Sáng ngày 7.5, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Đà Nẵng tổ chức hội thảo phản biện xã hội các dự án lấn sông Hàn.
Có mặt trong buổi phản biện, các chủ đầu tư dự án gồm bà Nguyễn Thị Như Loan (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Quốc Cường Gia Lai), đại diện Chủ đầu tư Dự án BĐS và Bến duy thuyền Marina Complex và ông Phạm Quang Hải, đại diện cho Công ty Cổ phần Mỹ Phúc-chủ đầu tư Dự án Olalani Riverside Towe lấn sông Hàn nằm bên cạnh dự án Marina Complex không giấu nổi vẻ lo lắng.
Bà Nguyễn Thị Như Loan thể hiện sự bất an về môi trường đầu tư tại Đà Nẵng bởi sự thiếu nhất quán của chính quyền đã khiến cho doanh nghiệp bị thiệt hại không ít. Bà khẳng định dự án Marina Complex không vi phạm bất cứ nội dung gì mang tính pháp lý, Dự án đã đạt giải nhì trong cuộc thi tuyển phương án kiến trúc hai bên bờ sông Hàn. “Nếu như dự án có “vấn đề” thì đã không được tồn tại đến ngày hôm nay”- bà Loan nói và mong chính quyền thành phố Đà Nẵng xem xét cho dự án được tiếp tục triển khai.
Ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Công ty Cổ phần Mỹ Phúc-Chủ đầu tư Dự án Olalani Riverside Tower cho biết dự án đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, đồng thời đề nghị chính quyền xem xét, đảm bảo quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp.
Là một trong những chuyên gia phản đối các dự án ven sông, Kiến trúc sư Hồ Duy Diệm chứng minh dự án lấn sông bằng hình ảnh nhà chồ của Đà Nẵng cách đây 20 năm nằm trên bờ sông Hàn, “giờ nó lui vào trên dự án chúng ta đang nói đây, rõ ràng phía bờ Đông sông Hàn đã bị lấn 300m”.
Ông Diệm liên tiếp đặt nghi vấn: “Các đồng chí lãnh đạo đi kiểm tra đã thống kê được chúng ta có bao nhiêu dự án lấn sông? Còn có ảnh hưởng đến dòng chảy hay không? Các con số một số người nói là ảnh hưởng ít, vậy ảnh hưởng ít là bao nhiêu, cái ít đó đối với vận mệnh thành phố này là như thế nào. Cả thành phố này chỉ một trận mưa đã lụt rồi, bây giờ cả lụt cả lũ, biến đổi thời tiết, biến đổi khí hậu… thì không phải một ít đâu. Còn các khu du lịch, nghỉ dưỡng biệt thự lấn sông này không phải dành cho cộng đồng”.
Ông Hồ Duy Diệm kiến nghị rằng tất cả những phương án nào lấn sông hàn đều phải có báo cáo kiểm tra, đều phải dừng lại để kiểm tra, rà soát: “Theo luật Quốc hội thông qua năm 2012, Luật Môi trường biển: Lấn sông là vi phạm pháp luật, dầu ai có duyệt cũng đều vi phạm pháp luật”.
Đồng quan điểm, ông Bùi Văn Tiếng – Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng đề nghị thành phố không cho tiếp tục triển khai dự án Marina và các dự án tương tự.
Đứng trên góc độ kinh tế, PGS.TS Trần Đình Thiên (nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam) cho rằng, nếu thành phố Đà Nẵng muốn đưa ra câu trả lời thì phải so sánh sự “đánh đổi” chứ đừng chỉ nhìn vào cái cũ, phải so sánh cái mới có tốt hơn cái cũ? Đánh giá phải dựa trên cơ sở khoa học khách quan và nhất thiết không thể vì “tình cảm” dư luận một chiều.
Ông Thiên nhấn mạnh về tâm lý xã hội của con người hiện nay rất cao, nhiều tức giận, do vậy nếu chỉ nhìn về một phía, cho rằng người dân chẳng được lợi ích gì để phản đối, coi lợi ích của nhà đầu tư đối lập, khác biệt với lợi ích của người dân là lệch lạc. Không chỉ các dự án ven sông Hàn mà còn nhiều các dự án khác, nếu không tính toán kỹ càng thì sẽ ngăn cản phát triển của thành phố.
“Nếu cứ quy tất cả các hiện tượng lũ lụt ở Đà Nẵng là do các dự án thì không ai dám làm gì. Phải đảm bảo lợi ích chung là lợi ích phát triển, nếu sau hội thảo ngày hôm nay, việc phản biện đưa đến kết luận nào đó thì có ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của Đà Nẵng, ảnh hưởng đến sự phát triển của thành phố sau này không? Chúng ta phải nhìn lợi ích theo hướng tổng thể vì mỗi địa phương cần có những nhà đầu tư chất lượng cao”, ông Thiên nói.
Lo lắng về số phận của “dải lụa sông Hàn”, KTS Phan Đức Hải nhận định: Sau 20 năm, sức nóng của đô thị hóa đã khiến dải lụa sông Hàn bị chèn ép dưới sức nóng của các dự án, Đà Nẵng bị lấn sông rất nhiều.
Lý giải việc dư luận phản ứng gay gắt các dự án ven sông – cụ thể là 2 dự án trên, ông Hải cho rằng các dự án đã thu hẹp dòng sông, cắt đứt thị giác, về mặt mỹ quan đã khiến dòng chảy xấu đi. “Tuy dự án đã được phê duyệt, đánh giá tác động môi trường nhưng việc Sở Xây dựng khẳng định dự án bất động sản du thuyền không ảnh hưởng đến dòng chảy sông Hàn, đặc biệt trong mùa mưa lũ, theo chúng tôi là chưa thỏa đáng”, ông Hải nêu quan điểm đồng thời kiến nghị cần đánh giá lại tác động môi trường của các dự án ven sông.
Lắng nghe các ý kiến của các chuyên gia tại hội thảo, ông Đặng Việt Dũng, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đưa ra phương án hợp tác giữa 2 bên: Chính quyền và chủ đầu tư để có những phương án thỏa đáng.
“TP Đà Nẵng sẽ cùng với nhà đầu tư dự án nghiên cứu phương án điều chỉnh quy hoạch phù hợp nhất, nhằm tăng được diện tích không gian công viên cây xanh cảnh quan ven sông, tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với sông Hàn. Đặc biệt, sẽ giảm tối đa mật độ xây dựng nhà cao tầng của các dự án này, tạo không gian thông thoáng tốt nhất có thể. Bổ sung các công trình dịch vụ công cộng, vui chơi giải trí thương mại dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của đông đảo người dân và du khách”, ông Dũng kết luận.