã sạt lở vào tháng 5-2018. Đoạn sạt lở nằm ngay vị trí thi công, đã đóng khoảng 40 cọc bê-tông, chuẩn bị làm kè. Vụ sạt lở làm 11 căn nhà và trụ điện trung thế kéo qua sông Ô Môn bị ảnh hưởng, may là không thiệt hại về người.
Là hộ đang ở đối diện nơi sạt lở, ông Nguyễn Văn Dần (ngụ xã Tân Thuận Đông, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) phải sống tạm trong lều để bám trụ canh tác gần 4.000 m2 vườn cây ăn trái còn lại, đang cheo leo trước miệng “hà bá”. Ông cho biết trong 3 năm gần đây, tốc độ sạt lở tại đây diễn biến rất nhanh, nay đã ăn sâu vào trong gần 30 m.
Cách đây chỉ vài ngày, một căn nhà tại khu vực bờ sông Tiền (thuộc phường An Lạc, thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) bị sạt giữa đêm khuya khiến bà Trần Thị Tràng (89 tuổi) rơi xuống sông, tử vong. Vụ sạt lở gây chết người khiến người dân ở khu vực này cảm thấy ám ảnh. Nhiều người thấp thỏm, ngủ không yên giấc vì sợ nhà bị lôi xuống sông bất cứ lúc nào.
Lập chốt kiểm soát
Theo ông Võ Hùng Dũng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, để hạn chế thiệt hại do sạt lở đất bờ sông, sở này kiến nghị UBND tỉnh An Giang chỉ đạo các địa phương nhanh chóng có phương án sắp xếp ổn định cuộc sống cho người dân khu vực bị ảnh hưởng, trong đó chú ý các hộ hiện chưa có chỗ ở ổn định; tiếp tục chủ động cấm phương tiện tải trọng lớn đi qua các đoạn sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở cao; cắm biển báo sạt lở và hướng dẫn tuyến đường thay thế để bảo đảm giao thông thông suốt. Sở này vẫn tiếp tục theo dõi, quan trắc các đoạn sông sạt lở, kịp thời thông báo, cảnh báo đến chính quyền địa phương và người dân để chủ động phòng tránh, di dời đến nơi an toàn; nhanh chóng hoàn thiện thủ tục để triển khai các dự án chỉnh trị dòng chảy.
Đặc biệt, đối với các điểm thường xuyên có tình trạng khai thác cát trái phép, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang đã đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo lập các chốt kiểm soát để ngăn chặn. Phối hợp chặt chẽ với Sở Khoa học và Công nghệ An Giang triển khai và thực hiện “Nghiên cứu phát triển hệ thống cảnh báo sạt lở sớm từ xa và tự động”.
ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về ĐBSCL, cho rằng sạt lở ở ĐBSCL đang diễn ra trên diện rộng. Tài liệu khoa học cho thấy khoảng 25 năm qua, sạt lở ngày càng tăng và đang “thắng thế” hơn bồi đắp. Từ năm 2005 đến nay, đường bờ biển đã chuyển từ bồi lấn sang sạt lở, thụt lùi. Hiện khoảng 66% chiều dài bờ biển đang sạt lở, có nơi mỗi năm thụt lùi đến 50 m. Bờ sông sạt lở khắp nơi, ở cả sông lớn lẫn sông nhỏ. Có thể thấy, tình hình sạt lở 5-10 năm tới sẽ ngày càng tăng. Đối với bờ sông, sạt lở gia tăng nhanh cho đến khi lòng sông mở rộng đủ rộng và đạt trạng thái cân bằng mới thì sẽ giảm. Đối với bờ biển, tình hình thiếu cát sẽ dẫn đến sạt lở và ngày càng gia tăng. Hiện bờ biển ở ĐBSCL mỗi năm mất khoảng 500 ha đất, sắp tới có thể mất vài ngàn, thậm chí vài chục ngàn hecta đất mỗi năm.
Cũng theo chuyên gia này, sạt lở chưa có dấu hiệu dừng lại. Do đó, nếu chúng ta cứ nghĩ tới biện pháp công trình để bảo vệ thì dù có giàu cỡ nào cũng không đủ vốn để chạy theo.
Mọi biện pháp ở ĐBSCL dù công trình hay phi công trình thì cũng chỉ nhằm chống đỡ chứ không thể làm giảm sạt lở được. Bởi vì không có biện pháp nội tại nào ở ĐBSCL có thể giải quyết được chuyện sạt lở đang gia tăng.
Nguyên nhân gốc rễ là thiếu phù sa và cát. Trong tình hình đó, việc trước mắt cần làm là hạn chế thiệt hại tính mạng, tài sản thông qua các nhóm giải pháp. Cụ thể là xây dựng công trình bảo vệ ở những nơi xung yếu, nơi tập trung đông dân cư; đối với những vùng ven sông ở nông thôn, thưa dân cư thì chủ động di dời người dân đến nơi an toàn cao. Cuối cùng là cần quản lý, quy hoạch việc khai thác cát.
Tiết kiệm cát
“Vẫn biết sử dụng cát là nhu cầu chính đáng và rất cần thiết nhưng trong tình hình các đập thủy điện đưa vào khai thác thì 100% cát sẽ không về nữa. Vì thế, chúng ta cần tiết kiệm nguồn cát ngay từ bây giờ. Hơn nữa, việc quản lý khai thác cát nên theo tinh thần liên kết vùng, liên tỉnh. Bởi vì khai thác cát ở một nơi thì sẽ ảnh hưởng toàn bộ dòng sông phía dưới và toàn bộ bờ biển” – ThS Nguyễn Hữu Thiện đề xuất và nhấn mạnh đối với giải pháp công trình thì chỉ nên thực hiện ở những điểm xung yếu, nơi rất cần thiết, phải hết sức cân nhắc vì công trình rất đắt đỏ, chi phí cho 1 km bờ kè có thể lên tới 100 tỉ đồng. Vì thế, sẽ không có đủ kinh phí để làm bờ kè chống sạt lở. Hơn nữa, làm kè nơi này thì đồng nghĩa gia tăng sạt lở ở nơi khác do lòng sông tự tìm cân bằng. Bờ kè hay bất cứ công trình nào cũng có tuổi thọ của nó. Khi công trình hết tuổi thọ thì sụp đổ, tổn thất sẽ rất lớn. Ngoài ra, công trình còn tạo ra cảm giác “an toàn giả”. Người dân thấy có bờ kè nên gia tăng xây dựng lấn ra gần bờ kè. Khi kè sụp đổ thì tổn hại sẽ lớn hơn rất nhiều. Trong tình hình đó, phải biết “liệu cơm gắp mắm” chứ không thể làm công trình bảo vệ mọi nơi.
Tìm nguyên nhân
Toàn khu vực ĐBSCL hiện có 526 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài gần 800 km. Trong đó, 57 điểm (với tổng chiều dài 164 km) sạt lở đặc biệt nguy hiểm và 136 điểm (tổng chiều dài 92 km) sạt lở ở mức nguy hiểm. Do vậy, không chỉ người dân luôn mang nỗi ám ảnh, bất an mà các ngành chức năng ở ĐBSCL cũng đang đau đầu tìm giải pháp khắc phục sạt lở.
Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết vừa yêu cầu Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam xác định chính xác nguyên nhân gây ra sạt lở. Qua đó, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, trình UBND TP phương án xử lý để công trình kè thi công hoàn thành trước mùa mưa lũ, bảo đảm an toàn cho dân.
Theo dự báo của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, khoảng nửa sau thế kỷ XXI, rừng ngập mặn ven biển có thể không còn nên việc bảo vệ bờ biển cần có chương trình lâu dài, tích hợp nhiều biện pháp từ xây dựng công trình đến quản lý khai thác. Riêng giải pháp tổng thể phòng chống sạt lở cần được xây dựng và có bước đi hợp lý càng sớm càng tốt.
“Hiện nay, kỹ thuật siêu âm trong lòng đất có thể sử dụng để xác định dị tật lòng đất của nơi xảy ra sạt lở. Công nghệ này sử dụng sóng điện từ để rà, kết hợp khoan lấy mẫu đất, từ đó đưa ra những nhận định chính xác. Hiện tại, viện cũng đã áp dụng công nghệ này tại một số khu vực sạt lở trọng điểm như Sa Đéc (Đồng Tháp), sông Vàm Nao (An Giang) và cho kết quả rất khả quan nhưng chi phí rất cao” – ông Nguyễn Nghĩa Hùng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, thông tin.