Dữ liệu từ Tổ chức theo dõi rừng toàn cầu, có trụ sở ở Mỹ, công bố ngày 24/4, cho thấy riêng trong năm 2018, diện tích rừng nhiệt đới trên thế giới đã giảm tới 12 triệu ha, gần bằng với diện tích của nước Anh.
Các nhà khoa học cảnh báo với tốc độ suy giảm diện tích rừng nhiệt đới lớn như hiện nay, hành tinh Xanh “đang lâm nguy” bởi rừng lâu nay vẫn được coi là vũ khí mạnh nhất chống lại biến đổi khí hậu và tình trạng mất đa dạng sinh học.
Theo các nhà khoa học, tốc độ suy giảm rừng nhiệt đới đang ở mức báo động, tương đương với 30 sân bóng đá biến mất mỗi phút.
Đáng lo ngại, khoảng 1/3 diện tích rừng bị mất, tương đương 36.000 km2, là rừng nhiệt đới nguyên sinh – nơi có nhiều loài động vật hoang dã phong phú nhất hành tinh và là nơi hấp thụ nhiều khí CO2 vốn làm Trái Đất nóng lên.
Thống kê cho thấy, rừng hấp thụ khoảng 30% lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính, với trên 11 tỷ tấn C02 mỗi năm.
Cũng theo Tổ chức theo dõi rừng toàn cầu, 5 nước có diện tích rừng nguyên sinh suy giảm nhiều nhất thế giới là Brazil (13.500 km2), CHDC Congo (4.800 km2), Indonesia (3.400 km2), Colombia (1.800 km2) và Bolivia (1.500 km2).
Bất chấp một loạt biện pháp ở cấp độ quốc gia và quốc tế, song tốc độ suy giảm rừng vẫn giữ nguyên kể từ đầu thế kỷ.
Năm 2016 là năm có tốc độ rừng suy giảm lớn nhất, chủ yếu do hiện tượng El Nino và cháy rừng không được kiểm soát ở Brazil và Indonesia. Đó là chưa kể các nguyên nhân trong đó có việc phát triển ngành chăn nuôi và trồng trọt.
Trước thực trạng trên, các nhà khoa học đã phải lên tiếng cảnh báo việc suy giảm diện tích rừng, đặc biệt là rừng nguyên sinh, đang khiến Hành tinh Xanh lâm nguy.
Với mỗi ha mất đi, con người lại tiến gần hơn tới viễn cảnh khủng khiếp của biến đổi khí hậu. Do đó, các nhà khoa học đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức cũng như tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng.