Lợi dụng “tấm bùa” nạo vét khu vực bến khách ngang sông Hồng do tỉnh Hưng Yên cấp phép, từ giữa năm 2018 đến nay, nhiều doanh nghiệp đã sử dụng tàu hút cát công suất để “rút ruột” tài nguyên quốc gia.
Những năm gần đây, vấn nạn “cát tặc,” khai thác cát trá hình dưới hình thức “nạo vét” đã diễn ra nóng bỏng trên nhiều dòng sông, nhưng chưa được chấn chỉnh một cách quyết liệt, kịp thời và hiệu quả. Điều này đã gây hậu quả nghiêm trọng, làm sạt lở bờ sông, nhiều khu đất bãi, bờ xôi ruộng mật. Có nơi “cát tặc” bới tung cả đê điều, vườn tược, nhà cửa của người dân. Thậm chí, có nơi xảy ra xung đột, đổ máu.
Trước sức ép nêu trên, đầu năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phải trực tiếp yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải dừng toàn bộ hoạt động nạo vét, khơi thông luồng đường thủy nội địa, đồng thời không cấp phép mới cho các dự án nạo vét lòng sông.
Nhưng các dòng sông chỉ tạm yên bình trong một thời gian ngắn.
Hoạt động “nạo vét sông” mà thực chất là khai thác cát trá hình lại tiếp tục diễn ra với quy mô còn rầm rộ hơn trước. Kể từ khi quyền cấp phép nạo vét lòng sông được chuyển xuống cấp tỉnh, “phong trào ăn cắp cát” ngày càng diễn ra công khai. Cát từ lòng sông bị khai thác không giới hạn, một nguồn lượng lớn tài nguyên quốc gia cứ thế “chảy” vào túi cá nhân, doanh nghiệp…
Khu vực sông Hồng tại địa phận Hưng Yên, từ khi những Dự án nạo vét lòng sông được “khai sinh,” mà thực chất là hoạt động khai thác cát của đám “cát tặc” đã diễn ra sôi động hơn hẳn.
Nhiều doanh nghiệp lợi dụng “tấm bùa” nạo vét khu vực bến khách ngang sông Hồng do lãnh đạo tỉnh Hưng Yên cấp phép, từ giữa năm 2018 đến nay đã công khai điều động một lượng lớn phương tiện tàu hút cát công suất lớn (không đúng nội dung cam kết trong văn bản) ngày ngày “rút ruột” tài nguyên, khiến dòng sông quốc gia này ngày càng thêm rỗng.
Điều đáng nói là, hoạt động nạo vét- bản chất là khai thác cát trên đã diễn ra trong suốt thời gian dài, công khai dù các phóng viên trong đó có phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã nhiều lần thông tin tới lãnh đạo tỉnh Hưng Yên, nhưng tình trạng trên chẳng những bị ngăn chặn mà giấy phép vẫn tiếp tục được cấp thêm.
Thay vì tổ chức rà soát, chấn chỉnh vấn nạn khai thác cát trái phép núp sau những giấy phép nạo vét, nhiều giấy phép tương tự lại được ký, đóng dấu đã vô hình giúp công khai việc “ăn cắp tài nguyên” của “cát tặc.”
“No cát” nhờ “tấm bùa” nạo vét
Không còn là dòng sông “chở nặng phù sa,” làm nên những bãi bồi, bãi nổi màu mỡ ở vùng đồng bằng Bắc bộ, sông Hồng giờ đã trở thành “dòng sông thương đau,” bị băm bổ không thương tiếc bởi hoạt động khai thác cát bừa bãi, nạo vét khơi thông luồng lạch diễn ra rầm rộ suốt nhiều năm trời.
Chỉ tính riêng trên địa bàn hai huyện Khoái Châu và Kim Động, từ tháng 5/2018 đến nay, đã có ít nhất 3 dự án nạo vét các khu vực bến khách ngang sông Hồng, được Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên chấp thuận với lý do nhằm đảm bảo cho tàu, thuyền phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân.
Vậy nhưng, hình thức nạo vét này chỉ là “cái cớ,” bởi đằng sau đó là những “đại công trường” khai thác cát diễn ra cả ngày lẫn đêm.
Ghi nhận của phóng viên VietnamPlus vào thời điểm cuối tháng 3/2019, tại khu vực bến khách ngang sông Hồng (bến đò) thuộc địa phận xã Bình Minh cho thấy, nơi đây thường xuyên có 4-5 chiếc tàu hút cát công suất lớn không rõ số hiệu, không gắn biển báo đang cắm “vòi rồng” xuống lòng sông…
Theo quy trình, cát được hút từ lòng sông Hồng lên một chiếc sàng để lọc rác, đất đá, sau đó rác và đất đá được đổ lại xuống sông. Sau khi đã “ăn” đầy hàng, những chiếc tàu nhanh chóng di chuyển sang phía đối diện bến đò Bình Minh là một số bãi cát tại khu vực xã Tự Nhiên của huyện Thường Tín (Hà Nội) để đưa lên bãi. Có tàu di chuyển dọc tuyến sông Hồng xuôi xuống khu vực thành phố Hưng Yên.
Nhờ có “tấm bùa” nạo vét bến khách ngang sông, hoạt động nạo vét theo hình thức “cát tặc” này cứ thế diễn ra từ ngày này qua ngày khác trong suốt nhiều tháng trời. Tất nhiên cũng không hề bị lực lượng chức năng, tuần tra kiểm tra, xử lý.
Tìm hiểu được biết, ngày 28/12/2018, Công ty Cổ phần đầu tư và thương mại Quang Nam (do ông Trần Ngọc Tú làm Tổng Giám đốc) đã được Ủy ban Nhân dân xã Bình Minh, huyện Khoái Châu ký hợp đồng kinh tế số 02/2018/HĐ-KT để doanh nghiệp này đứng ra thực hiện nạo vét khu vực bến khách ngang sông.
Hoạt động nạo vét này của Quang Nam đã được tỉnh Hưng Yên đồng ý qua văn bản số 210/UBND-KT2, do ông Bùi Thế Cử-Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh ký ban hành vào ngày 28/1/2019 với những quy định cụ thể.
Theo đó, doanh nghiệp Quang Nam chỉ được phép tiến hành nạo vét từ ngày 1/2/2019 đến 31/5/2019 (từ 6 giờ sáng đến 18 giờ hàng ngày) với phương tiện sử dụng là 3 chiếc tàu hút mang logo Bình Minh I (công suất 95m3/ngày), Bình Minh II và Bình Minh III (công suất 80m3/ngày).
Trong quá trình nạo vét, doanh nghiệp cũng phải cắm phao tiêu, biển báo an toàn giao thông đường thủy nội địa; tập kết cát thu hồi tại bến bốc xếp, kinh doanh vật liệu xây dựng tại xã Bình Minh. Tổng khối lượng cát thu hồi là 20.044m3.
Vậy nhưng, trên thực tế, doanh nghiệp Quang Nam trong qua trình thực hiện nạo vét đã không công khai dự án; số tàu đăng ký khai thác mập mờ, vượt số lượng phương tiện và công suất, hoạt động khai thác cát diễn ra liên tục suốt ngày đêm. Có thời điểm, số tàu hút cát công suất lớn lên đến 4-5 chiếc, hoạt động ầm ĩ như một “đại công trường.”
Tương tự, là các hoạt động nạo vét tại khu vực bến khách ngang sông Hồng thuộc địa phận xã Tân Châu (Khoái Châu). Theo nội dung văn bản số 211/UBND-KT2 về việc xác nhận đăng ký khối lượng cát thu hồi trong quá trình thi công nạo vét khu vực bến khách ngang sông Hồng tại xã Tân Châu, do ông Bùi Thế Cử-Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên ký ban hành vào ngày 28/1/2019, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Minh Phương chỉ được sử dụng 3 tàu hút mang logo Tân Châu I (công suất 90m3/ngày), Tân Châu II và Tân Châu III (85m3/ngày); thời gian khai thác từ 6 giờ sáng đến 18 giờ hàng ngày…
Thế nhưng, thực tế hoạt động nạo vét lại khác. Tại khu vực này, thường xuyên 3-4 tàu hút cát công suất trên dưới 300m3, có tàu lên tới gần 1.000m3 hì hục cắm vòi rồng hút cát. Nghĩa là, doanh nghiệp đã sử dụng phương tiện tàu hút không đúng nội dung đăng ký (vượt công suất). Tàu hút cũng không có số hiệu để gây khó trong công tác kiểm tra số tàu theo đúng quy định.
Chính quyền, lực lượng chức năng ở đâu?
Ngược trở lại một năm trước, vào ngày 15/5/2018, ông Bùi Thế Cử-Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên cũng đã ký văn bản số 1254 về xác nhận việc đăng ký khối lượng cát thu hồi của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và dịch vụ Hoàng Anh, tại xã Mai Động, huyện Kim Động.
Theo nội dung của văn bản này, doanh nghiệp Hoàng Anh chỉ được phép sử dụng một tàu hút cát mang logo Hoàng Anh I, công suất hút là 80m3/ngày. Thời gian nạo vét là 52 ngày (không thi công vào các ngày lễ và chủ nhật), phương thức thi công hút trực tiếp lên bãi. Đồng thời phải cắm phao tiêu, biển báo an toàn giao thông…
Tuy nhiên, ghi nhận của phóng viên VietnamPlus vào những ngày cuối tháng 10/2018 cho thấy, tại khu vực nạo vét do doanh nghiệp Hoàng Anh triển khai, thường xuyên có 3-4 tàu hút cát công suất lớn từ 300m3 đến trên dưới 1.000m3. Những tàu hút cát này sau khi hút “no” cát lại nhổ neo tỏa đi khắp nơi, mà không hút thẳng lên bãi tập kết như nội dung trong văn bản.
Ngay sau khi phát hiện hiện trạng trên, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã thông tin tới ông Bùi Thế Cử-Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên để có giải pháp ngăn chặn, song thời gian sau đó, vấn nạn trên chưa được ngăn chặn, xử lý.
Chưa hết, sau đó chưa đầy 3 tháng, hai văn bản mới đã được “khai sinh” cho hai đơn vị, doanh nghiệp tư nhân triển khai thêm các dự án nạo vét mới. Cả hai đều được đóng dấu ngày 28/1/2019 và cùng do Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên Bùi Thế Cử ký.
Mặc dù, theo những nội dung tại các văn bản xác nhận việc đăng ký khối lượng cát thu hồi trong quá trình nạo vét dự án của các doanh nghiệp do ông Bùi Thế Cử ký ban hành đều có quy định nội dung được nạo vét, số lượng tàu, công suất, thời gian khai thác cùng với các quy định về phao cắm chỉ giới, minh bạch và có giám sát của người dân địa phương.
Nhưng khi chúng tôi tiếp cận với người dân địa phương thì bà con cho biết họ không hề nắm được bất kỳ thông tin gì về dự án, về doanh nghiệp, thời gian thực hiện dự án…
Thực tế, hoạt động nạo vét mà thực chất là lợi dụng “tấm bùa” nạo vét để khai thác cát một cách bừa bãi, không tuân thủ quy định của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên, luôn diễn ra rầm rộ như những “đại công trường” trong suốt nhiều tháng trời.
Không lâu sau, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên lại tiếp tục ký một lúc 2 văn bản xác nhận cho hai doanh nghiệp tư nhân triển khai thêm các dự án nạo vét mới. Và rồi, bằng những “tấm bùa” này, các doanh nghiệp đã nhanh chóng “hợp thức hóa” dự án nạo vét để vô tư “ăn cắp” tài nguyên.
Hãy thử hình dung, với phương tiện tàu hút vượt số lượng, công suất, khai thác liên tục suốt ngày đêm như thực tế chúng tôi phản ánh, thì chỉ trong vòng một ngày đã có hàng nghìn khối cát được lấy lên khỏi lòng sông, trong khi mỗi ngày các dự án chỉ được tận thu cát trong quá trình nạo vét với khối lượng dưới 300 khối cát.
Vậy gần 4 tháng nạo vét (theo thời gian xác nhận tại các văn bản), thì số cát được hút đi sẽ là con số khổng lồ, khó tưởng tượng chính xác và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến địa chất, môi trường sống của khu vực.
Nhiều người dân cũng bày tỏ nỗi bức xúc, lo lắng khi “cát tặc” hoạt động cả ngày cả đêm, làm ảnh hưởng đến giấc ngủ, cuộc sống của người dân.
Điều đáng nói là, trong suốt thời gian dài ghi nhận thực tế, mặc dù đã có nhiều lần trực tiếp gặp cơ quan chức năng có thẩm quyền để phản ánh (chính quyền các xã Bình Minh, Tân Châu, Mai Động; lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy-Công an tỉnh Hưng Yên) nhưng chúng tôi không hề thấy các sai phạm được kiểm tram, xử lý.
Ngay trong văn bản của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên có giao cho nhiều đơn vị, trong đó có giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, giám sát việc thực hiện của Ủy ban Nhân dân cấp xã và doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, nhưng thực tế cho thấy có dấu hiệu buông lỏng quản lý.
Và ngay cả khi trao đổi với phóng viên, một số doanh nghiệp đã thừa nhận trong quá trình tiến hành nạo vét “không tránh khỏi sai sót,” đồng thời công nhận thông tin, phản ánh của phóng viên là đúng thực tế.
Vậy tại sao lực lượng chức năng, các cấp có thẩm quyền lại không kiểm tra, phát hiện, để ngăn chặn, xử lý kịp thời theo đúng quy định của pháp luật mà tiếp tục buông lỏng để các doanh nghiệp tiếp tục công khai “rút ruột tài nguyên” đổ đầy túi cá nhân?
Bài liên quan:
- Tham vấn công chúng và phát huy dân chủ
- Đánh giá dịch vụ hệ sinh thái với phát triển kinh tế – xã hội ở Việt Nam
- Hệ sinh thái biển Việt Nam: Cơ hội phục hồi?
- Tình nguyện trồng cây bản địa ở New Zealand
- Xu hướng áp dụng thuế carbon và bài học cho Việt Nam
- Nhâm Dần 2022: Năm Hổ và câu chuyện nuôi hổ để “bảo tồn” tại Việt Nam
- Đồng bằng Sông Cửu Long: Trước nguy cơ dần biến mất