Trong 2018, tổng lượng khí thải carbon từ hoạt động đốt dầu, than đá và khí đốt giảm 2,5% so với năm 2017, trong đó 20 trên tổng số 28 quốc gia thành viên EU ghi nhận mức giảm.
Lượng khí thải carbon tại hầu hết các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã giảm trong năm 2018, đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc chiến chống khí thải gây hiệu ứng nhà kính, trong bối cảnh các nhà vận động kêu gọi hành động nhanh hơn để tránh những tác động nghiêm trọng của tình trạng biến đổi khí hậu.
Theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố ngày 8/5, trong năm vừa qua, tổng lượng khí thải carbon từ hoạt động đốt dầu, than đá và khí đốt giảm 2,5% so với năm 2017, trong đó 20 trên tổng số 28 quốc gia thành viên EU ghi nhận mức giảm.
Bồ Đào Nha là nước cắt giảm lượng khí phát thải mạnh nhất, với mức giảm 9% so với năm 2017. Tiếp đến là Bulgaria 8,1%, Ireland 6,8% và Đức 5,4%. Anh đứng vị trí cuối bảng, với mức giảm nhẹ 0,3% so với năm 2017. Tuy nhiên, Latvia lại ghi nhận mức tăng lớn nhất, với 8,5%, trong khi Ba Lan tăng 3,5%.
Kết quả ghi nhận trong năm 2018 được đánh giá là khả quan hơn so với năm 2017 khi tổng lượng khí thải carbon tăng 1,8% so với năm trước đó và chỉ có bảy quốc gia EU cắt giảm lượng khí phát thải.
Cũng theo báo cáo của Eurostat, trong năm ngoái, Đức – quốc gia đông dân nhất và là nền kinh tế lớn nhất trong EU, chiếm tỷ lệ lớn nhất (22%) trong tổng lượng phát thải của khối. Theo sau là Anh với hơn 11%, Ba Lan trên 10%, Pháp và Italy cùng ở mức 10%.
Đức, Anh, Pháp và Italy là những nền kinh tế hàng đầu và có dân số cao nhất ở EU. Trong khi đó, Ba Lan có dân số ít hơn đáng kể nhưng lại là một trong những nước thải nhiều carbon nhất do nước này phụ thuộc vào các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than để tạo ra điện năng.
Các nước EU đã cam kết tới năm 2030 giảm 40% lượng khí thải carbon so với mức năm 1990. EU cũng cam kết đi đầu trong nỗ lực cứu vãn Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu kể từ khi Mỹ, nước thải khí lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc, rút khỏi thỏa thuận này hồi năm 2017.
Mục tiêu của thỏa thuận Paris là giữ cho mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.