Việc TP.Đà Nẵng lên kế hoạch đưa khách thẳng ra khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam đã và đang gây ra những tranh cãi trái chiều.
“Tham vọng” của đầu tàu du lịch miền Trung
Những ngày qua, dư luận Quảng Nam – Đà Nẵng, đặc biệt là giới du lịch lữ hành xôn xao về việc TP.Đà Nẵng lên kế hoạch mở tuyến tham quan đường thủy nội địa TP.Đà Nẵng – Cù Lao Chàm, xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An. Theo dòng dư luận, đây là điều cần cân nhắc nhiều giữa cái được và mất.
Cụ thể, nếu tuyến du lịch sông Hàn (TP. Đà Nẵng) thẳng Cù Lao Chàm thành hiện thực, thì lượng khách đến với hòn đảo này sẽ tăng vọt, qua đó, góp phần thúc đẩy về mọi mặt kinh tế – xã hội cho Cù Lao Chàm. Tuy nhiên, cái mất cũng hiện diện rõ ràng hơn bao giờ hết khi khách tăng kéo theo ô nhiễm, rác thải và đặc biệt là rạn san hô sẽ bị đe dọa.
“Cù Lam Chàm là khu dự trữ sinh quyển thế giới nên không thể chỉ phục vụ du lịch được. Hiện, mỗi ngày chỉ khoảng 3.000 du khách được ra đảo tham quan du lịch. Nếu mở tuyến TP.Đà Nẵng – Cù Lao Chàm sẽ tốt về du lịch nhưng theo tôi sẽ phải đánh đổi nhiều thứ. Chính quyền và người dân Cù Lao Chàm sẽ đối mặt với những tác động tiêu cực từ du lịch mang lại như thiếu hụt nguồn nước sinh hoạt, thiếu hụt thực phẩm, ô nhiễm môi trường…”, một vị quản lý lữ hành tại TP.Hội An nêu quan điểm.
Theo tìm hiểu của PV Người Đưa Tin, nguồn cơn sự việc bắt đầu từ UBND TP.Đà Nẵng ban hành kế hoạch số 2162/KH-UBND về phát triển điểm đến, sản phẩm dịch vụ trên tuyến du lịch đường thủy nội địa TP.Đà Nẵng giai đoạn 2019 – 2021, trong đó có lộ trình mở tuyến du lịch từ sông Hàn đi Cù Lao Chàm
Cụ thể, trong số 8 tuyến du lịch đường thủy nội địa được đưa vào khai thác bổ sung có tuyến sông Hàn – Cù Lao Chàm. Để thực hiện “tham vọng” này, TP.Đà Nẵng khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư tàu du lịch để phục vụ khách có nhu cầu tham quan tuyến theo tiêu chuẩn quy định. Chú trọng loại hình dịch vụ vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng trên tàu như khách sạn nổi, tàu lưu trú ngủ đêm trên tàu. Và thời gian kêu gọi đầu tư bắt đầu từ quý 2/2019.
Chưa hết, TP.Đà Nẵng quy định rõ chủng tàu khai thác tuyến phải là tàu được phân cấp VR-SB (tàu sông pha biển), sức chở cho phép từ 30 khách đến 250 khách, có kiểu dáng hiện đại…
Trao đổi với PV, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, địa phương chưa nhận được thông tin gì từ phía TP.Đà Nẵng về ý định mở tuyến tham quan đường thủy nội địa thẳng ra Cù Lao Chàm.
Theo ông Thu, TP.Đà Nẵng không thể đơn phương mở tour du lịch băng qua địa phận tỉnh Quảng Nam mà không có sự bàn bạc, thông qua. “Nếu Đà Nẵng muốn làm việc này thì phải ngồi lại với chúng tôi rồi xem xét”, ông Thu nói rõ.
Trong khi đó, vị lãnh đạo sở Du lịch TP.Đà Nẵng cho biết rằng, việc xây dựng tuyến du lịch TP.Đà Nẵng – Cù Lao Chàm mới dừng lại ở kế hoạch. Trong kế hoạch này, TP.Đà Nẵng còn tính toán nhiều thứ, nhiều địa điểm hoặc ra Cù Lao Chàm hoặc ra TP.Huế. Do chỉ mới ở mức độ kế hoạch nên không thể nói TP.Đà Nẵng phải tham khảo ý kiến các địa phương trước.
Cần cân nhắc?
Khi được hỏi về kế hoạch đưa khách ra Cù Lao Chàm, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND TP.Hội An cho rằng, rất khó trả lời. Tỉnh Quảng Nam cần phải biết TP.Đà Nẵng muốn thực hiện như thế nào, đưa khách ra sao… thì mới có thể bàn được.
“Việc Đà Nẵng quy hoạch các tour du lịch là chuyện của Đà Nẵng nhưng triển khai ở địa phận thuộc TP.Hội An thì nhất quyết phải thông qua lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng như TP.Hội An. Chúng tôi trực tiếp tổ chức sản phẩm du lịch trên đảo nên rõ ràng chúng tôi cần được biết ý định của Đà Nẵng về kế hoạch trên”, ông Sơn khẳng định.
Cũng theo vị Chủ tịch UBND TP.Hội An, cái khó trong việc đưa khách ra Cù Lao Chàm nằm ở cơ sở hạ tầng và cần thiết bảo vệ hòn đảo này. Nhận thức được sự phát triển ồ ạt của du lịch sẽ gây ra nhiều hệ lụy nên ít năm trở lại đây, TP.Hội An đã giới hạn khách ra Cù Lao Chàm không quá 3.000 khách/ngày.
Ở góc độ chuyên môn, ông Nguyễn Văn Vũ, Phó Giám đốc ban Quản lý khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, tỏ ra vô cùng lo ngại trước kế hoạch đưa khách thẳng ra Cù Lao Chàm của TP.Đà Nẵng.
“Việc phát triển du lịch tại khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm – vùng lõi khu dự trữ sinh quyển thế giới đã được các cấp chính quyền xác định theo hướng phát triển du lịch sinh thái dựa trên 3 nền tảng: Bảo vệ môi trường, văn hóa bản địa, lợi ích cộng đồng cư dân. Cù Lao Chàm được chú trọng phát triển về chất lượng hơn là số lượng. Và đặc biệt phải đặt lợi ích của người dân địa phương lên hàng đầu. Việc mở tuyến du lịch sông Hàn – Cù Lao Chàm của Đà Nẵng sẽ khiến Cù Lao Chàm đối mặt với không ít thách thức”, ông Vũ nói.
Phân tích rõ hơn, vị Phó Giám đốc ban Quản lý khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho rằng, nếu mở tuyến TP.Đà Nẵng – Cù Lao Chàm thì không thể kiểm soát được số lượng khách 3.000 khách/ngày. Thứ hai là nguy cơ phá vỡ định hướng chiến lược phát triển du lịch của khu bảo tồn biển. Cuối cùng là gia tăng các áp lực lên môi trường, cụ thể như thiếu nước ngọt vào mùa hè, rác thải, nguồn lợi hải sản cạn kiệt do áp lực khai thác trái phép phục vụ du lịch.
Đã xuất hiện “tuyến chui”?!
Theo ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, dù chưa được cấp phép mở tuyến du lịch sông Hàn (TP.Đà Nẵng) – Cù Lao Chàm nhưng nhiều doanh nghiệp đã tự ý dùng tàu lớn chở khách từ TP.Đà Nẵng ra các khu vực trên đảo Cù Lao Chàm. Việc hoạt động trái phép này đã nhiều lần bị chính quyền TP.Hội An đề nghị xử lý.