Các khu bảo tồn lớn sẽ cứu đại dương hay chính trị hóa chúng?

Trong thập kỷ vừa qua, các chính phủ đã nỗ lực tạo ra các khu bảo tồn biển (KBTB) rộng lớn đủ để bảo vệ các loài khỏi bị đánh bắt quá mức và các mối đe dọa khác. Nhưng các nhà phê bình đang đặt câu hỏi liệu việc tạo ra các khu bảo tồn này có phải được thúc đẩy bởi địa chính trị hơn là để bảo tồn?

Làm thế nào chúng ta có thể cứu các đại dương? Đại dương bao phủ 2/3 hành tinh nhưng không có gì an toàn trước các đội tàu đánh cá, các nhà thăm dò khoáng sản hoặc những ảnh hưởng âm thầm của sự nóng lên toàn cầu và axit hóa đại dương.

Trong thập kỷ qua, đã có một nỗ lực để tạo ra các KBTB khổng lồ mới, hiện bao phủ gần 9,7 triệu dặm vuông, lớn hơn cả diện tích đất liền của Bắc Mỹ.

Thư ký điều hành của Công ước Liên hợp quốc về Đa dạng sinh học Cristiana Pașca Palmer nói rằng thế giới đang trên đường đạt được mục tiêu Hội nghị về việc có 1/10 đại dương được bảo vệ vào năm tới.

Nhưng các câu hỏi đang được đặt ra. Sự gia tăng được thúc đẩy bởi sự hình thành của các KBTB còn lớn hơn diện tích nhiều quốc gia, thường ở các khu vực hẻo lánh, nơi mối đe dọa đối với đa dạng sinh học thấp hơn.

Vì vậy, các nhà phê bình đang đặt câu hỏi, liệu các quốc gia tạo ra các KBTB xa xôi để đánh lạc hướng sự chú ý khỏi nhiệm vụ khó khăn hơn là bảo vệ các hệ sinh thái ven biển đang suy giảm nhưng gần đất liền hơn?

Liệu có một trò chơi địa chính trị đang diễn ra, một cuộc tấn công lén lút để kiểm soát các đại dương cho mục đích chính trị? Điều đó có giải thích tại sao một nửa đại dương được các KBTB bao phủ nằm trong tay Hoa Kỳ và hai cựu cường quốc thực dân châu Âu là Anh và Pháp?

Hầu hết các nhà khoa học đại dương nhìn thấy cơn sốt tạo ra các KBTB rộng lớn như một lợi ích cho bảo tồn biển. Chúng có hiệu quả về chi phí, kết nối các hệ sinh thái biển khác nhau và bao gồm phần lớn hơn các loài di cư như cá voi và cá ngừ, bảo vệ “hành lang kết nối giữa các sinh cảnh theo cách KBTB nhỏ hơn không có được”, theo nhà hải dương học Bethan O’Leary thuộc Đại học York, Anh.

Nhưng địa lý của các KBTB lớn mới dường như phản ánh chính trị cũng như sinh thái. Các KBTB lớn nhất của Mỹ nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 dặm ngoài khơi Alaska và xung quanh quần đảo Hawaii được quốc tế công nhận.

Pháp và Anh đang bận rộn khẳng định quyền kiểm soát đối với các đại dương trải dài trên các vùng đặc quyền kinh tế xung quanh các hòn đảo nhỏ chiếm được cuối thời kỳ thuộc địa châu Âu.

Anh chỉ bảo vệ đầy đủ không đầy 2,9 dặm vuông của vùng biển nội địa nhưng hứa “tăng cường bảo vệ biển” vào năm 2020 cho 1,5 triệu dặm vuông xung quanh vùng lãnh thổ ở các đại dương xa xôi – gấp hơn 16 lần diện tích Vương quốc Anh. Các vùng nước được đánh dấu bao gồm ba trong số 12 KBTB lớn nhất được tuyên bố cho đến nay: xung quanh quần đảo Chagos ở Ấn Độ Dương, đảo Pitcairn ở Thái Bình Dương, Nam Georgia ở Nam Cực Dương, tiếp theo là đảo Ascension, St. Helena và Tristan da Cunha, tất cả ở Nam Đại Tây Dương.

Pháp không kém là mấy, hứa hẹn bảo vệ tới 850.000 dặm vuông vào năm 2020, bao gồm cả vùng biển xung quanh New Caledonia và Polynesia thuộc Pháp, cũng như Reunion và Mayotte ở Ấn Độ Dương.

Những KBTB khổng lồ này là một hiện tượng tương đối mới. Hầu hết đã được tạo ra từ năm 2010, khi Công ước về Đa dạng sinh học đã thông qua mục tiêu 10%. Cho đến lúc đó, hầu hết các KBTB đều nhỏ, khoảng một nửa trong số 15.000 khu trên thế giới chỉ có diện tích một vài dặm vuông.

Nhưng ngày càng nhiều các KBTB lớn hơn được thành lập. Mặc dù không gian nhỏ và an toàn cho thiên nhiên có thể bảo vệ các môi trường sống đặc biệt như rạn san hô và cỏ biển nhưng các nhà sinh thái biển cho rằng tác động của chúng tới hệ sinh thái biển bao trùm hơn và tới nguồn cá di cư chắc chắn là nhỏ. Một phần vì điều này và một phần do thiết kế tồi và thực thi kém – một phân tích tổng hợp gần đây về tác động của các KBTB hiện tại của Graham Edgar, nhà khoa học nghiên cứu cao cấp thuộc Đại học Tasmania, đã phát hiện ra rằng “hầu hết các KBTB được nghiên cứu… không phân biệt về mặt sinh thái với các vùng đánh bắt”.

Một số nhà khoa học cũng nói rằng với các KBTB ven biển, ngư dân địa phương thường thua thiệt. Sinh kế của họ bị gián đoạn vì hoạt động đánh bắt bị tuyên bố là bất hợp pháp, trong khi những tàu thương mại lớn chỉ việc di chuyển và gây thiệt hại ở một nơi khác.

Đã có những lời kêu gọi về các quy tắc ứng xử để bảo vệ những cộng đồng như vậy. Nathan Bennett, nhà địa lý đại dương thuộc Đại học British Columbia cho rằng bảo vệ lợi ích của các cộng đồng ven biển có thể tạo “ra sự khác biệt giữa thành công và thất bại của bảo tồn biển”.

Vì vậy, KBTB lớn sẽ làm tốt hơn? Hầu hết là ở các khu vực xa xôi, gần như nguyên sơ với rất nhiều sinh vật biển để bảo vệ. Chẳng hạn, Papahānaumokuākea National Marine Monument ở quần đảo Hawaii có diện tích gấp đôi bang Texas và bảo vệ 7.000 loài, 1/4 trong số đó là loài đặc hữu.

Pháp hứa hẹn bảo vệ tới 850.000 dặm vuông vào năm 2020, bao gồm cả vùng biển xung quanh New Caledonia (Ảnh: Shutterstock)

KBTB rộng 250.000 dặm vuông do người Anh tuyên bố xung quanh quần đảo Chagos ở Ấn Độ Dương là “khu vực rạn san hô liền kề lớn nhất thế giới”, theo cố vấn khoa học trưởng Charles Sheppard thuộc Đại học Warwick. Nó bao gồm đảo san hô lớn nhất thế giới mang tên Great Chagos Bank, nơi có tới 310 loài san hô, 821 loài cá (50 loài cá mập) và 355 động vật thân mềm. KBTB ở đó đã tạo ra “khu vực cấm không giới hạn” lớn nhất thế giới, nơi cấm tất cả các hoạt động đánh bắt cá thương mại.

Nhưng một số nhà bảo tồn nói rằng tiến trình bảo vệ các đại dương theo cách này đã bị thổi phồng. Enric Sala, nhà sinh thái học biển thuộc Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ gần đây đã phản bác tuyên bố gần đạt được mục tiêu bảo vệ cho 10% các đại dương trên thế giới là “không đúng và phản tác dụng”.

Trong khi 7% các đại dương cho đến nay được coi là được bảo vệ phần nào thì chỉ 5% thực sự đã có kế hoạch thực hiện và chỉ 2% cấm đánh bắt cá thương mại.

Trong số các KBTB vẫn chưa thực hiện cam kết, Sala lưu ý có hai trong số những khu lớn nhất là KBTB Kermadec của New Zealand và Coral Sea Nature Park của New Caledonia thuộc Pháp.

Khi chính quyền Bush mãn nhiệm vào năm 2009 đã thành lập Marianas Trench National Marine Monument gần lãnh thổ đảo Guam của Mỹ ở phía tây Thái Bình Dương, đẩy áp lực về phía Quần đảo Bắc Mariana khi cho phép ngư dân tiếp tục hoạt động ở đó.

Nhưng O’Leary cho rằng hầu hết các KBTB lớn được công nhận đều có kế hoạch quản lý tại chỗ hoặc đang chuẩn bị, sự phát triển của công nghệ máy bay không người lái, radar và vệ tinh sẽ hỗ trợ các khu này kiểm soát dễ dàng hơn trước đây.

Một mối quan tâm thứ hai của các nhà phê bình là diện tích lớn của các KBTB có thể không giải quyết được nhiệm vụ cấp bách là bảo vệ các loài sinh vật và hệ sinh thái biển khỏi các mối đe dọa thực sự và hiện hữu.

Hầu hết các KBTB lớn đều ở vùng sâu vùng xa. Theo một nghiên cứu gần đây mà O’Leary là đồng tác giả, Mỹ đã tiến hành các biện pháp bảo vệ mạnh mẽ hoặc đầy đủ ở dưới 1% các vùng biển ở vùng nước quanh lục địa Hoa Kỳ so với 43% ở vùng nước xa xôi.

Luiz Rocha thuộc Hope for Reefs, một sáng kiến vận động của Viện hàn lâm Khoa học California, nói rằng các KBTB xa xôi “luôn loại trừ các khu vực gần bờ – những khu vực duy nhất được hưởng lợi từ bảo vệ không gian. Người ta bảo vệ những khu vực không ai sử dụng và điều đó chẳng có tác dụng gì hết”.

Thực tế còn tệ hơn thế vì những KBTB xa xôi này giúp các quốc gia đạt được các mục tiêu của Liên hợp quốc và qua đó giảm áp lực buộc các quốc gia phải thực hiện sự bảo vệ thực sự khi cần thiết.

Rocha cho rằng diện tích lớn cũng chẳng có mấy ích lợi: “Báo chí và công luận yêu thích các tuyên bố về diện tích bảo tồn “ngang với nước Bỉ” nhưng đối với những loài như cá ngừ, diện tích đó chỉ như sân nhà bạn mà thôi”.

Nhưng O’Leary và những người ủng hộ KBTB lớn phản công rằng các khu bảo tồn lớn bảo vệ nhiều hơn cho các loài di cư so với các khu vực nhỏ. Và ngay cả khi những nơi này không đối phó được các mối đe dọa khẩn cấp hiện tại thì theo O’Leary vẫn mang lại “sự bảo vệ chủ động cho các khu vực đại dương hoang dã trước việc khai thác trong tương lai”, theo cách tương tự như các vùng hoang dã được bảo vệ.

Một số nhà phê bình cho rằng nhiều KBTB lớn mang tính địa chính trị không kém gì phần bảo tồn. Điều này đặc biệt đúng với các KBTB thời hậu thuộc địa của Anh và Pháp, trong đó các đảo nhỏ bé nằm giữa đại dương, đôi khi không có người ở, từng bị chiếm đóng làm điểm dừng tiếp nhiên liệu cho các tàu hải quân, trở thành căn cứ vào thế kỷ 21 mà một số người gọi là “chiếm dụng đại dương”.

Anh đã tuyên bố một KBTB xung quanh Nam Georgia, nơi cũng được Argentina tuyên bố, và cũng như gây tranh cãi là điều tương tự xảy ra với quần đảo Chagos ở giữa Ấn Độ Dương.

Vào thời thuộc địa, quần đảo này được Anh quản lý từ vùng giáp ranh Mauritius. Tuy nhiên, vào năm 1965, ba năm trước khi trao độc lập cho Mauritius, người Anh đã tách quần đảo ra và ký một thỏa thuận cho phép Mỹ đặt một căn cứ quân sự lớn trên đảo Diego Garcia – hòn đảo lớn nhất trong số 60 hòn đảo.

Là một phần của thỏa thuận, người Anh sau đó đã buộc phải di dời khoảng 1.500 người Chagos đi. Sống lưu vong ở Mauritius và Vương quốc Anh, họ vận động để được phép trở về và tiếp tục các hoạt động kinh tế như câu cá.

Điều đó đã trở nên khó khăn hơn khi vào năm 2010, Anh đã tạo ra một KBTB “cấm đánh bắt” khổng lồ xung quanh quần đảo, chỉ trừ đảo Diego Garcia. Một thông điệp từ Đại sứ quán Hoa Kỳ bị Wikileaks công bố cho biết các quan chức Anh đã nói rằng “thành lập một KBTB sẽ thanh toán được các yêu sách tái định cư”. Chính phủ Anh nhiều lần phủ nhận thông tin này.

Đầu tháng trước, tình hình đạt tới mức căng thẳng đỉnh điểm sau nhiều thập kỷ tranh chấp pháp lý, Tòa án Công lý Quốc tế ở The Hague, tòa án cao nhất của Liên hợp quốc tuyên bố sự kiểm soát của Anh đối với Chagos là một “hành động sai trái” và phán quyết quần đảo nên được trao trả lại cho Mauritius “càng nhanh càng tốt”.

Không rõ chính phủ Anh có tuân theo phán quyết hay không. Đại sứ quán Mauritius tại London đã không phúc đáp yêu cầu làm rõ kế hoạch về KBTB. Nhưng trong quá khứ, nước này đã nói rằng mặc dù không có vấn đề gì trong việc duy trì KBTB, song khu vực cấm đánh bắt sẽ “không tương thích” với các kế hoạch đưa người Chagos quay lại khai thác tài nguyên biển.

Dù tương lai vùng biển tranh chấp có như thế nào, việc cứu đại dương vẫn còn nguyên giá trị. Các nhà khoa học cho rằng thế giới nên đặt mục tiêu bảo vệ không phải 10%, mà là 30% các đại dương. Điều đó đòi hỏi các nỗ lực phối hợp quốc tế để bảo vệ 2/3 đại dương nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế quốc gia.

Chỉ 0,5% trong số những “vùng biển chung” này hiện được KBTB bảo vệ theo các điều ước khu vực hoặc quốc tế, trong đó lớn nhất là KBTB Ross Sea ngoài khơi Nam Cực – diện tích gần bằng Alaska và là một trong những hệ sinh thái biển phong phú nhất thế giới – mặc dù nơi đây vẫn còn những lo ngại do việc đánh bắt nhuyễn thể vẫn được phép theo các điều khoản của Hiệp ước Nam Cực.

Một con cá mập hổ ở Papahānaumokuākea Marine National Monument, khu bảo tồ biển rộng 583.000 dặm vuông gần Hawaii. (Ảnh: NOAA)

Cũng không thể không đề cập tới KBTB Charlie-Gibbs, một điểm nóng đa dạng sinh học ở giữa Bắc Đại Tây Dương, nơi các vùng cực và nhiệt đới gặp nhau. Khu vực này được quản lý theo Công ước Ospar về môi trường biển Đông Bắc Đại Tây Dương, và được đặt theo tên của một cướp biển người Mỹ trứ danh ở thế kỷ 19.

Ngoài ra, sẽ còn nhiều khu có thể được thành lập nếu Liên hợp quốc hoàn tất Hiệp ước mới về vùng biển chung vào năm 2020 như lịch trình. Các điều khoản của nó gần như chắc chắn sẽ bao gồm việc tạo ra các KBTB trong vùng biển quốc tế.

Những “ứng viên” bao gồm biển Sargasso, một vùng nước đầy rong biển ở Bắc Đại Tây Dương ngoài khơi lãnh thổ Bermuda thuộc Anh, cũng là nơi cá chình Mỹ và châu Âu sinh sản.

Thêm câu hỏi đặt ra là ai sẽ tài trợ và quản lý KBTB biển? Có thể nói các bên đứng đằng sau sẽ vẫn là những nhân tố chính kích hoạt cho sự phát triển gần đây của các KBTB quốc gia lớn: Mỹ và các nhóm bảo tồn được hỗ trợ bởi các nhà hảo tâm tư nhân.

Tại Pháp, Tổ chức Bảo tồn Quốc tế (Conservation International) đang trù tính cho KBTB của Pháp xung quanh New Caledonia.

Quỹ Bertarelli có trụ sở tại Thụy Sĩ đã hỗ trợ thành lập những khu xung quanh Polynesia thuộc Pháp và Đảo Phục sinh của Chile.

Ở Seychelles, The Nature Conservancy quyên tiền từ các nhà hảo tâm của Mỹ, trong đó có nam diễn viên Leonardo DiCaprio, để mua nợ quốc gia đổi lấy việc tạo ra hai KBTB lớn.

Quỹ Louis Bacon, được thành lập bởi một người quản lý quỹ phòng hộ của Hoa Kỳ, trả tiền cho việc kiểm soát một KBTB của Anh quanh Đảo Ascension.

Lớn nhất trong số đó là Quỹ tín thác từ thiện Pew cho biết họ đã “hỗ trợ bảo vệ 5,2 triệu km2 – diện tích gấp 10 lần Trung Mỹ”.

Pew đề xuất và tài trợ cho các KBTB của Anh tại Chagos, Pitcairn cũng như đẩy mạnh các sáng kiến của Mỹ như Marianas Trench Marine National Monument.

Trong một sáng kiến chung với Quỹ Bertarelli, gần đây Pew đã chỉ định cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry và cựu Thủ tướng Anh David Cameron làm “Đại sứ Đại dương”.

Elizabeth Karan, quản lý cấp cao của Pew, trả lời qua email rằng tổ chức của cô đang hỗ trợ “xác định các khu vực quan trọng cho đa dạng sinh học trên biển và làm việc với các chính phủ [để] phát triển các đề xuất”. Kiểm soát các vùng biển phi quốc gia đó cần được thực hiện bởi các nước ký kết hiệp ước điều tiết các ngành công nghiệp của họ.

Một số người xem những nhà hảo tâm như những người cứu rỗi hành tinh, những người khác lại cho rằng họ là tác nhân của việc tư nhân hóa từ từ một trong những tài sản chung cuối cùng của toàn cầu.

Dù thế nào, đó cũng là một nhiệm vụ nặng nề.

Nhật Anh (Theo e360.yale.edu)

Nguồn: