Bảo vệ rừng thiêng và ước mơ giản dị của trưởng bản

“Rừng ơi! Ta đã về đây, mang sức của đôi tay, lao động khó khăn không quản ngại. Rừng ơi! Trong tiếng ca hôm nay, vang lên cuộc đời sáng tươi trong tương lai!”.

Với những người dân ở các buôn, bản, thôn, làng trên khắp đất nước Việt Nam có cuộc sống gắn bó với những cánh rừng thì ca từ bài hát “Bài ca người thợ rừng” này của nhạc sĩ Phạm Tuyên thật gần gũi. Bởi với họ rừng không chỉ là cây cối, muông thú mà còn là không gian thực hành văn hóa, tín ngưỡng, tinh thần và sinh kế. Vì lẽ đó, bảo vệ được rừng cũng luôn là nỗi niềm đau đáu…

Luật Lâm nghiệp năm 2017 có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, lần đầu tiên đã công nhận cộng đồng dân cư là 1 trong 7 chủ rừng

Cũng như nhiều nơi trên thế giới, Việt Nam có rất nhiều khu rừng truyền thống. Loại hình rừng này hiện bao gồm: rừng tín ngưỡng (còn gọi là rừng thiêng), rừng nghĩa địa (rừng ma), rừng bảo vệ nguồn nước, chắn gió, chắn sóng, chắn cát, rừng khai thác chung, rừng danh nhân, rừng bảo vệ loài động thực vật đặc trưng của địa phương, rừng sản xuất truyền thống được phục hồi sau nương rẫy trong luân kỳ du canh…

Các khu rừng này được cộng đồng tự nguyện quản lý, bảo vệ và khai thác sử dụng trên nền kiến thức, văn hóa và luật tục truyền thống một cách bền vững. Có thể nói, phương thức quản trị rừng truyền thống này được thực hành và gìn giữ qua nhiều thế hệ trong cộng đồng, đóng góp rất lớn trong việc bảo tồn sự toàn vẹn của hệ sinh thái rừng và đóng góp cho mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học.

Ở những cánh rừng nơi tôi sinh sống…

Tuy nhiên, trong quá trình rừng được bảo vệ bởi vòng tay cộng đồng cũng có nhiều nỗi trăn trở song hành. Bằng câu chuyện chứa nhiều hoài niệm và nỗi niềm, trưởng bản Quang Văn Đồng ở Bản Hốc, xã Diễn Lam, huyện Quỳ Châu, Nghệ An kể về cánh rừng ở nơi mình sinh sống. Rằng, cánh rừng đó đã được các đời từ tổ tiên, ông cha truyền miệng cho con cháu là phải bảo vệ như con ngươi của mắt mình. Theo lời ông cha, các lớp con cháu hậu sinh của Bản Hóc đã cùng nhau xây dựng hương ước  bảo vệ rừng.

“Hương ước của bản chúng tôi có các điều cấm, đó là cấm đốt rừng làm nương rẫy, cấm vào rừng đặt bẫy, săn bắt động vật rừng, cấm chặt phá, buôn bán gỗ rừng, sản phẩm rừng. Người dân bản có thể lấy sản phẩm từ rừng về làm thực phẩm phục vụ đời sống hàng ngày nhưng tuyệt đối không mua bán. Nguồn thu từ mật ong và các loại hạt do rừng mang lại là rất lớn nên người dân chúng tôi rất có ý thức bảo vệ rừng để không bị mất nguồn sinh kế” – Trưởng bản Quang Văn Đồng cho biết.

Câu chuyện của anh Quang Văn Sơn là một ví dụ. Khi có nhu cầu dựng nhà sau khi ra ở riêng, anh Quang Văn Sơn phải viết đơn trình bày với Ban quản lý bản. Sau khi được bản thông qua, gia đình anh Sơn mới được phép vào rừng chặt gỗ. Trong thời gian chặt hạ cũng như đưa gỗ về dựng nhà, các thành viên trong Ban quản lý bản Hốc thường xuyên giám sát chặt chẽ để tránh người dân lợi dụng việc làm nhà khai thác gỗ về bán.

Được biết, ở bản Hốc, mỗi tuần trưởng bản cắt cử ra 5 hộ đi giám sát rừng, cứ thế luân phiên trong bản. Hàng tháng, luôn có cuộc họp bản trao đổi và tuyên truyền về vấn đề bảo vệ rừng cho người dân.

“Chúng tôi yêu cánh rừng của mình là vậy, thế nên khi nhà nước có chính sách giao đất rừng cho dân, người dân Bản Hốc chúng tôi đã phản đối vì chúng tôi nghĩ rừng là sản phẩm của chung và không thể nào rừng có thể do ai độc chiếm để toàn quyền sử dụng và khai thác. Vì thế, chúng tôi mong muốn Nhà nước tạo điều kiện để cộng đồng người dân có thể chung tay giữ rừng và bảo vệ được những cánh rừng cộng đồng như ngàn đời nay vẫn vậy” – Trưởng bản Quang Văn Đồng bày tỏ.

Ông Quang Văn Đông – Trưởng bản Hốc bên cánh rừng cấm

Mang những tâm tư đến từ hai cánh rừng là rừng thiêng và rừng cộng đồng (với tổng diện tích là 335.16 hecta) của bản Chu Lìn, Hồ Thầu, Tam Đường, Lai Châu, ông Phan A Diu trưởng bản cho biết, cánh rừng thiêng được tổ tiên ông cha giao lại với lời dặn một năm chỉ mở cửa rừng một ngày vào ngày 1/3 âm lịch hàng năm và trước khi mở cửa rừng phải làm lễ cúng rừng trong đó mỗi hộ góp con gà, hũ rượu.

“Trong rừng thiêng có rất nhiều sản phẩm quý như nấm, mật ong, mây, nhưng nhớ lời dạy của tổ tiên, người dân không bao giờ dám tự động khai thác”, ông Phan A Diu nói.

Còn với cánh rừng cộng đồng, để bảo vệ rừng bản Chu Lìn thành lập tổ chuyên trách bảo vệ rừng mỗi hộ cử một thành viên tham gia. Vào mùa khô từ tháng 12 năm nay đến tháng Tư năm sau là thời điểm dễ phát sinh cháy rừng, tổ cắt cử người đi tuần tra hàng ngày. Cánh rừng cộng đồng cũng có nhiều sản vật rừng quý mà người dân được trực tiếp hưởng lợi theo quy ước cộng đồng nên rất hăng hái bảo vệ rừng.

Ông Phan A Diu cho biết: “Nhờ có rừng mà đời sống người dân bản được cải thiện hơn rất nhiều, song hiện nay số lượng dân bản ngày càng đông (tại bản có 128 hộ sinh sống với 685 nhân khẩu) trong khi diện tích định cư thì không đủ dẫn tới tình trạng có một số hộ lấn chiếm đất rừng để dựng nhà ở.

Việc chưa có cơ sở để tự quản lý và bảo vệ rừng nên cộng đồng bản không có cách nào để ngăn chặn tình trạng này. Chính vì thế bản chúng tôi đã có kiến nghị lên các cấp huyện, tỉnh mở rộng, quy hoạch thêm diện tích để người dân có chỗ ở nhằm hạn chế tình trạng lấn chiếm rừng để xây nhà ở”.

Để niềm tin đứng vững 

Từ những lời nói tâm huyết của hai trưởng bản có thể thấy nguyện vọng giữ rừng và khả năng bảo vệ rừng của người dân là có thật. Nhưng hiện nay có một thực tế là tại nhiều địa phương, các cơ quan quản lý vẫn còn những định kiến hoặc ngần ngại hoặc không ủng hộ giao đất – giao rừng cho cộng đồng vì thiếu đi niềm tin, hoặc lo ngại rằng, sau khi giao rừng sẽ mất.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, năm 2018 Việt Nam có 1.145.601ha rừng do cộng đồng dân cư tham gia quản lý (chiếm gần 8%), trong đó rừng tự nhiên là 1.048.765ha, rừng trồng 96.836ha. Nhưng chỉ có 524.477ha rừng đã có quyết định giao cho trên 10.000 cộng đồng, điều đó cho thấy diện tích rừng mà cộng đồng được thực sự “làm chủ” là còn khá ít so với diện tích họ đang quản lý, càng ít hơn nhiều so với diện tích của các chủ rừng khác.

Việc cộng đồng tham gia quản lý rừng nhưng không được giao quyền làm chủ, kể cả ở những khu rừng được quản lý theo truyền thống, luật tục của đồng bào dân tộc thiểu số đang gây khó khăn cho tổ chức quản lý, phát triển, sử dụng và phục hồi rừng của cộng đồng địa phương, đồng thời là nguy cơ gây mất, suy thoái rừng.

“Việc cộng đồng tham gia quản lý rừng nhưng không được giao quyền làm chủ, kể cả ở những khu rừng quản lý theo truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số đang gây khó khăn cho tổ chức quản lý, phát triển và phục hồi rừng của cộng đồng địa phương. Đồng thời là nguy cơ gây mất rừng và suy thoái rừng” – ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên bày tỏ lo ngại.

Để giải quyết vấn đề trên, Luật Lâm nghiệp 2017 có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, lần đầu tiên đã công nhận cộng đồng dân cư là một trong 7 chủ rừng. Đây là bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy quản lý rừng cộng đồng, hướng tới bảo vệ bền vững các khu rừng tự nhiên và góp phần cải thiện sinh kế cộng đồng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh vẫn còn những định kiến về “giao đất, giao rừng,” Luật Lâm nghiệp liệu có giúp cộng đồng trở thành những người chủ rừng thực sự, khi rừng tự nhiên vẫn thuộc quyền sở hữu của nhà nước? Nhà nước cần làm gì để đảm bảo rằng quản lý rừng cộng đồng được thực hiện một cách hệ thống, chuyên nghiệp? Nhà nước cần làm gì để đảm bảo rằng quản lý rừng cộng đồng được thực hiện một cách hệ thống, chuyên nghiệp? Đó là những câu hỏi đặt ra cần sớm có lời giải đáp.

Đừng để công sức giữ rừng của người dân mất trắng

Theo đánh giá của giới chuyên gia nghiên cứu về rừng, nếu chiếu theo quy định, “rừng tự nhiên” là tài sản công, Nhà nước đại diện chủ sở hữu thì công sức của người dân được giao rừng gần như mất trắng mà trường hợp rừng cộng đồng Vi Chring ở xã Hiếu (Kon Tum) là một ví dụ.

Năm 2008, cộng đồng thôn được nhận 808,8 hécta rừng sản xuất là rừng tự nhiên với mục tiêu thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ, làm giàu rừng, phát triển lâm sản ngoài gỗ và sử dụng rừng bền vững.

Tuy nhiên, tuyên bố “đóng cửa rừng tự nhiên” của Chính phủ từ năm 2010 vô hình chung đã khóa chặt cơ hội được hưởng lợi của cộng đồng này khi không cơ quan nào “dám” phê duyệt cho họ khai thác dù là theo thiết kế bền vững.

Thậm chí, rất nhiều các hộ gia đình được giao rừng tự nhiên đều muốn chặt rừng để thành rừng sản xuất, rừng trồng bởi đơn giản, với rừng trồng, họ được thừa nhận quyền sở hữu đối với rừng.

Nguồn: