Theo Cơ quan quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA), mật độ CO2 trong khí quyển đã chạm mức 415/1.000.000 đơn vị không khí vào tuần trước.
Đây là mức cao nhất trong vòng 800.000 năm qua. Các nhà khoa học cảnh báo rằng Trái Đất cần giữ mật độ CO2 dưới mức 350 đơn vị mới có thể hạn chế được các ảnh hưởng tiêu cực của hiện tượng thay đổi khí hậu toàn cầu.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, kết quả trên đo được hôm 3/5 tại Đài quan trắc Mauna Loa nằm trên quần đảo Hawaii ngoài khơi Thái Bình Dương. Đây cũng là chỉ số cao nhất được ghi nhận kể từ năm 1959 – thời điểm giới khoa học thế giới bắt đầu thực hiện đo đạc và ghi chép số liệu về mật độ CO2 trong khí quyển toàn cầu.
Trong khi đó, kết quả phân tích thành phần hóa học trong lõi băng hà tại Nam Cực cho thấy trong vòng 800.000 năm qua, mật độ khí CO2 trong khí quyển chỉ giao động từ 170 – 300 đơn vị/1.000.000 đơn vị không khí. Theo NOAA, mật độ CO2 ở mức cao làm cho Trái Đất giữ lại nhiều nhiệt hơn từ ánh sáng Mặt Trời, đồng thời làm gia tăng biến đổi khí hậu.
Trước đó, năm 2013, Đài quan trắc Mauna Loa lần đầu tiên ghi nhận nồng độ CO2 vượt qua ngưỡng 400 ppm. Kể từ đó, nồng độ CO2 thường xuyên cao hơn con số 400 ppm. Các nhà khoa học của NOAA nhấn mạnh sự gia tăng CO2 này không có gì đáng ngạc nhiên nếu xem xét lượng phát thải từ việc đốt dầu, than, khí tự nhiên và sản xuất xi măng. Các quá trình nói trên tạo ra 10 tỷ tấn carbon, hay 37 tỷ tấn CO2, mỗi năm.
Sự gia tăng CO2 sẽ còn lớn hơn nếu không có rừng, đất và biển hiện đang hấp thụ được khoảng một nửa lượng khí thải sinh ra từ hoạt động của con người. Tuy nhiên, khả năng hấp thụ CO2 của tự nhiên cũng thay đổi theo từng mùa.
Vào mùa Hè, nồng độ CO2 trong khí quyển giảm xuống khi cây và thực vật hấp thụ nhiều carbon hơn cho quá trình phát triển. Trong khi mùa Đông, cây rụng lá và sử dụng ít CO2 khiến nồng độ khí thải tăng lên.
Theo Tiến sỹ Chris Jones thuộc Tổ chức Met Office, biểu đồ đường đi của CO2 hiện nay chỉ có xu hướng đi lên mà không hề giảm và tốc độ CO2 gia tăng hàng năm đang ngày càng lớn trong toàn suốt chiều dài của thế kỷ 20.
Theo các nhà nghiên cứu, nếu nhân loại tiếp tục khai thác nhiên liệu hóa thạch trên khắp hành tinh đến năm 2250, chúng ta có thể sẽ đối mặt với lượng CO2 lớn chưa từng có kể từ kỷ Trias cách ngày nay 200 triệu năm. Và đến năm 2.400, mức độ CO2 có thể vượt quá mọi giới hạn từng được ghi nhận trong hồ sơ địa chất.