Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, ngành lâm nghiệp hướng đến mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 3 triệu ha rừng trồng sản xuất đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
Tại hội thảo “Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng Việt Nam – Công bố thành lập văn phòng chứng chỉ rừng” do Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chiều 26/4, tại Hà Nội, ông Cao Chí Công, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, ngành lâm nghiệp hướng đến mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 3 triệu ha rừng trồng sản xuất đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
Ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu lâm sản của Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ, thị trường tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ được mở rộng và có mặt ở trên 120 thị trường. Kim ngạch xuất khẩu lâm sản liên tục tăng nhanh.
Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu đạt 9,382 tỷ USD, vượt mục tiêu 7,8 tỷ USD xuất khẩu của Chiến lược Phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2016-2020.
Tuy đạt kết quả cao, nhưng theo ông Cao Chí Công, ngành chế biến và xuất khẩu lâm sản nước ta cũng đang đứng trước những thách thức lớn.
Nhiều thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam có những yêu cầu rất cao về kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu và các tiêu chuẩn quốc tế về quản lý rừng bền vững.
Điều đó đòi hỏi các nhà sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam phải đảm bảo sử dụng nguồn nguyên liệu hợp pháp, có chứng chỉ quản lý rừng bền vững thì mới xuất khẩu được sang các thị trường lớn.
Đến nay, diện tích rừng Việt Nam có chứng chỉ quản lý rừng bền vững mới chỉ đạt khoảng 237.000 ha. Con số này còn khá khiêm tốn so với mục tiêu đề ra, đồng thời chưa đáp ứng được nhu cầu gỗ có chứng chỉ cho xuất khẩu.
Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng là quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái và các giá trị dịch vụ môi trường rừng; thúc đẩy cấp chứng chỉ rừng ở Việt Nam nhằm đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong nước và thế giới về nguồn gốc gỗ hợp pháp.
Việc quản lý nhằm bảo đảm nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng đáp ứng tối thiểu 80% nhu cầu sản xuất hàng xuất khẩu, nâng cao giá trị gỗ rừng trồng, xóa đói giảm nghèo, nâng cao giá trị gia tăng cho ngành lâm nghiệp.
Thực hiện Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 01/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng, Văn phòng Chứng chỉ quản lý rừng bền vững sẽ là cơ quan đầu mối hợp tác với các tổ chức chứng chỉ rừng quốc tế, vận hành hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia.
Điều này nhằm thực hiện hiệu quả quản lý rừng bền vững, đảm bảo nguồn nguyên liệu hợp pháp, có chứng chỉ cho sản xuất, chế biến xuất khẩu lâm sản.
Ông Cao Chí Công hy vọng, để vận hành được Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia, ngành lâm nghiệp mong muốn có sự phối hợp, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế, đặc biệt là các chủ rừng, các doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản trong việc vận hành, xây dựng và phát triển thương hiệu của Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia, tạo uy tín trên trường quốc tế.
Ông Benjammin Gunerberg, Tổng giám đốc Tổ chức Chứng nhận Chứng chỉ rừng quản lý rừng bền vững (PEFC) cho biết, hiện PEFC hiện đang đứng đầu về diện tích rừng được chứng nhận với trên 309 triệu ha, chiếm 60% thị phần của tất cả các khu rừng được chứng nhận trên thế giới.
Ông hy vọng, Việt Nam sẽ sớm trở thành thành viên thứ 50 của PEFC trong việc thực thi quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng.