Vừa qua, Báo Hànộimới đã có bài viết về việc gia tăng tình trạng đổ trộm chất thải rắn ở Hà Nội, nhất là tại các dự án đang triển khai, đê điều, công trình thủy lợi, đất sản xuất nông nghiệp…
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do công tác quản lý nhà nước về chất thải rắn xây dựng của chính quyền một số địa phương còn lơi lỏng, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn chưa cao.
Để việc quản lý chất thải rắn xây dựng trên địa bàn thành phố đạt hiệu quả đòi hỏi các cơ quan chức năng kiên quyết hơn trong xử lý các hành vi vi phạm.
Khảo sát của phóng viên tại một số quận, huyện trên địa bàn, không khó để bắt gặp những đống chất thải rắn xây dựng đổ tràn lan trên đường.
Nhiều nhất phải kể đến các tuyến đê, lòng sông và đường ven đô. Tại tuyến đê tả Đáy qua xã Cao Viên (Thanh Oai); phường Đồng Mai, Yên Nghĩa (Hà Đông); xã Đông La, An Thượng, Song Phương (Hoài Đức), một lượng lớn chất thải rắn xây dựng đổ tràn lan, có đoạn kéo dài tới gần 100m.
Trong đó, vi phạm xảy ra nhiều nhất là đoạn qua xã Song Phương với từng “núi” chất thải rắn xây dựng đổ tràn lên thân đê.
Không những thế, một số hộ còn san gạt chất thải rắn xây dựng để tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng. Ông Nguyễn Văn Toàn, thôn Phương Viên, xã Song Phương cho biết, 4 năm gần đây, chất thải rắn xây dựng liên tục bị đổ tại triền đê tả Đáy (đoạn giáp Đại lộ Thăng Long đến Nghĩa trang liệt sĩ xã Song Phương).
Mặc dù UBND xã đã cắm biển “cấm đổ chất thải rắn xây dựng” tại tuyến đê này, nhưng nhiều người vẫn cố tình đổ (!?).
Tương tự, tại tuyến đê hữu Hồng, đê tả Đuống qua địa bàn các quận, huyện, thị xã: Tây Hồ, Sơn Tây, Thanh Trì, Gia Lâm… cũng đang diễn ra nạn đổ trộm chất thải rắn xây dựng với khối lượng lớn.
Không chỉ đổ lên các tuyến đê, nhiều đối tượng còn đổ trộm chất thải rắn xây dựng xuống lòng sông, cản trở dòng chảy. Đơn cử, lòng sông Đáy đoạn giáp cầu Tân Phú và cầu Đại Thành (Quốc Oai, Hoài Đức), 1 đoạn qua địa phận xã Vân Côn (Hoài Đức)… đang bị co hẹp lại do lượng lớn chất thải rắn xây dựng đổ xuống đây.
Theo thống kê của Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội, từ năm 2018 đến nay, trên toàn địa bàn thành phố xảy ra 35 vụ vi phạm đổ vật liệu, chất thải rắn xây dựng lên phạm vi bảo vệ đê.
Còn tại một số quận, chất thải rắn xây dựng được đổ ở bất cứ đâu như: Bãi đất trống, vỉa hè, lòng đường… Trong đó, bãi đất trống gần đường Cương Kiên, phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) là một ví dụ.
Theo quan sát, đây không phải là điểm tập kết, nhưng hàng nghìn mét khối chất thải rắn xây dựng được đổ ở đây khiến người dân khu vực rất bức xúc.
Tương tự, đường gom Đại lộ Thăng Long qua quận Nam Từ Liêm hay một số ngõ, phố thuộc quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông… cũng luôn lưu cữu lượng lớn chất thải rắn xây dựng gây bụi bẩn, nhếch nhác, mất mỹ quan.
Vi phạm nhiều nhưng không được xử lý khiến dư luận đặt câu hỏi phải chăng chính quyền sở tại và cơ quan chức năng làm ngơ trước vi phạm?
Quản lý chặt theo phân cấp
Trong khi đó, trên địa bàn thị xã Sơn Tây chưa có điểm tập kết chất thải rắn xây dựng nào khiến việc thu gom, xử lý chất thải rắn xây dựng theo chỉ đạo của UBND thành phố khó thực hiện.
Còn Trung tá Hoàng Văn Nam, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ, Công an quận Hà Đông cho hay: “Với quyết tâm xử lý nghiêm đối với hành vi đổ trộm chất thải rắn xây dựng và chở vật liệu xây dựng không che chắn, từ tháng 12-2018 đến nay, Công an quận đã bắt được 15 vụ, xử phạt 121 triệu đồng.
Tuy nhiên, vi phạm vẫn tái diễn ở một số phường, do hầu hết các đối tượng đổ trộm chất thải rắn xây dựng rất liều lĩnh, nên kể cả khi bắt được quả tang, việc xử phạt cũng không dễ”.
Trước thực trạng phế thải xây dựng đổ tràn lan, ngày 16-5-2017, UBND thành phố Hà Nội đã có Chỉ thị 07/CT-UBND về “Tăng cường quản lý phá dỡ, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn xây dựng trên địa bàn thành phố”.
Theo đánh giá của Sở Xây dựng, việc thực hiện Chỉ thị này chưa thực sự đạt kết quả do UBND các quận, huyện, thị xã chưa quyết liệt trong công tác quản lý chất thải rắn xây dựng trên địa bàn theo phân cấp…
Để khắc phục tồn tại, từng bước quản lý hiệu quả chất thải rắn xây dựng, cuối tháng 3-2019 vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã giao Sở Xây dựng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm về đổ trộm chất thải rắn xây dựng trên địa bàn.
UBND thành phố sẽ trình HĐND thành phố ra nghị quyết yêu cầu Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện, thị xã khi cấp phép xây dựng yêu cầu các chủ công trình xây dựng phải xuất trình hợp đồng vận chuyển, xử lý phế thải nghiền theo quy định.
Theo đó, Sở Xây dựng đã tham mưu cho UBND thành phố chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã quản lý chặt khối lượng chất thải rắn xây dựng theo phân cấp quản lý tại Thông tư 08/2017/TT-BXD, ngày 16-5-2017, của Bộ Xây dựng quy định về quản lý chất thải rắn xây dựng.
Ông Đồng Phước An, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Bên cạnh yêu cầu kiểm soát chặt ngay từ nguồn thải, đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý các trường hợp vi phạm, ngăn chặn tình trạng đổ trộm bừa bãi chất thải rắn xây dựng.
Hy vọng với sự quyết tâm kể trên, công tác quản lý chất thải rắn xây dựng sẽ sớm đi vào nền nếp, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng sạch đẹp, văn minh.