Được nhà nước giao 7.000ha đất rừng, Cty TNHH MTV lâm nghiệp Đường 9 (gọi tắt Cty Đường 9) buông lỏng quản lý, dẫn đến 1.000ha đất rừng bị người dân lấn chiếm.
Khi phát giác, chính quyền và Cty Đường 9 đã áp dụng nhiều cách để thuyết phục người dân trả lại đất, nhưng gặp rất nhiều khó khăn.
Mới đây, theo điều tra của Lao Động, tới lượt Giám đốc Cty Đường 9 đã lấn chiếm một diện tích không nhỏ đất rừng để làm trang trại.
Giám đốc công ty lâm nghiệp lấn chiếm đất rừng?
Trong số gần 1.000ha đất rừng của Cty Đường 9 bị lấn chiếm, phần lớn diện tích tập trung ở các xã thuộc huyện Cam Lộ (Quảng Trị).
Thôn Xuân Mỹ của xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ là nơi có nhiều hộ dân lấn chiếm đất rừng. Chính quyền địa phương và Cty Đường 9 nhiều lần đến tuyên truyền, vận động nhưng người dân không chấp hành việc trả lại đất.
Trả lời về diện tích đất mà người dân cho rằng Giám đốc Thái xâm chiếm đất rừng, ông Sơn cho biết: “Phần đất đó thuộc quản lý của Cty Đường 9, xã không nắm được cụ thể. Vì vậy, xã đã mời giám đốc Thái đến đối chất với người dân, nhưng ông ấy không đến”.
Anh Trần Văn Ngạch, SN 1982, trú thôn Xuân Mỹ, cho biết, gia đình có sử dụng 2ha đất thuộc quản lý của Cty Đường 9 để trồng keo tràm. Trước kia, diện tích đất này chỉ có cây bụi, ở dọc khe nên vợ chồng anh Ngạch vào khai hoang, trồng rừng.
Khi có chủ trương thu hồi đất để trả cho Cty Đường 9, anh Ngạch nói sẽ chấp hành với điều kiện Giám đốc Thái phải trả đất trước. “Ông Thái cũng xâm chiếm đất để làm trang trại thì vì sao lại buộc chúng tôi trả lại đất”, anh Ngạch, bày tỏ.
Tìm hiểu cho thấy, ông Thái có một diện tích đất lớn ở khu vực được gọi là Trọt Trại. Về nguồn gốc đất, theo ông Nguyễn Xuân Đức (SN 1947, trú thôn Xuân Mỹ), vào khoảng năm 2005 chính ông đã bán lại cho ông Thái 15 triệu đồng với thửa đất khá rộng. “Nhưng đất đó ở vùng trũng, ngập nước, chỉ trồng lúa và bây giờ đã ngập nước”,ông Đức, cho hay.
Tại phần đất của ông Thái đang sử dụng, hiện trồng đủ các loại cây ăn quả, cây caosu và xây chuồng trại để chăn nuôi cạnh hồ nước lớn.
Chiếm đất để làm trang trại mẫu cho dân làm theo!
Nói với PV Báo Lao Động, Giám đốc Nguyễn Hồng Thái phân bua rằng diện tích mà ông đang làm trang trại được mua của người dân. Nhưng trước những thông tin mà chúng tôi thu thập được, ông Thái thừa nhận phần đất đang trồng cây caosu ở trang trại là đất rừng, do Cty Đường 9 quản lý.
Ông Thái giải thích rằng, ông tự bỏ tiền túi của mình ra, rồi “mượn đất” của lâm trường để xây dựng mô hình thử nghiệm trồng cây caosu, cây ăn quả, chăn nuôi để làm mẫu cho bà con và công nhân.
“Tôi làm hồ nuôi cá, nếu lỡ có cháy rừng ở cạnh đó thì lấy nước ở hồ để dập lửa. Còn trồng cây caosu thì đúc rút kinh nghiệm để tới đây chuyển giao cho công nhân ở Cty. Tôi tự bỏ tiền túi để làm mô hình thử nghiệm, tất cả là vì mong muốn được giúp đỡ công nhân và bà con chứ không vì lợi nhuận cá nhân”, ông Thái lý lẽ.
Trước câu hỏi, Cty Đường 9 và chính quyền đang vận động người dân xâm chiếm đất rừng trả lại đất, nhưng bản thân làm giám đốc lại không chấp hành thì ông Thái khẳng định “sẵn sàng trả lại đất, nhưng giữ lại vì muốn phục vụ công tác quản lý”?.
Bên cạnh đó, ông Thái nói rằng cây caosu đầu tư lớn, mục tiêu không phải là lấy gỗ, nên không thể chặt ngay đi để trả lại đất cho Cty trồng rừng được. “Còn có nhiều hộ dân chiếm đất rừng trồng caosu, nên phải có cách xử lý riêng để tránh thiệt hại cho người dân. Trước mắt tập trung thu hồi lại những diện tích đất trồng keo tràm đã”, ông Thái, giải thích.
Trước thông tin do Báo Lao Động cung cấp, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị nói rằng, sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra diện tích đất mà ông Thái đang sử dụng, nếu đúng thực tế sẽ có chỉ đạo xử lý.