Từ ngày 28/4 đến 6/5, mặn sẽ gia tăng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ ngày 28/4 đến 6/5, mặn sẽ gia tăng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Nguyên nhân là do lượng nước về thượng nguồn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bị sụt giảm, lại trùng với kỳ triều cường, do đó mặn sẽ gia tăng trong thời gian này.
Tổng cục Thủy lợi đề nghị các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chủ động có các biện pháp hạn chế ảnh hưởng của xâm nhập mặn đến cây trồng trong giai đoạn xâm nhập mặn tăng cao trên.
Theo thông tin dự báo mưa của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lượng mưa trong tháng 5-6 ở khu vực Trung bộ và lượng mưa trong tháng 5 khu vực Tây Nguyên và Nam bộ phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10-30%.
Thực tế, lượng mưa các tháng đầu năm 2019 ở các khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ bị thiếu hụt, một số nơi hầu như không mưa; tình trạng nắng nóng kéo dài cũng đã xảy ra ở một số địa phương. Thời tiết bất lợi là nguyên nhân xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước tại khu vực Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ.
Để giảm thiểu thiệt hại do ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, đặc biệt để bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất vụ Hè Thu, Mùa và sinh hoạt cho người dân, Tổng cục Thủy lợi đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố khu vực Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin dự báo khí tượng, thủy văn, xâm nhập mặn; thường xuyên kiểm kê nguồn nước.
Các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham khảo thông tin dự báo nguồn nước và xây dựng kế hoạch sử dụng nước trên các lưu vực sông do các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp đầu vụ sản xuất, hằng tháng/tuần để phục vụ trong chỉ đạo, điều hành cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt.
Các địa phương khoanh vùng cụ thể các diện tích có nguy cơ bị hạn hán, thiếu nước tại các khu vực đã bố trí sản xuất vụ Hè Thu, Mùa để xây dựng kế hoạch cấp nước cho từng hệ thống công trình thủy lợi.
Các khu vực chưa bố trí sản xuất cần xác định diện tích gieo trồng, tiến độ xuống giống phù hợp với điều kiện nguồn nước, các diện tích không bảo đảm đủ nguồn nước tưới cần xem xét lùi thời gian xuống giống đến khi có nguồn nước bảo đảm hoặc phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất.
Khi nguồn nước không đủ cung cấp cho toàn bộ nhu cầu dùng nước, các địa phương cần ưu tiên lượng nước còn lại cung cấp cho sinh hoạt, gia súc và cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao.
Địa phương cũng cần thực hiện các giải pháp thủy lợi bổ sung như đào ao, giếng, nạo vét hệ thống dẫn nước, lắp đặt các trạm bơm dã chiến để cung cấp nước cho các khu vực đang bị thiếu nước; cùng với đó là tăng cường sử dụng các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn.