Doanh nghiệp caosu than khó vì chuẩn môi trường, Bí thư Bình Phước chỉ đạo gỡ

Ngày 6.4, Báo Lao Động đã có bài phản ánh việc 12 doanh nghiệp (DN) chế biến mủ cao su ở tỉnh Bình Phước kêu khó, vì không thể đáp ứng tiêu chuẩn xả thải ra môi trường, theo quy định của địa phương…

Ông Võ Quang Thuận – GĐ Công ty TNHH caosu Thuận Lợi, kêu khó khi thực hiện chuẩn môi trường do tỉnh yêu cầu. Ảnh: H.H

Xem xét tháo gỡ cho DN

Thông tin từ UBND tỉnh Bình Phước ngày 1.5 cho hay: Sau khi báo chí phản ánh sự vụ trên, ông Nguyễn Văn Lợi – Bí thư Tỉnh uỷ Bình Phước – đã có cuộc họp với các DN. Theo đó, Bí thư Nguyễn Văn Lợi cho biết có nắm được sự việc của 12 DN chế biến caosu “kêu khó” trong thời gian qua.

Ông Lợi phát biểu: “Tỉnh Bình Phước không đánh đổi phát triển kinh tế với ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, Sở TNMT cần kiểm tra, xem lại môi trường pháp lý, báo cáo lãnh đạo tỉnh để xem xét tháo gỡ cho DN”.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước, trước đây, nhiều người dân phản ánh việc xả thải của các nhà máy chế biến mủ caosu. Tuy nhiên, xét về mặt đóng góp ngân sách cho địa phương của các DN khá lớn nên UBND tỉnh đưa ra giải pháp: Trong 3 năm, các DN phải cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải đảm bảo quy chuẩn về nước xả thải cột A.

Tốn kém rất nhiều để xây dựng hệ thống xử lý nước thải, nhưng Công ty Thuận Lợi vẫn than khó. Ảnh: H.H

Tới nay, sau 3 năm, các DN cũng có thực hiện, nhưng chưa thể đạt được; trong đó có một phần lý do là giá mủ caosu thế giới ảm đạm, khiến DN gặp khó khăn…

Ông Nguyễn Văn Lợi khẳng định sẽ giao Sở TNMT kiểm tra tính pháp lý. Nếu Bộ TNMT quy định cho DN chế biến caosu xả thải cột B, thì báo cáo lãnh đạo tỉnh để xem xét tháo gỡ cho các DN.

Nghịch lý cột A và cột B

Như Báo Lao Động phản ánh: 12 DN chế biến mủ caosu ở tỉnh Bình Phước từ trước đến nay, sản xuất và xả thải vẫn tuân thủ quy định của luật pháp và Bộ TNMT. Trong đó, theo quy định chung áp dụng cho cả nước, nước thải từ chế biến caosu xả thải ra môi trường, dùng cho tưới tiêu phải đạt cột B. Còn nước thải xả ra dùng cho cấp nước sinh hoạt, bắt buộc phải đạt cột A.

Tuy nhiên, Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31.3.2017 của Tỉnh ủy Bình Phước về tăng cường công tác bảo vệ môi trường, yêu cầu, đến hết năm 2017, 100% các cơ sở chế biến caosu, tinh bột mì có hệ thống xử lý nước thải đảm bảo cột A của QCVN (quy chuẩn Việt Nam) theo quy định.

Đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt cột A tại Công ty Long Trường, nhưng DN vẫn khó hoàn thành. Ảnh: H.H

Sau đó, Sở TNMT có Công văn số 1495/STNMT-VP ngày 7.7.2017 gia hạn thời gian hoàn thành việc nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý nước thải đạt cột A của các nhà máy chế biến caosu đến hết năm 2018. Nếu trì hoãn việc cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải đạt loại A, thì DN buộc phải dừng hoạt động…

“Tối hậu thư” của cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước vấp phải sự phản ứng của các DN caosu. Ông Võ Quang Thuận – Giám đốc Công ty TNHH Caosu Thuận Lợi – cho rằng, đề nghị trên không khả thi, không phù hợp với quy định của pháp luật và “làm khó” DN.

Ông Võ Quang Thuận nói: “Cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải nhà máy chế biến mủ caosu không đơn giản. Rất có thể, chúng tôi phải đập bỏ hệ thống cũ và xây mới lại hoàn toàn. Ngoài chuyện phát sinh chi phí cực lớn (hơn 20 tỉ đồng/hệ thống) thì DN bị ngừng trệ sản xuất, gián đoạn đơn hàng xuất khẩu”.

Xử lý nước thải tại một nhà máy caosu ở Bình Phước. Ảnh: H.H

Nước thải phần lớn cho mục đích tưới tiêu thuỷ lợi, thì nước thải chuẩn B là tương thích nhất cho cây cối, thuỷ sinh trong môi trường tự nhiên. “Tại sao DN phải bỏ tiền ra xử lý nước thải đạt chuẩn cột A (dùng cấp nước sinh hoạt) ? Chưa kể, để ra chuẩn cột A, chúng tôi cần phải dùng nhiều hoá chất”-  ông Thuận nói.

Trong khi đó, theo ông Lê Hoàng Lâm – Giám đốc Sở TNMT tỉnh Bình Phước: “Đây là chủ trương của Tỉnh ủy, DN phải thực hiện. Quan điểm của tỉnh là nước thải từ nhà máy chế biến mủ caosu phải đạt chuẩn cột A, vì địa phương là đầu nguồn sông Đồng Nai, sông Bé và sông Sài Gòn. Sở TNMT sẽ tổ chức hội thảo với các chuyên gia môi trường và báo cáo với UBND tỉnh, rồi sẽ đối thoại với DN”.