Một triệu loài bị đe dọa tuyệt chủng

Báo cáo đánh giá toàn cầu về đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái mang tên IPBES vừa được Liên hợp quốc công bố khiến không ít người giật mình với con số cảnh báo gần 1 triệu loài động và thực vật đang bị đe dọa tuyệt chủng, thậm chí nhiều loài bị đe dọa trong vòng nhiều thập kỷ.

Hội nghị công bố Báo cáo IPBES được LHQ tổ chức tại Paris, Pháp từ 30/4-4/5/2019

Sự đa dạng của các loài bản địa ở hầu hết các môi trường sống trên đất liền – theo IPBES – cũng giảm ít nhất 20% kể từ năm 1900. Hơn 40% các loài lưỡng cư, gần 33% san hô tái sinh và hơn 1/3 động vật có vú sống sống ở biển bị đe dọa.

Bức tranh đa dạng sinh học của các loài côn trùng ít rõ ràng nhưng nhiều bằng chứng cho thấy khoảng 10% các loài này đang bị đe dọa. Ít nhất 680 loài động vật có xương sống đã bị tuyệt chủng từ thế kỷ 16; hơn 9% các loài thú được thuần hóa làm vật nuôi đã bị tuyệt chủng trong tự nhiên vào năm 2016 và ít nhất 1.000 loài khác vẫn đang tiếp tục bị đe dọa.

Các hệ sinh thái, loài, quần thể hoang dã, giống cây trồng và vật nuôi địa phương được thuần hóa đang bị thu hẹp, thoái hóa hoặc biến mất.

Rùa biển Hawksbill tại rạn san hô ở Ấn Độ Dương (Ảnh: Andrey Armyagov / Shutterstock.com)

Giáo sư Settele, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết mạng lưới kết nối sự sống thiết yếu của trái đất đang ngày càng thu hẹp và rời rạc hơn.

“Thủ phạm” của sự mất mát này chính là các hoạt động của con người và đe dọa trực tiếp đến hạnh phúc của chính con người ở tất cả các khu vực trên thế giới.

Trước khi thế kỷ XXI khép lại, chúng ta sẽ được chứng kiến khắp hành tinh chẳng còn lấy một rạn san hô nào (Ảnh minh họa: Thecoralreefss.com)

Báo cáo đã phân tích các bằng chứng và xếp hạng các “thủ phạm” theo thứ tự giảm dần bao gồm (i) chuyển mục đích sử dụng đất và biển; (ii) khai thác trực tiếp các sinh vật; (iii) biến đổi khí hậu; (iv) ô nhiễm, và (v) các loài ngoại lai xâm lấn.

Ô nhiễm tại bãi biển Kuta, Bali, Indonesia (Ảnh: Maxim Blinkov / Shutterstock.com)

Báo cáo cũng lưu ý phát thải khí nhà kính đã tăng gấp đôi kể từ những năm 1990, hệ quả là nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng ít nhất 0,7 độ C. Biến đổi khí hậu tác động lớn đến tự nhiên từ mức độ hệ sinh thái đến di truyền học – những tác động dự kiến ​​sẽ còn gia tăng trong những thập kỷ tới, thậm chí trong một số trường hợp, tác động này còn vượt qua tác động của sự chuyển đổi mục đích sử dụng đất và biển cùng các tác động khác.

Bên cạnh đó, Báo cáo cũng lưu ý tới các yếu tố liên quan đến nhân khẩu học và kinh tế phức tạp bao gồm sự gia tăng dân số và tiêu thụ bình quân đầu người. Riêng vấn đề đổi mới công nghệ, trong một số trường hợp giúp giảm tác động nhưng trong các trường hợp khác lại làm gia tăng thiệt hại cho tự nhiên.

Hơn 2,5 triệu người đi bộ qua ngã tư Shibuya, Tokyo, Nhật Bản mỗi ngày (Ảnh: Thomas La Mela / Shutterstock.com)

Ngoài ra, một yếu tố quan trọng khác là vấn đề về quản trị và trách nhiệm kết nối toàn cầu bởi nhiều khi việc khai thác và sản xuất ảnh hưởng tới một khu vực này của thế giới nhưng lại nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân ở khu vực rất xa khác.

Những phát hiện đáng chú ý khác của Báo cáo bao gồm:

  • ¾ môi trường đất liền và khoảng 66% môi trường biển bị thay đổi đáng kể do các hoạt động của con người. Xu hướng này đang được đánh giá là ít nghiêm trọng hơn do nhiều khu vực được người dân bản địa và cộng đồng địa phương quản lý, bảo vệ.
  • Hơn 1/3 diện tích đất trên thế giới và gần 75% nguồn nước ngọt hiện đang dành cho sản xuất trồng trọt hoặc chăn nuôi.
  • Giá trị sản xuất cây nông nghiệp đã tăng khoảng 300% kể từ năm 1970, khai thác gỗ thô tăng 45% và khoảng 60 tỷ tấn tài nguyên tái tạo và không thể tái tạo hiện bị khai thác trên toàn cầu mỗi năm – đã tăng gần gấp đôi kể từ năm 1980.
  • Suy thoái đất làm giảm năng suất 23% diện tích đất toàn cầu và 100 – 300 triệu người bị ảnh hưởng do lũ lụt, mưa bão.
  • Trong năm 2015, 33% trữ lượng cá biển được thu hoạch không bền vững; 60% được đánh bắt ở mức tối đa theo quy định về đánh bắt bền vững và chỉ 7% được thu hoạch ở mức thấp hơn mức có thể được đánh bắt bền vững.
  • Khu vực thành thị đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 1992.
  • Ô nhiễm nhựa tăng gấp 10 lần kể từ năm 1980; 300-400 triệu tấn kim loại nặng, dung môi hóa chất, bùn độc và chất thải khác từ các cơ sở công nghiệp được đổ ra biển hàng năm và phân bón xâm nhập vào hệ sinh thái ven biển tạo ra hơn 400 vùng đại dương chết với tổng diện tích hơn 245.000 km2, tương đương diện tích Vương quốc Anh.
  • Các xu hướng tiêu cực trong tự nhiên sẽ tiếp tục đến năm 2050 với tất cả các kịch bản chính sách được đưa ra trong Báo cáo.

Cuối cùng, Báo cáo đưa ra một loạt các hành động minh họa cho việc sử dụng bền vững tài nguyên và giải pháp để đạt được hiệu quả bền vững giữa các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, hệ sinh thái biển, hệ sinh thái nước ngọt, khu vực đô thị, năng lượng, tài chính và nhiều lĩnh vực khác.

Báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng các phương pháp quản lý tổng hợp và liên ngành có tính đến sự đánh đổi của sản xuất thực phẩm và năng lượng, cơ sở hạ tầng, quản lý nước ngọt và ven biển, và bảo tồn đa dạng sinh học.

Nông dân mặc quần áo bảo hộ phun thuốc trừ sâu trên cánh đồng lúa mì (Ảnh: Jinning Li / Shutterstock.com)

Sự phát triển của hệ thống tài chính và kinh tế toàn cầu cũng được xác định là một yếu tố chính để xây dựng các chính sách tương lai bền vững hơn, tránh xa mô hình tăng trưởng kinh tế hạn chế hiện nay.

Báo cáo được tổng hợp bởi 145 chuyên gia từ 50 quốc gia trong ba năm cùng sự đóng góp của 310 tác giả khác. Với việc đánh giá những thay đổi trong năm thập kỷ qua, Báo cáo cung cấp bức tranh toàn diện về mối quan hệ giữa con đường phát triển kinh tế và tác động của chúng đối với tự nhiên. Nó cũng cung cấp một loạt các kịch bản có thể xảy ra trong những thập kỷ tới.

Hiền Anh

Nguồn: