Ngày 23/4, UBND TP HCM tổ chức Hội nghị thông qua Đề án Phòng, chống khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ và vùng giáp ranh giữa thành phố và các tỉnh.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Lê Minh Dũng cho biết: Tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn huyện Cần Giờ trong giai đoạn 2015 – 2018 đã ở mức báo động, các đối tượng liều lĩnh tổ chức khai thác có quy mô, thường diễn ra rầm rộ, nhất là vào ban đêm, với nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm né tránh sự kiểm tra của các cơ quan chức năng, không chỉ gây mất an ninh – trật tự tại địa phương, ô nhiễm môi trường, nguy cơ sụt lún đất mà còn ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống và tính mạng của người dân.
Cụ thể, trong giai đoạn 2015 – 2018, đã phát hiện và xử lý 151 trường hợp khai thác, vận chuyển cát trái phép.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: Việc quản lý tình trạng khai thác cát trái phép là hết sức cấp bách, vì nó ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các sở, ngành TP HCM phối hợp với các địa phương giám sát các phương tiện hút cát, người điều khiển các phương tiện khai thác cát.
Các lực lượng chức năng cần sử dụng hệ thống camera giám sát các phương tiện khai thác cát trái phép để xử lý; bố trí các trạm và lực lượng chốt chặn ở các khu vực thường xuyên xảy ra khai thác cát trái phép; phối hợp với các địa phương tập trung xử lý các bến bãi tập kết vật liệu xây dựng cát, sỏi không phép; giám sát việc vận chuyển cát trên các tuyến sông, rạch…
Bên cạnh đó, với các tỉnh có tàu khai thác cát tập kết, ngoài việc ký kết quy chế phối hợp giữa các tỉnh cần hình thành Tổ công tác thường trực để trao đổi thông tin xử lý nhanh các trường hợp vi phạm.
Song song đó, hình thành Tổ công tác của TP HCM liên ngành để xử lý tình trạng khai thác cát trái phép.
Ngoài ra, TP báo cáo Bộ Xây dựng trong việc cân đối cung cầu vật liệu xây dựng như cho phép mở các mỏ khai thác, cũng như dùng vật liệu thay thế cát san lấp. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ cho lực lượng tham gia phòng, chống khai thác cát trái phép.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân và ghi nhận ý kiến của các đại biểu tại hội nghị để hoàn thiện đề án, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho biết, UBND TP sẽ làm việc với Bộ Xây dựng để nghiên cứu sử dụng vật liệu thay thế cát san lấp. Đồng thời, TP sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tăng cường truyền thông và vận động nhân dân phát hiện, tố giác các hoạt động vi phạm.
Áp dụng công nghệ giám sát khai thác khoáng sản trái phép
Trình bày Đề án Phòng, chống khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ và vùng giáp ranh giữa thành phố và các tỉnh, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP HCM cho biết, Đề án triển khai trên các tuyến sông thường xuyên xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép trên sông như sông Đồng Nai, Sài Gòn, Đồng Tranh, Soài Rạp, Lòng Tàu và trọng tâm là khu vực biển Cần Giờ.
Mục tiêu của đề án là tăng cường trao đổi thông tin, sự phối hợp giữa các sở, ngành của TP và các tỉnh giáp ranh nhằm thực hiện Quy chế phối hợp số 37/QCPH đã ký kết ngày 6/1/2017 giữa UBND TP và các tỉnh giáp ranh; giải quyết dứt điểm tình trạng khai thác cát trái phép, vận chuyển, kinh doanh cát không rõ nguồn gốc trên địa bàn TP. Đồng thời, đề án sẽ thực hiện điều tra, đánh giá trữ lượng cát xây dựng, san lấp trên địa bàn TP cũng như kế hoạch bảo vệ và khai thác, sử dụng hợp lý.
Để thực hiện đạt các mục tiêu đề ra, UBND TP và các tỉnh giáp ranh sẽ rà soát các quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực khoáng sản, giao thông thủy; xem xét đề xuất bổ sung, sửa đổi theo hướng tăng mức xử phạt đối với hành vi khai thác cát trái phép, kinh doanh, vận chuyển cát không rõ nguồn gốc hợp pháp; tăng cường các biện pháp xử lý, chế tài các phương tiện và người tham gia điều khiển phương tiện khai thác cát trái phép đảm bảo đủ sức răn đe nhằm phòng ngừa, tái diễn.
Một trong những giải pháp quan trọng là nghiên cứu đề xuất áp dụng công nghệ khoa học vào công tác quản lý, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, đầu tư trang thiết bị phù hợp, đáp ứng đa nhiệm vụ, đa mục tiêu phục vụ công tác tuần tra, kiểm tra trên sông, trên biển.
Định kỳ 6 tháng một lần tổ chức trao đổi thông tin, kinh nghiệm giữa các sở, ngành của thành phố và mỗi năm một lần giữa thành phố và các tỉnh giáp ranh.
Bàn về phòng chống khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ (giáp ranh các tỉnh và TP HCM), Thiếu tướng Phan Anh Minh – Phó Giám đốc Công an thành phố chỉ ra hàng loạt hạn chế.
Theo đó, hầu hết phương tiện vi phạm có tải trọng hơn 1.000 tấn bị bắt về hành vi này đều từ các tỉnh phía Bắc vào. Sau khi bị lập biên bản, họ không cư trú tại TP HCM nữa nên cơ quan chức năng ngại đi xác minh đầy đủ về nơi tiêu thụ, chủ phương tiện.
Từ đó chấp nhận xử lý theo trường hợp bắt quả tang, chỉ phạt cá nhân điều khiển phương tiện chứ chưa xử lý được chủ phương tiện.
“Cơ quan chức năng đã không vạch trần sự đối phó của doanh nghiệp khai thác cát trái phép. Doanh nghiệp lách luật bằng cách ký hợp đồng, cho thuê phương tiện để khi xảy ra chuyện thì đổ trách nhiệm cho cá nhân”, ông Minh nói.
Phó Giám đốc Công an TP HCM cũng thẳng thắn nhìn nhận “cần coi lại lực lượng” trong việc bắt giữ, xử lý tình trạng khai thác cát trái phép, như vụ vừa xảy ra có tiêu cực từ công an. Bản thân ông buộc phải cho 2 công an vi phạm thôi việc, hoặc không phân công công việc.