Theo đánh giá của giới chuyên gia, sau 10 năm triển khai Chiến lược biển, diện mạo kinh tế Việt Nam đã thay đổi khá toàn diện, song vẫn còn nhiều “sạn” gây ảnh hưởng đến nỗ lực hướng mạnh ra biển.
Mặc dù Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã được triển khai thực hiện đồng bộ, nhưng trong thực tiễn triển khai vẫn còn nhiều “sạn” gây ảnh hưởng đến nỗ lực hướng mạnh ra biển.
Thậm chí, nhiều nơi còn nảy sinh những mâu thuẫn lợi ích trong sử dụng đa ngành ở vùng ven biển và hải đảo. Điều này không chỉ làm cạn kiệt tài nguyên, mà môi trường biển cũng bị biến đổi theo chiều hướng xấu.
Còn nhiều “điểm nghẽn”
Theo phó giáo sư tiến sỹ Nguyễn Chu Hồi, thành viên Ban chỉ đạo Diễn đàn Đại dương toàn cầu (GOF), nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, khó khăn, hạn chế lớn nhất trong phát triển kinh tế biển hiện nay là công tác quản lý Nhà nước đối với các lĩnh vực kinh tế biển ở nước ta còn yếu, quy hoạch không gian biển còn rời rạc, hệ thống pháp lý liên quan chưa hoàn chỉnh.
Trong khi, hội chứng phát triển tràn lan các khu kinh tế ven biển đang hiện hữu ở nước ta, khiến cho đầu tư dàn trải, khó có thể tạo ra ‘đột phá’ trong phát triển. Trong mô hình phát triển các khu kinh tế ven biển nói riêng và kinh tế biển nói chung thiếu “đầu tàu,” chưa thực sự áp dụng quy luật lan tỏa trong phát triển; thể chế chưa rõ ràng, chưa tôn trọng ‘tính phổ quát’ của luật các khu kinh tế mở.
Đặc biệt, theo ông Hồi, hiện nay khái niệm “kinh tế biển xanh” và “phát triển bền vững kinh tế biển” vẫn là những vấn đề mới mẻ đối với Việt Nam, dù nó đã song tồn trong suốt hơn 20 năm thực hiện phát triển bền vững (từ Rio-92) với 8 mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Vì thế, quá trình chuyển từ kinh tế biển “nâu” sang “xanh” vẫn chưa phát huy hiệu quả.
Theo ông Hồi, nguyên nhân là do nhận thức về “tăng trưởng xanh” và “kinh tế biển xanh” của các cấp, các ngành, các địa phương ven biển và người dân còn chưa đầy đủ, thậm chí rất khác biệt. Các ngành, các địa phương chưa chuẩn bị đủ điều kiện để chuyển dịch cơ cấu kinh tế biển từ “nâu” sang “xanh.”
Mắt khác, tình hình khai thác, sử dụng biển đảo chưa hiệu quả, thiếu bền vững, đặc biệt là thói quen ưu tiên khai thác tài nguyên biển ở dạng vật chất, không tái tạo; các giá trị chức năng, phi vật chất và có khả năng tái tạo của các hệ thống tài nguyên biển còn ít được chú trọng.
Điều lo ngại nhất trong 10 năm qua là, môi trường biển tiếp tục biến đổi theo chiều hướng xấu và tiếp tục bị “đầu độc” liên quan tới các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội. Ngày càng có nhiều chất thải không qua xử lý từ các lưu vực sông và vùng ven đổ ra biển, khiến môi trường tiếp tục bị ô nhiễm, đa dạng sinh học biển và nguồn lợi hải sản giảm sút, các hệ sinh thái biển quan trọng bị suy thoái.
Nguyên nhân chính của những hạn chế trên là do 10 năm qua, ngân sách nhà nước đầu tư cho vùng ven biển và hải đảo tăng nhưng lại chủ yếu cho các công trình hạ tầng, còn cho phúc lợi xã hội lại hạn chế. Bên cạnh đó, xuất phát điểm sinh kế và thu nhập của người dân ven biển, đảo rất thấp so với mức trung bình cả nước vào thời điểm trước khi ban hành chiến lược (2006), do đó, cần thời gian để thay đổi.
Ngoài ra, tình hình Biển Đông tiếp tục phức tạp, khó lường cũng ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển “kinh tế biển xanh” ở nước ta.
Nhìn nhận từ góc độ quản lý ngành, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cũng thừa nhận, mặc dù Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã được triển khai thực hiện đồng bộ và xứng tầm, nhưng trong thực tiễn triển khai vẫn còn nhiều “hạt sạn” gây ảnh hưởng đến nỗ lực hướng mạnh ra biển.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, một trong những “hạt sạn” lớn nhất, đó là việc phát triển kinh tế biển chưa gắn kết hài hòa với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Công tác bảo vệ an ninh, an toàn, phối hợp tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với sự cố môi trường trên biển còn nhiều bất cập.
Cùng với đó, một số chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra chưa đạt được; lợi thế, tiềm năng là cửa ngõ vươn ra thế giới chưa được phát huy đầy đủ; việc thực hiện chủ trương phát triển một số ngành kinh tế biển mũi nhọn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Sự liên kết giữa các vùng biển, vùng ven biển với vùng nội địa, địa phương có biển với địa phương không có biển, và giữa các ngành, lĩnh vực còn thiếu chặt chẽ.
Các ngành kinh tế có liên quan trực tiếp tới khai thác biển như chế biến dầu khí, chế biến thủy hải sản, đóng và sửa chữa tàu biển…bước đầu phát triển, nhưng hiện tại quy mô mới chiếm khoảng 2% kinh tế biển và 0,4% tổng GDP cả nước. Thu nhập bình quân của người dân vùng biển vẫn thấp hơn mức trung bình cả nước.
Ô nhiễm môi trường biển ở nhiều nơi còn diễn ra nghiêm trọng, ô nhiễm rác thải nhựa đã trở thành vấn đề cấp bách; các hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học biển bị suy giảm; một số tài nguyên biển bị khai thác quá mức; công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, biển xâm thực còn nhiều hạn chế, bất cập.
Khoa học và công nghệ, điều tra cơ bản, phát triển nguồn nhân lực biển chưa trở thành nhân tố then chốt trong phát triển bền vững kinh tế biển. Hợp tác quốc tế về biển chưa hiệu quả. Khoảng cách giàu-nghèo của người dân ven biển có xu hướng ngày càng tăng. Việc giữ gìn giá trị, phát huy bản sắc văn hóa biển chưa được quan tâm đúng mức…
“Thậm chí, nhiều nơi mặc dù có lợi thế rất lớn về biển, nhưng nhiều năm qua vẫn quay lưng lại với biển,” Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, những hạn chế, yếu kém nêu trên có nguyên nhân khách quan, song nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Nhận thức của các cấp, các ngành, địa phương và người dân, doanh nghiệp về vai trò, vị trí của biển, phát triển bền vững kinh tế biển chưa đầy đủ; phương thức quản lý tổng hợp, thống nhất về biển dựa trên hệ sinh thái chưa theo kịp với yêu cầu phát triển và xu thế thời đại.
Bên cạnh đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện Nghị quyết của một số cấp ủy, chính quyền còn thiếu thường xuyên, quyết liệt. Chính sách, pháp luật về biển chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, một số chủ trương lớn của Đảng chưa được thể chế hóa kịp thời. Công tác quản lý nhà nước về biển, đảo còn nhiều bất cập.
Đầu tư cho nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản, phát triển nguồn nhân lực biển còn hạn chế; công tác đào tạo, dạy nghề, hỗ trợ chuyển đổi việc làm cho người dân ven biển chưa đáp ứng được yêu cầu.
Có chung quan điểm, ông Tạ Đình Thi-Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cũng khẳng định, Việt Nam được coi là một “quốc gia biển,” nhưng vẫn chưa phát huy tối đa lợi thế và tiềm năng là một đất nước có “cửa ngõ vươn ra thế giới”; chưa kết nối toàn tuyến đường ven biển, phát triển các cảng biển tầm quốc tế…
Một số ngành kinh tế biển mũi nhọn như hàng hải, dầu khí, công nghiệp đóng tàu chưa tận dụng được các cơ hội, các tiềm năng lợi thế để phát triển. “Nếu như ngành dầu khí bị ảnh hưởng do sự sụt giảm giá dầu trên thế giới, thì nguyên nhân chủ quan của ngành đóng tàu phần nhiều xuất phát từ bất cập của mô hình quản trị. Ví dụ như Vinashin, Vinalines…từ phương thức quản lý đến các mức đầu tư khoa học công nghệ, khả năng dự báo thị trường cũng chưa phù hợp,” ông Thi nói.
Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa kinh tế với bảo vệ môi trường, bảo tồn biển cũng chưa được gắn kết chặt chẽ. Trong một số trường hợp còn có sự sung đột, chưa bảo đảm hài hòa giữa khai thác và sử dụng tài nguyên môi trường biển với công tác bảo tồn, phục hồi các hệ sinh thái biển và ven biển.
Nguồn lực và đặc biệt là nhân lực, đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ về biển cũng chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là về số lượng, chất lượng và cơ cấu. Trình độ, năng lực về khoa học công nghệ điều tra cơ bản cũng còn hạn chế và thua kém các nước trong khu vực cũng như trên thế giới…
Mặt khác, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, rồi mặt trái của toàn cầu hóa, khủng hoảng kinh tế toàn cầu, sự sụt giảm giá dầu thế giới…cũng đã tác động tiêu cực đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế biển của Việt Nam trong 10 năm qua.
Tháo gỡ “rào cản”
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, trong tình hình mới, trên cơ sở những thành tựu, hạn chế, yếu kém thời gian qua, cần thống nhất tư tưởng, nhận thức rằng biển là bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Vì thế, cần tạo hành lang pháp lý tốt hơn nữa, đồng thời đẩy mạnh phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; tăng cường đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển, để Việt Nam sớm trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.
Cùng với đó, cần phải giữ gìn giá trị, phát huy truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa biển đi đôi với xây dựng xã hội gắn kết, thân thiện với biển; bảo đảm quyền tham gia, hưởng lợi và trách nhiệm của người dân đối với phát triển bền vững kinh tế biển trên cơ sở công bằng, bình đẳng, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật…
Từ góc độ chuyên gia, phó giáo sư tiến sỹ Nguyễn Chu Hồi cho rằng, để vượt qua các khó khăn, thách thức nói trên cần phát triển một nền kinh tế biển hiệu quả và bền vững; khoa học-công nghệ biển phải trở thành động lực phát triển các lĩnh vực liên quan đến “kinh tế biển xanh.”
Theo ông Hồi, có rất nhiều việc phải làm, nhưng liên quan tới “tăng trưởng xanh” và “kinh tế biển xanh”, trong quá trình chuẩn bị kế hoạch cần kiểm kê “nguồn vốn tự nhiên biển” làm căn cứ triển khai các quy hoạch dài hạn sử dụng biển, đảo ở cấp độ quốc gia theo cách tiếp cận dựa vào hệ sinh thái.
Quy hoạch không gian biển quốc gia, chú trọng mối liên kết vùng trong phát triển kinh tế biển và ven biển để phát huy sức mạnh tổng hợp và giảm thiểu các mâu thuẫn trong phát triển các vùng biển, ven biển và đảo; kiểm kê định kỳ các nguồn thải vào biển, đặc biệt từ các hoạt động trên đất liền, làm căn cứ xây dựng kế hoạch quản lý và kiểm soát chất thải từ nguồn.
Đồng thời xây dựng năng lực giám sát, quan trắc, giảm thiểu và xử lý các thảm họa thiên tai, sự cố môi trường biển, ven biển và trên đảo. Ngăn ngừa suy thoái và phục hồi các habitat đã bị mất, các hệ sinh thái quan trọng (rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển) đã bị suy thoái.
Xây dựng và triển khai lộ trình áp dụng công nghệ biển sạch hơn, ít cacbon, ít chất thải trong các ngành kinh tế biển và các lĩnh vực dịch vụ biển. Nghiên cứu và sử dụng năng lượng thay thế và tái tạo từ biển, như: năng lượng gió biển, năng lượng Mặt Trời trên đảo, năng lượng biển (sóng biển, dòng chảy).
Thường xuyên nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư ven biển và trên các đảo về “kinh tế biển xanh,” “tăng trưởng xanh” và phát triển bền vững biển đảo với các hình thức thích hợp. Chú trọng các mô hình cải thiện sinh kế và xoá đói giảm nghèo cho người dân ven biển, trên đảo để giúp họ thay đổi hành vi cá nhân trong cách đối xử với môi trường và tài nguyên biển.