Trong một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature vào tháng 4/2019, các nhà khoa học tại Đại học British Columbia (Canada) phát hiện sinh vật đầu tiên trên thế giới tạo ra chất diệp lục nhưng không tham gia vào quá trình quang hợp.
Động vật kỳ lạ này sống ký sinh trong khoang dạ dày của san hô và được gọi là corallicolid.
“Corallicolid sống chung với 70% san hô có mặt trên Trái đất, và chúng chưa từng được quan sát cho đến nay”, Patrick Keeling, thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết.
Chất diệp lục – sắc tố màu xanh lá cây có trong thực vật và tảo – có khả năng hấp thụ năng lượng ánh sáng Mặt trời để tạo ra hợp chất hữu cơ trong quá trình quang hợp. Nếu một sinh vật chỉ hấp thụ ánh sáng nhờ chất diệp lục nhưng không quang hợp để giải phóng dần năng lượng, sinh vật này sẽ gặp nguy hiểm. Bởi vì chất diệp lục khi đó giống như những quả bom trong các tế bào.
Tuy nhiên, corallicolid là trường hợp ngoại lệ. Nhóm nghiên cứu phát hiện corallicolid chứa bốn gene mã hóa cho sự tổng hợp chất diệp lục.
“Chúng tôi vẫn chưa biết tại sao corallicolid lại sở hữu các gene này và chúng tổng hợp chất diệp lục nhằm mục đích gì”, Keeling nói.