Là địa phương tập trung hơn 90% trữ lượng titan của cả nước, tỉnh Bình Thuận lẽ ra phải nhận được nhiều nguồn lợi từ loại khoáng sản dồi dào và quý hiếm này nhưng do công tác quy hoạch, quản lý, khai thác còn nhiều bất cập nên titan đang là “thủ phạm” gây ra không ít bức xúc tại địa phương.
Tan hoang vì titan
Những ngày này, đi dọc tuyến đường ven biển từ huyện Bắc Bình đến TP Phan Thiết (Bình Thuận) có thể dễ dàng gặp những khung cảnh tan hoang, nhếch nhác.
Nhiều đồi cát đang bị đào bới nham nhở, sâu hoắm; máy móc, lều trại ngổn ngang; những cánh rừng ven biển chết rũ, trơ trụi; mỗi khi có cơn gió tràn qua, cát từ các công trường cuốn lên mù mịt, ném vào mặt người đi đường, xộc lên mũi, vào họng.
Ông Trần Văn Nam, ở xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình than thở: “Từ khi có doanh nghiệp về khai thác titan, cuộc sống của chúng tôi bị đảo lộn. Không khí ô nhiễm, nguồn nước cạn kiệt, cây cỏ không sống nổi”.
Theo đánh giá của các bộ, ngành chức năng, trữ lượng quặng titan trên địa bàn Bình Thuận đạt gần 600 triệu tấn, nằm trên diện tích rộng khoảng 101.227ha, chủ yếu tập trung tại các đồi cát, rừng phòng hộ ven biển.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 14 khu vực được Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Bình Thuận cấp phép thăm dò, khai thác, chế biến. Có 4 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động, gồm: Công ty TNHH Phú Hiệp, Công ty TNHH Đức Cảnh, Công ty TNHH Đầu tư Sài Gòn và Công ty TNHH Tân Quang Cường.
Tuy nhiên, thời gian qua, khi tiến hành thanh tra, kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng loạt sai phạm tại các doanh nghiệp này, cụ thể: Công ty TNHH Đức Cảnh vi phạm về thiết kế khai thác, không thực hiện đúng nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường, khai thác ra ngoài diện tích cho phép gần 1.500m².
Công ty TNHH Đầu tư Sài Gòn khai thác titan ở khu phố Long Sơn, phường Mũi Né (TP Phan Thiết) khi chưa có giấy phép khai thác sử dụng các nguồn nước, chưa nộp tiền cấp quyền khai thác và nộp thuế tài nguyên, lập bản đồ hiện trạng khai thác không đúng thực tế.
Công ty TNHH Tân Quang Cường với dự án mỏ titan ở Nam Suối Nhum, huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận) chưa có giấy phép khai thác sử dụng nước mặt…
Không chỉ vi phạm về thiết kế, bảo vệ môi trường, một số doanh nghiệp còn không đóng các khoản phí bảo vệ môi trường khai thác khoáng sản, phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp theo quy định.
Bên cạnh đó, hoạt động khai thác lậu titan thời gian qua cũng xảy ra khá phổ biến, gây bức xúc tại địa phương.
Cần sớm khai thông “điểm nghẽn”
Theo quy hoạch của Chính phủ, diện tích thăm dò, khai thác, chế biến titan đến năm 2020, có xét tới năm 2030 tại Bình Thuận là 19.527ha, đưa vào dự trữ là 82.700ha, những diện tích này không được sử dụng vào mục đích khác khi chưa có ý kiến của Chính phủ, của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Tuy nhiên, hầu hết diện tích thăm dò, khai thác, dự trữ titan trên đều chồng lấn vào các quy hoạch ngành về phát triển đô thị, năng lượng, du lịch, nông-lâm nghiệp theo “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Bình Thuận” đã được Chính phủ phê duyệt, đều là những “khu đất vàng” mà các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, bất động sản, năng lượng sạch đang triển khai dự án hoặc mong muốn đầu tư.
Ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết: “Hiện Bình Thuận có 3 dự án trọng điểm phát triển du lịch gồm: Dự án đầu tư Khu đô thị du lịch biển TMS Hòa Thắng-Mũi Né của Công ty Cổ phần Toàn cầu TMS; dự án đầu tư Khu du lịch nghỉ dưỡng Dubai Việt Nam của Công ty TNHH Dịch vụ du lịch và thương mại nông thị Dubai; dự án Trung tâm Dịch vụ du lịch Hàm Tiến-Mũi Né của Công ty Cổ phần Tư vấn-Thương mại-Dịch vụ địa ốc Hoàng Quân với tổng diện tích 2.500ha, vốn đầu tư gần 40.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, các dự án này đều có diện tích chồng lấn vào khu vực quy hoạch thăm dò, khai thác, dự trữ titan của Chính phủ. Điều này không chỉ gây khó khăn cho danh nghiệp mà còn ảnh hướng lớn tới chính sách đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh”.
Công nghệ khai thác, chế biến quặng titan tại Bình Thuận hiện còn lạc hậu, tiêu tốn nhiều nhiên liệu, đặc biệt là nước. Hầu hết các mỏ quặng nằm dưới đồi cát ven biển, cách xa sông, hồ. Để có nước tuyển quặng, các doanh nghiệp đều phải dùng nước giếng khoan.
Với một tỉnh vốn khô hạn, thiếu nước triền miên như Bình Thuận thì việc khai thác nước ngầm ồ ạt để tuyển quặng khiến tình trạng khô hạn, sa mạc hóa tại địa phương ngày càng nghiêm trọng, hầu hết quặng titan sau khi khai thác chỉ xuất thô, giá thành thấp.
“Với giá bán chỉ khoảng 700.000 đồng/tấn như hiện nay cộng với công nghệ chế biến, khai thác lạc hậu thì ngành công nghiệp sản xuất titan tại Bình Thuận rất kém hiệu quả, vừa gây lãng phí tài nguyên, vừa tác động tiêu cực nhiều mặt tới môi trường, kinh tế-xã hội.
Vì thế, chúng ta nên giữ lại titan trong lòng đất để sau này khai thác, chế biến bằng công nghệ tốt hơn và chuyển những diện tích có titan sang phát triển các ngành kinh tế khác cho hiệu quả”, một chuyên gia về năng lượng nhận định.
Nhằm tháo gỡ khó khăn, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận đã có nhiều văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan sớm điều chỉnh quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến titan trên địa bàn tỉnh.
Mới đây, tại buổi làm việc với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tỉnh ủy Bình Thuận tiếp tục đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm quan tâm xem xét, cho chủ trương giải quyết vấn đề này. “Do quy hoạch tại Quyết định số 1546/QĐ-TTg và Quy hoạch dự trữ khoáng sản theo Quyết định số 645/QĐ-TTg liên quan đến nhiều địa phương và rất nhiều loại khoáng sản, trong khi việc điều chỉnh trên địa bàn tỉnh Bình Thuận chỉ tập trung vào khoáng sản titan.
Nếu chờ điều chỉnh một lần cho tất cả thì sẽ rất lâu, trong khi nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, sử dụng hiệu quả tài nguyên đang rất bức xúc. Vì thế Ban Thường vụ Tỉnh ủy kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến với Chính phủ quan tâm cho chủ trương điều chỉnh để địa phương làm cơ sở triển khai, thực hiện”, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận kiến nghị.