Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội còn gần 1.000 điểm xả nước thải chưa qua xử lý vẫn đang ngày đêm xả thẳng vào các công trình thủy lợi.
Nhiều nơi, công trình thủy lợi bị bịt kín hai đầu, chẳng khác gì “ao tù” khiến chất lượng nguồn nước mặt và nước ngầm bị ô nhiễm đến mức báo động, trở thành “công trình chết.”
Cứ thế, trong khi việc kiểm soát và xử lý hành vi xả nước thải ra công trình thủy lợi còn nhiều khó khăn thì người nông dân ngày ngày vẫn đang phải chấp nhận sử dụng nguồn nước “bẩn” để tưới hoa màu…
Chiều tháng Tư, tiết trời oi nóng khiến mùi hôi thối bốc lên từ các dòng kênh thủy lợi xã Vân Canh, huyện Hoài Đức càng thêm nồng nặc. Xung quanh, bà con đang cặm cụi múc những xô nước đen kịt để tưới lên những ruộng rau xanh.
Bà Nguyễn Thị Y, 66 tuổi ở thôn Kim Hoàng, xã Vân Canh cho biết, gia đình đã chuyển đổi ruộng lúa sang trồng rau được gần chục năm. Mặc dù biết nước ở kênh mương bị ô nhiễm, nhưng vì không có nguồn nước sạch nên các hộ dân trong vùng vẫn phải sử dụng “nguồn nước đặc biệt” này để tưới cho cây trồng.
“Dòng nước là từ nhà máy Minh Dương thải ra. Ở đây chưa có hệ thống nước sạch tưới tiêu gì đâu, mương bên cạnh thỉnh thoảng được tháo nước từ trạm bơm xuống, nhưng nước tưới cũng không đảm bảo. Ngày trước, người dân còn cấy lúa thì nước được bơm từ Đan Hoài lên. Nhưng vào mùa khô, nguồn tưới tiêu chủ yếu là nước thải, mùi thối lắm,” bà Y chia sẻ.
Chiều tháng Tư, tiết trời oi nóng khiến mùi hôi thối bốc lên từ các dòng kênh thủy lợi xã Vân Canh, huyện Hoài Đức càng thêm nồng nặc. Xung quanh, bà con đang cặm cụi múc những xô nước đen kịt để tưới lên những ruộng rau xanh.
Bà Y cũng thừa nhận, việc dùng nước thải ô nhiễm ở kênh mương để tưới rau sẽ ảnh hưởng tới chất lượng thực phẩm nhưng vì không có nước sạch nên người dân vẫn phải sử dụng nước bẩn, vì không thể bỏ đồng.
Cùng chung cảnh bất đắc dĩ phải sử dụng nguồn nước bẩn để tưới rau, bà Nguyễn Thị Th., thôn An Trai, xã Vân Canh cho biết, 10 năm về trước, ruộng làng còn cấy thì nguồn nước được cung cấp từ trạm bơm về. Nhưng từ khi đất nông nghiệp chuyển sang làm công nghiệp, hệ thống kênh mương theo đó bị lấp hết nên chẳng có giọt nước nào chảy về ruộng. Vì vậy, rau trồng phải tưới từ nguồn nước thải sinh hoạt trong làng chảy ra.
“Cô trồng rau ngải cứu nhưng cũng bỏ ruộng dài. Khi trời mưa có nước ẩm, cây tự mọc lên được. Nhưng khi nắng nóng lâu ngày, cô cũng phải lấy nước từ rãnh bên kia, vì cũng chả biết lấy nước đâu mà tưới cho cây. Nước này bẩn bởi nó chính là nước thải sinh hoạt chảy ra. Nhưng chịu chứ biết làm sao!,” bà Th. rầu rĩ nói.
Theo nghiên cứu của Viện Quy hoạch Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ năm 2005 đến nay, nguồn nước lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy bị ô nhiễm ngày càng tăng. Nhiều nơi, chất lượng nước bị ô nhiễm nặng, các thông số quan trắc chất lượng nước vượt quy chuẩn, không đủ điều kiện dùng cho tưới tiêu thủy lợi.
Kết quả quan trắc mới nhất tại 23 vị trí trên hệ thống thủy lợi sông Nhuệ – Đáy, thuộc địa bàn các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông và các huyện Thường Tín, Thanh Trì, Thanh Oai, Phú Xuyên, Ứng Hòa… cho thấy tất cả các thông số đều không đạt quy chuẩn cho phép.
Nhóm chuyên gia thực hiện nghiên cứu đưa ra khuyến cáo, “chất lượng nguồn nước sông không đủ điều kiện dùng cho tưới tiêu thủy lợi, bảo tồn động, thực vật thủy sinh. Trong đó, nước thải từ khu dân cư, từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, làng nghề, nước thải đô thị… được xác định là nguồn gây ô nhiễm cho hệ thống sông Nhuệ – Đáy.”
Hiện trên lưu vực sông Nhuệ – Đáy có khoảng hơn 250 nguồn thải lớn từ sản xuất công nghiệp, hoạt động của làng nghề, nước thải sinh hoạt của khu đô thị, 133 trạm dân sinh và hàng nghìn điểm thải nhỏ. Bình quân mỗi ngày đêm, lưu vực sông Nhuệ – Đáy phải tiếp nhận khoảng 710.000m3 nước thải sinh hoạt, 250.000m3 nước thải công nghiệp, 14.000m3 nước thải từ các cụm công nghiệp, 53.000m3 nước thải làng nghề, 1.300 điểm xả thải nhỏ…
Hiện trên lưu vực sông Nhuệ – Đáy có khoảng hơn 250 nguồn thải lớn từ sản xuất công nghiệp, hoạt động của làng nghề, nước thải sinh hoạt của khu đô thị, 133 trạm dân sinh và hàng nghìn điểm thải nhỏ.
Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông Hà Nội cho thấy, trên địa bàn thành phố có hơn 1.600 tuyến kênh cấp 1, cấp 2 dài hơn 2.850 km và hàng nghìn cống tưới tiêu nước. Ngoài ra, còn có gần 10.000 km kênh mương cấp 3, 18 hồ chứa nước, đập dâng do 5 công ty thủy lợi của thành phố quản lý, phục vụ tưới cho hơn 281.600 ha canh tác.
Song hiện nay, nguồn nước của hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố Hà Nội đang bị ô nhiễm và luôn biến động theo không gian, thời gian. Chỉ tính riêng trên tuyến kênh tiêu sông Cầu Bây, hiện có 38 điểm xả nước thải của thị trấn Trâu Quỳ, các xã Đa Tốn, Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm) và phường Việt Hưng, Sài Đồng, Phúc Lợi, Thạch Bàn (quận Long Biên)…
Theo kết quả phân tích chất lượng nguồn nước sông Cầu Bây của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội trong năm 2017, tất cả 16 thông số đều không đạt quy chuẩn cho phép, trong đó chỉ tiêu NH4 vượt từ 6,6 – 33,8 lần; dầu mỡ vượt 13,2 – 16,1 lần; coliform vượt 1,2 – 9,6 lần… Chất lượng nguồn nước sông không đủ điều kiện dùng cho tưới tiêu thủy lợi, bảo tồn động, thực vật thủy sinh.
Nhìn nhận từ góc độ chuyên gia, ông Lê Đức Năm, Phó Chủ tịch Hội Tưới tiêu Việt Nam cho rằng, việc xây dựng hạ tầng đô thị, cụm công nghiệp nổi lên sau khi hệ thống thủy lợi đã hình thành trong nhiều năm đã vô tình “tạo điều kiện” cho người dân và các doanh nghiệp chọn các kênh mương thủy lợi đã có sẵn để xả thải.
Theo ông Năm, nguồn xả thải đáng lo ngại nhất là các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp… không qua xử lý được xả thẳng ra sông, kênh mương thủy lợi.
Vị chuyên gia của Hội Tưới tưới tiêu cũng cho biết, sau khi có Luật quản lý tài nguyên nước, những vấn đề trong hệ thống thủy lợi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, nhưng tài nguyên nước nói chung lại do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý. Thế nên vẫn còn chồng chéo trong cách quản lý giữa hai bộ.
“Chưa nói đến các nguồn thải nguy hại từ các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, bây giờ chỉ cần đi dọc sông Tô Lịch thôi sẽ thấy còn rất nhiều điểm xả thải từ khu dân cư ra. Các dòng sông, kênh thủy lợi khác cũng vậy. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm nguồn nước ở trong các công trình thủy lợi. Một số nơi ô nhiễm rất nặng nề,” ông Năm nhấn mạnh.
Trước thực trạng trên, ông Năm cho rằng đã đến lúc cần phải phân cấp rõ ràng, cũng như quy trách nhiệm quản lý của các cấp bộ, ngành đối với nguồn nước trong và ngoài hệ thống thủy lợi đồng thời phải xác định được nguồn thải, xử lý nghiêm trước khi xả thải vào nguồn nước, hoặc có chế tài thật mạnh đối với hành xả thải.
Ngoài ra, trong hệ thống công trình thủy lợi như sông Nhuệ, sông Đáy, cơ quan quản lý cần có các giải pháp bổ sung nguồn nước để đảm bảo hài hòa lượng nước đủ pha loãng các chất xả thải cũng như đảm bảo nguồn nước sạch cung cấp cho nhu cầu sinh hoạt, tưới tiêu…
Tuy nhiên, vị đại diện Hội Tưới tiêu Việt Nam lưu ý, để thau rửa 1m3 nước ô nhiễm cần ít nhất 10m3 nước không ô nhiễm. Trong bối cảnh nguồn nước ngày càng cạn kiệt, việc bổ sung nguồn nước để thau rửa cho hệ thống sông Nhuệ, sông Đáy là rất khó. Vì vậy, việc cần thiết là phải xử lý triệt để nguồn gây ô nhiễm, xác định rõ trách nhiệm của các chủ nguồn thải, phải thu gom và xử lý tại nguồn trước khi thải vào hệ thống thủy lợi.
Đề cập đến việc người dân biết sử dụng nước bẩn tưới tiêu sẽ ảnh hưởng tới chất lượng rau những vẫn sử dụng, ông Năm cho rằng: “Trong lúc người dân còn nghèo, nguồn nước sạch còn hạn chế thì nông dân vẫn phải dùng nguồn nước bẩn để tưới cho cây trồng là điều khó tránh khỏi. Và, nhiều người dân bây giờ ‘rất khôn,’ họ trồng rau hay cây ăn quả cho gia đình ăn sẽ dùng nguồn nước sạch, còn đối với phần rau được tưới từ nước bẩn, họ sẽ mang đi bán. Rất khó đánh giá rau ngoài chợ được tưới từ nguồn nước bẩn hay không, nhiễm các độc tố không. Hơn nữa có một thực tế, rau muống trồng từ nước thải bệnh viện mọc rất nhanh, dài và non mướt, cũng là lý do cần phải nghĩ,” ông Năm chia sẻ.
Rất khó đánh giá rau ngoài chợ được tưới từ nguồn nước bẩn hay không, nhiễm các độc tố không. Hơn nữa có một thực tế, rau muống trồng từ nước thải bệnh viện mọc rất nhanh, dài và non mướt, cũng là lý do cần phải nghĩ…”
Vì thế, theo ông Năm, ngoài các biện pháp mạnh, chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu rằng “sử dụng nguồn nước bẩn là đang ‘giết chết’ họ.”
Vì vậy, với tình trạng ô nhiễm nguốn nước trong thành phố như hiện nay, các cấp quản lý phải có giải pháp để cấp nước cho người dân, phải giúp họ bỏ thói quen dùng nước bẩn để tưới rau. Vì thế, cần phải tuyên truyền để Nhà nước và nhân dân cùng phối hợp, tìm giải pháp hạn chế sử dụng nguồn nước bẩn.
Tuy nhiên, ông Năm cũng khẳng định để giải quyết được thực trạng trên là rất khó. Bởi, việc sử dụng nguồn nước ô nhiễm để tưới tiêu đã được đề cập từ nhiều năm qua, nhưng đến nay vẫn là câu chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi.”
Trong khi đó, đề cập đến vấn đề an toàn thực phẩm, ông Nguyễn Mạnh Phương- Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội khẳng định, nếu nguồn nước không đảm bảo thì tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến cây trồng, ô nhiễm cả đất.
“Chúng tôi cũng đã đi tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn cho nông dân về việc sử dụng nguồn nước sạch để tưới cho hoa màu. Vùng nào không có nguồn nước sạch thì phải dùng giếng khoan, chứ dùng nước bẩn tưới cho cây thì làm sao đảm bảo được,” ông Phương nói.
Với những vùng mà kênh thủy lợi đã bị ô nhiễm nặng như dọc sông Nhuệ, ông Phương cho biết đã khuyến cáo người dân cần lưu ý khai thác nguồn nước sạch đảm bảo tưới cho cây. Nước bị ô nhiễm sẽ thẩm thấu vào các sản phẩm, nhất là rau sống, có thể xuất hiện một số loại vi khuẩn gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
“Việc sử dụng nguồn nước ô nhiễm để tưới tiêu đã được đề cập từ nhiều năm qua, nhưng đến nay vẫn là câu chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi.”
Đồng quan điểm trên, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho rằng, vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường sông Nhuệ – Đáy đã được Hà Nội đặt ra trong nhiều năm nay. Hiện tại, thành phố đã và đang triển khai nhiều dự án để khắc phục tình trạng này, như Xây dựng Trạm bơm Liên Mạc, nạo vét lòng dẫn sông Nhuệ – Đáy, xây dựng hệ thống thu gom, trạm xử lý nước thải…
Tuy nhiên, để nguồn nước bảo đảm chất lượng phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường tuyên truyền để nâng cao ý thức cộng đồng trong bảo vệ môi trường các dòng sông, nhất là những người dân sinh sống dọc hai bờ sông.
Ngoài ra, để bảo đảm chất lượng nước cấp cho sản xuất nông nghiệp, Viện Quy hoạch thủy lợi cũng đã đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm triển khai xây dựng công trình đầu mối Liên Mạc để tăng dòng chảy cho lưu vực sông Nhuệ – Đáy.
Bên cạnh đó, có thể bổ sung nước vào sông Nhuệ – Đáy qua hệ thống thủy lợi Đan Hoài, Trạm bơm Săn, Trạm bơm Hồng Vân, Trạm bơm Thụy Phú… để thau rửa hệ thống.
Trước thực trạng nguồn nước tưới tiêu bị ô nhiễm “đáng báo động,” người tiêu dùng không khỏi lo lắng liệu các hệ thống sản xuất rau an toàn đang được cung trên địa bàn thành phố có được “an toàn.”
Về vấn đề này, Đặng Hồng Hải, Trưởng phòng nghiên cứu, Trung tâm nghiên cứu phát triển Kinh tế và Công nghệ, Liên hiệp các Hiệp hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam cho rằng, những lo ngại trên của công chúng là hoàn toàn dễ hiểu. Trên thực tế, để được quy hoạch thành vùng sản xuất rau an toàn, các cơ quan chức năng trước đó đã phải thẩm định vị trí khu vực trồng rau đảm bảo về điều kiện môi trường (như cách xa đường quốc lộ, xa khu sản xuất công nghiệp…), mẫu đất và mẫu nước đáp ứng được tiêu chuẩn theo quy định.
Từ một đại diện cung cấp ra an toàn trên địa bàn thành phố, ông Tô Văn Định, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Sơn Du, Nguyên Khê, Đông Anh cho hay, mỗi năm, Phòng kinh tế huyện Đông Anh vẫn lấy mẫu đất và mẫu nước tưới tiêu từ xã Sơn Du gửi đến Trung tâm phân tích, Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam để phân tích lại.
Trước thực trạng nguồn nước tưới tiêu bị ô nhiễm “đáng báo động,” người tiêu dùng không khỏi lo lắng liệu các hệ thống sản xuất rau an toàn đang được cung trên địa bàn thành phố có được “an toàn.”
“Kết quả phân tích phải đủ điều kiện, hợp tác xã mới được phép sản xuất rau an toàn,” ông Định nói.
Với những khu vực có nguồn nước mặt ô nhiễm, nếu người dân sử dụng nguồn tưới tiêu từ giếng khoan, ông Hồng Hải cho rằng vẫn có thể đủ điều kiện về nguồn nước khi đưa vào thẩm định, bởi ngay trong đất cũng có cơ chế lọc.
Tuy nhiên, ông này cũng cảnh báo, nguồn nước xả thải từ các bệnh viện không được xử lý là nguy hiểm nhất, bởi khi đó hệ thống tưới tiêu sẽ bị nhiễm khuẩn, có thể gây ra nhiều loại bệnh tật cho con người. Ngoài ra, nước xả thải trực tiếp từ các nhà máy công nghiệp với các chất độc hòa tan trong nước nếu nồng độ vượt ngưỡng và thời gian kéo dài, hệ sinh thái bị phá hủy, đất sẽ mất đi các hoạt tính sinh học, khi đó nồng độ chất độc sẽ đi vào trong cây thông qua cơ chế hút của rễ.
“Việc đưa rau an toàn ra ngoài thị trường có ‘an toàn’ hay không phụ thuộc nhiều ở công tác của các quản lý. Với tình trạng nguồn nước tưới tiêu bị nhiễm độc như hiện nay, việc giám sát cũng như thử mẫu nước, mẫu đất phải được làm định kỳ và nghiêm túc,” ông Hải nhấn mạnh./.
Hệ sinh thái bị phá hủy, đất sẽ mất đi các hoạt tính sinh học, khi đó nồng độ chất độc sẽ đi vào trong cây thông qua cơ chế hút của rễ.