Sau nhiều dư luận không thuận với việc dự án Marina Complex lấn sông Hàn thô bạo, Sở Xây dựng Đà Nẵng gửi văn bản khẳng định dự án Bất động sản và Bến du thuyền Đà Nẵng tại quận Sơn Trà là đúng quy hoạch.
Còn các chuyên gia thủy lợi, quy hoạch tiếp tục bảo lưu ý kiến rằng dự án xây dựng như vậy sẽ gây hại cho cả dòng sông lẫn dự án.
Dự án… đúng quy hoạch
Trước những ý kiến nghi ngại dự án Marina Complex, tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng lấn sông Hàn, và khả năng gây hại cho dòng sông, chiều 17.4, Sở Xây dựng Đà Nẵng đã có văn bản trả lời báo chí liên quan đến quy hoạch dự án này.
Cụ thể, Sở Xây dựng cho biết, dự án đã được UBND thành phố phê duyệt nhiều lần, trong đó sơ đồ ranh giới tại Quyết định số 6652/QĐ-UBND ngày 28.8.2009, diện tích là 175.012m2, bao gồm sử dụng đất phần đất liền 105.520m2; phần mặt nước: 69.492m2… do Tập đoàn VinaCapital nghiên cứu dự án.
Sau đó, Tập đoàn VinaCapital đã chuyển nhượng cổ phần của Công ty TNHH Bất Động sản và Bến du thuyền Đà Nẵng cho Công ty Quốc Cường Gia Lai tiếp tục thực hiện.
Qua các lần điều chỉnh quy hoạch tại năm 2015 và lần gần đây nhất tại Quyết định số 5197/QĐ-UBND ngày 15.9.2017, dự án được điều chỉnh quy hoạch phần diện tích đất mặt nước, cầu tàu giảm còn 10.000m2, diện tích cây xanh được tăng lên…
Theo Sở Xây dựng Đà Nẵng, tuyến đê, kè Mân Quang được Sở Nông nghiệp và Nông thôn thành phố Đà Nẵng tổ chức lập quy hoạch trên cơ sở khảo sát địa hình địa chất, nghiên cứu dòng chảy sông Hàn.
Quy hoạch dự án đảm bảo an toàn cho các khu dân cư đô thị Mân Quang, khu dân cư Làng cá Nại Hiên Đông, chống sạt lở bờ sông và cơ sở hạ tầng khu vực ven sông. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có ý kiến thống nhất.
Dự án đã được UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt báo cáo đánh giá đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 6039/QĐ-UBND ngày 27.10.2017.
Không thể nói “không tác động đến dòng chảy”
Trước những thông tin phản hồi trên, Kiến trúc sư Hồ Duy Diệm – Chủ tịch Hội Bảo vệ Lưu vực và dải biển Việt Nam, nguyên Phó chủ tịch Hội quy hoạch TP Đà Nẵng bày tỏ lo ngại:
“Dù ít hay nhiều, việc lấn sông Hàn đều có tác động đến dòng chảy và ảnh hưởng đến địa chất tại đây. Hậu quả đó có thể không thấy được ngay nên cần phải xem xét thận trọng để tránh thiệt hại về lâu dài”.
Ông Diệm phân tích, đây không phải lần đầu có dự án lấn sông tại Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Việc lấn sông Đồng Nai hay đồng bằng Sông Cửu Long là những bài học về hậu quả của việc lấn sông vẫn còn đó.
Riêng với sông Hàn, trước đây người Pháp kè hai bờ, ngầm dưới lòng sông với mục đích tăng lưu lượng dòng chảy, đẩy bùn ra vịnh, khơi thông dòng chảy.
Tuy nhiên, hiện nay ở đó lại mọc lên những bờ kè ngày càng lấn ra lòng sông cùng những công trình bê tông.
“Dòng chảy sông Hàn lâu nay ổn định, nay gặp phải những hòn đá lớn thì chắc chắn sẽ bị thay đổi. Địa chất dưới lòng sông có khoảng 3m là đất thịt, còn ở dưới là bùn cát. Khi dòng chảy thay đổi, địa chất dưới lòng sông cũng sẽ bị tác động, bào mòn. Lòng sông sẽ tạo thành những hàm ếch, hàm rồng, những ổ trống. Đến một ngày nào đó, 2 năm hay 10 năm sau, bờ sông sẽ bị sạt lở.
Tôi cho rằng, Đà Nẵng đang lập kế hoạch điều chỉnh quy hoạch chung, lãnh đạo thành phố cần nhìn lại những dự án lấn sông, nhà cao tầng, xem xét kỹ được mất để điều chỉnh không chỉ một mà các dự án hai bên bờ sông Hàn ” – ông Diệm kiến nghị.