Bộ trưởng Môi trường Đức Svenja Schulze cho biết Đức cam kết đảm bảo rằng chỉ có chất thải nhựa sạch và không pha trộn mới được giao dịch tự do.
Ngày 29/4, tại Hội nghị các quốc gia thành viên của Công ước Basel, công ước toàn cầu về quản lý vận chuyển rác thải độc hại xuyên biên giới tại Geneva (Thụy Sĩ), Bộ trưởng Môi trường Đức Svenja Schulze cho biết Đức cam kết đảm bảo rằng chỉ có chất thải nhựa sạch và không pha trộn mới được giao dịch tự do, nhấn mạnh rằng Đức đặt mục tiêu cấm xuất khẩu chất thải nhựa chưa phân loại.
Phóng viên TTXVN tại châu Âu dẫn lời Bộ trưởng Schulze cho biết Đức muốn tham gia đề xuất của Na Uy nhằm thúc đẩy lệnh cấm xuất khẩu trên toàn thế giới đối với chất thải nhựa chưa phân loại và khó tái chế.
Theo bà Svenja, châu Âu phải chịu trách nhiệm phân loại rác thải nhựa và có thể tái chế của riêng mình. Bà chỉ ra rằng chất thải nhựa xuất khẩu theo pháp luật hiện hành không được vứt bỏ, phải qua phân loại và tái chế. Chỉ chất thải không nguy hại mới có thể được giao dịch tự do để thu hồi.
Công ước Basel vốn cấm các nước phát triển chuyển rác thải độc hại hay nguy hiểm sang các nước đang phát triển mà không được sự đồng ý của nước tiếp nhận. Các quốc gia thành viên của Công ước Basel bắt đầu nhóm họp tại Geneva (Thụy Sĩ) từ ngày 29/4.
Trong 2 tuần tới, hội nghị sẽ thảo luận về việc thắt chặt quy định về rác thải nhựa, và quyết định về đề xuất của Na Uy nhằm tạo ra một cơ chế minh bạch hơn trong quản lý trao đổi rác thải nhựa.
Nếu đề xuất nhận được ủng hộ, các nhà xuất khẩu rác thải nhựa sẽ phải xin ý kiến từ quốc gia nhập khẩu trước khi hoạt động xuất khẩu diễn ra và phải cung cấp thông tin cụ thể về khối lượng và loại rác thải.
Tuy nhiên, các nhà vận động cho biết trên thực tế, cho tới nay con người mới chỉ tái chế được 9% số nhựa được sản xuất trên toàn cầu.
Vì vậy, giải pháp lâu dài duy nhất để tháo gỡ cuộc khủng hoảng rác thải nhựa là hạn chế sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm nhựa.
Trong một thời gian dài, thế giới cho rằng Đức là nhà vô địch thế giới về tái chế rác thải. Tuy nhiên, tại các bãi rác thải ở Đông Nam Á thời gian gần đây, người ta thường xuyên tìm thấy rác thải nhựa từ Đức.
Nhiều báo cáo đã được công bố về chất thải nhựa từ các công ty Đức tại các bãi rác của Malaysia và Indonesia. Điều này ảnh hưởng đến danh tiếng của Đức và chính phủ nước này đang muốn lấy lại hình ảnh của mình.
Những mặt hàng xuất khẩu trên chỉ được phép lưu thông trong thương mại tự do khi có chất thải nhựa có thể tái chế rõ ràng.
Tuy nhiên, nghiên cứu của Tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace) đã chỉ ra rằng thành phần của các mặt hàng xuất khẩu trên cũng bao gồm các hỗn hợp nhựa chưa phân loại và khó tái chế, từ đó góp phần gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở các quốc gia này.
Đức xuất khẩu hơn một triệu tấn chất thải nhựa ra nước ngoài mỗi năm. Các vấn đề với chất thải nhựa đã không được chú ý trong nhiều năm vì Trung Quốc đã nhập khẩu hầu hết nhựa cũ để biến nó thành nguyên liệu chất lượng cao hơn cho các chu kỳ sản xuất mới.
Tuy nhiên, đầu năm 2018, Trung Quốc đã giảm mạnh nhập khẩu chất thải nhựa và theo người đứng đầu hiệp hội công nghiệp của Cục Tái chế Quốc tế có trụ sở tại Brussels (Bỉ) Arnaud Brunet, sự thay đổi này đã gây ra một “cú sốc” lớn, với hậu quả toàn cầu.