Bộ trưởng dầu mỏ Iran nói rằng OPEC đang bị đe dọa vì chủ nghĩa đơn phương của một số thành viên và tổ chức này có thể sụp đổ.
Nhận xét này dường như ngầm ám chỉ đến Ả rập Saudi và Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE). Chính quyền Trump đã siết chặt các lệnh trừng phạt năng lượng đối với Iran vào ngày 2.5 và Nhà Trắng cho biết Mỹ sẽ hợp tác với Ả rập Saudi và UAE để bù đắp cho sự sụt giảm nguồn cung dầu tiềm tàng từ Iran.
“Iran tham gia Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu lửa (OPEC) vì lợi ích của mình và nếu một số thành viên OPEC khác muốn đe dọa và gây nguy hiểm cho Iran, Iran sẽ không ngần ngại đáp trả”, ông Bijan Zangeneh, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran, nói với hãng tin Shana sau cuộc gặp với Tổng thư ký OPEC, ông Mohammed Barkindo, tại Tehran hôm 3.5.
“Tôi đã nói với ông Barkindo rằng OPEC đang bị đe dọa do chủ nghĩa đơn phương của một số thành viên và tổ chức này có khả năng sụp đổ”, ông Zangeneh cho hay.
Các lệnh trừng phạt của Mỹ, được áp đặt vào tháng 11 năm ngoái, đã làm xuất khẩu dầu của Iran giảm khoảng 1 triệu thùng/ngày. Và hôm 2.5 vừa qua, chính quyền Trump đã ngừng cấp quyền miễn trừ trừng phạt cho một số khách hàng lớn nhất của Iran. Các nhà phân tích hiện dự đoán xuất khẩu dầu của Iran sẽ giảm thêm vài trăm nghìn thùng/ngày nữa.
Ả rập Saudi đã không đưa ra cam kết rõ ràng về việc tăng sản lượng để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ Iran. Sau khi Mỹ tuyên bố sẽ chấm dứt miễn trừ trừng phạt, Bộ trưởng Năng lượng của Ả rập Saudi, ông Khalid al-Falih, cho biết nước này sẽ tham khảo ý kiến của các nhà sản xuất và người tiêu dùng để đảm bảo thị trường dầu cân bằng và ổn định.
OPEC và các đồng minh trên thị trường dầu mỏ, bao gồm Nga, dự kiến gặp nhau vào ngày 25-26/6 tại Vienna để quyết định có nên gia hạn thỏa thuận để hạn chế nguồn cung dầu, vốn sẽ hết hạn vào cuối tháng 6, hay không.
Ả rập Saudi có thể nâng sản lượng dầu và vẫn tuân thủ thỏa thuận này vì hiện tại họ đang sản xuất ở mức sản lượng thấp hơn khoảng 500.000 thùng/ngày so với hạn ngạch.
Việc OPEC liên minh với Nga đã tạo ra mối lo ngại trong lòng tổ chức này rằng, việc ra quyết định của họ đang bị chi phối bởi Ả rập Saudi, Nga và một nhóm các nhà sản xuất cốt lõi trong đó có UAE.
Mùa thu năm ngoái, Qatar đã tuyến bố rút khỏi OPEC sau 57 năm tham gia tổ chức. Quốc gia giàu khí đốt tự nhiên này phủ nhận rằng, quyết định rút lui này là vì Ả Rập Saudi và UAE đã áp dụng lệnh cấm vận lên Qatar kể từ tháng 6 năm 2017. Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao Qatar sau đó nói với CNBC rằng vì chỉ là một nhà sản xuất dầu nhỏ nên tiếng nói của họ không có trọng lượng trong OPEC.