Mặc dù đòi hỏi vốn đầu tư cao nhưng giá thu mua năng lượng điện mặt trời tại Việt Nam lại gần như thấp nhất thế giới.
Đó là lý do hiện tại vẫn chưa có nhiều nhà đầu tư tư nhân “dũng cảm” đầu tư vào lĩnh vực này .
Thực tế, sau khi giá bán điện mặt trời được Chính phủ điều chỉnh tăng lên mức 9,35 cent/kWh vào tháng 4/2017, tại thời điểm đó, trung bình mỗi tháng có 9 dự án sản xuất và phân phối điện gió và điện mặt trời được đăng ký.
Giá điện chưa đủ hấp dẫn nhà đầu tư
Đến cuối năm 2018, cả nước đã có 121 dự án điện mặt trời được bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, với tổng công suất phát dự kiến trước năm 2020 là 6.100MW.
Dù tiềm năng được đánh giá là đáng kể, song điện mặt trời vẫn đang khiến giới chuyên gia cũng như dư luận băn khoăn, lo ngại. Đó là để được hưởng mức giá bán điện mặt trời 9,35 cent/kWh trong thời gian 20 năm theo quy định của Chính phủ, các dự án điện mặt trời phải vào vận hành thương mại trước ngày 30/6/2019, riêng tỉnh Ninh Thuận đã được gia hạn tới hết năm 2020.
Suất đầu tư truyền tải của năng lượng điện mặt trời cao gấp 3 lần so với thông thường.
Tuy nhiên, theo Quyết định 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ, mức giá này chỉ áp dụng cho các dự án nối lưới có hiệu suất của tế bào quang điện lớn hơn 16%, hoặc modun lớn hơn 15%. Thông tư 16/2018/TT-BCT cũng đưa ra yêu cầu dự án điện mặt trời nối lưới có diện tích sử dụng đất lâu dài không quá 1,2ha/MWp.
Theo các chuyên gia, quy định về hiệu suất của tế bào quang điện và diện tích đất sử dụng các dự án điện mặt trời hiện chưa có chủ thể giám sát.
Diện tích đất tuy có thể dễ dàng giám sát khi doanh nghiệp được địa phương cấp quyền sử dụng đất với công suất lắp đặt thực tế của dự án, nhưng ai là đơn vị giám sát hay hậu kiểm, thông tư của Bộ Công Thương không chỉ rõ.
Yêu cầu hiệu suất của tế bào quang điện cũng nan giải không kém về phần kiểm định.
Thêm vào đó, cơ sở hạ tầng ngành điện, cụ thể là đường truyền tải điện hiện nay có đáp ứng được việc hòa lưới điện quốc gia của các nhà máy năng lượng mặt trời, đến nay vẫn đang là câu hỏi bỏ ngỏ.
Một động thái mới đây của Bộ Công Thương liên quan đến vấn đề này, là Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã đề nghị Chính phủ cho phép thực hiện đầu tư xã hội hóa một số công trình lưới điện truyền tải có chức năng thu gom công suất các dự án điện gió, điện mặt trời từ các chủ đầu tư những dự án này.
Đối với các điểm nút truyền tải quan trọng, sau khi công trình đi vào vận hành, cho phép chủ đầu tư bàn giao lại cho ngành điện quản lý, vận hành.
Tuy nhiên, suất đầu tư truyền tải của năng lượng điện mặt trời cao gấp 3 lần so với thông thường.
Nghĩa là, để truyền cùng sản lượng điện (tính bằng kWh), công suất truyền tải (tính bằng kVA) phải gấp 3 lần, kéo theo chi phí gấp 3 lần so với thông thường, chi phí này ai sẽ gánh chịu?
“Cuộc chơi” đắt đỏ
Theo ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, để khuyến khích thu hút đầu tư trong lĩnh vực điện mặt trời, cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện chính sách; Nghiên cứu cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất điện mặt trời và các hộ tiêu thụ lớn có mong muốn dùng điện từ nguồn năng lượng này. Đồng thời, thí điểm cơ chế đấu giá điện mặt trời, tiến tới áp dụng cơ chế này cho các nguồn điện năng lượng tái tạo khác.
Cũng theo ông Ngãi, một điều kiện then chốt là phải định giá chính xác nguồn điện sản xuất. Hiện nay, các phương thức phân bổ rủi ro hợp đồng đối với điện mặt trời và điện gió theo cơ chế PPA đang làm dấy lên những quan ngại về tính khả thi từ các bên cấp vốn quốc tế, nước ngoài và cả nhà đầu tư tư nhân về giá điện.
Trong khi đó, theo nhà đầu tư, Nhà nước vẫn phải hỗ trợ ngành than, đánh thuế cao đối với nguồn khí đốt nhập khẩu, khiến giá bán điện thấp hơn giá thành, dẫn đến lãng phí lớn.
Với trữ lượng nhiên liệu hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt, năng lượng tái tạo được coi là đích đến của tương lai, trong đó năng lượng mặt trời chiếm phần lớn, khoảng 47%, kế đến là điện gió 34% và thủy điện 15,5%.
Đây cũng có thể xem là cuộc chơi đắt đỏ, đòi hỏi toàn bộ xã hội phải chấp nhận đánh đổi quyền lợi trong ngắn hạn.
Tại Việt Nam, mức giá điện hiện tại vẫn được cho là thấp so với giá chung của thế giới. Liệu chúng ta có dám chịu mức giá điện thị trường, được cho là cao hơn nhưng sạch hơn hay không?