Nắng nóng gay gắt làm cho tình trạng thiếu nước sinh hoạt, sản xuất tại nhiều địa phương ở Đồng Nai thêm trầm trọng, người dân phải chi tiền mua nước sinh hoạt, đào tìm nước tưới cho cây trồng.
Những ngày qua, Đồng Nai đang trải qua đợt nắng nóng khắc nghiệt nhất trong mùa khô 2018 – 2019. Nắng nóng gay gắt làm cho tình trạng thiếu nước sinh hoạt, sản xuất tại nhiều địa phương ở Đồng Nai thêm trầm trọng, người dân phải chi tiền mua nước sinh hoạt, đào tìm nước tưới cho cây trồng.
Thực trạng thiếu nước đã tồn tại nhiều năm, cơ quan chức năng đã khảo sát, lên phương án xây dựng các nhà máy, nhưng dân cứ mòn mỏi chờ, bởi dự án vẫn nằm trên giấy.
Từ tháng 1/2019 đến nay, giếng đào và giếng khoan của gia đình anh Nguyễn Thanh Phương (ấp 1, xã Phú Ngọc, huyện Định Quán) đều cạn nước, gia đình anh phải mua nước phục vụ sinh hoạt.
Hiện mỗi khối nước có giá 30.000 đồng, trung bình mỗi tháng gia đình anh Phương sử dụng hết 15 khối.
Anh Phương than thở: “Xã Phú Ngọc nằm ngay bên sông La Ngà, nơi có lượng nước ngọt lớn nhất của tỉnh Đồng Nai, nhưng nhiều năm qua cứ đến mua khô là dân phải đi mua nước về sử dụng. Gia đình tôi có 5 người, thu nhập chỉ vài triệu đồng/tháng, tính ra tiền mua nước hàng tháng bằng chi phí cho 2 đứa con học tiểu học”.
Thực trạng thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô xảy ra phổ biến trên địa bàn huyện Định Quán, đặc biệt ở các xã La Ngà, Phú Ngọc và Ngọc Định; trong đó, xã Phú Ngọc là địa phương tình trạng thiếu nước trầm trọng nhất.
Thống kê của UBND xã Phú Ngọc cho thấy, toàn xã có trên 4.000 hộ với gần 21.000 nhân khẩu, vào mùa khô, 90% hộ trong xã thiếu nước.
Mùa khô, trong khi người dân ở Định Quán phải mua nước về sử dụng, thì tại huyện Xuân Lộc, địa phương có nền nông nghiệp phát triển nhất ở Đồng Nai, người dân phải loay hoay tìm nước tưới cho cây trồng.
Nhiều năm qua, do không có công trình thủy lợi, nên đa số người dân ở Xuân Lộc phải sử dụng nước ngầm để tưới.
Vài năm trở lại đây, nguồn nước ngầm dần cạn kiệt, cây thiếu nước dẫn đến năng suất giảm.
Gia đình ông Hoàng Văn Đảm (xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc) có hơn 7 ha trồng các loại cây ăn trái như: xoài, bưởi, quýt, nước tưới cho toàn bộ diện tích này được lấy từ 7 giếng khoan có độ sâu từ 50m – 90m/giếng.
Từ tháng 1/2019 đến nay, 6 giếng đã cạn khô, còn 1 giếng chỉ đủ dùng cho mục đích sinh hoạt.
Để cứu cây trồng khỏi chết khô, ông Đảm chi hơn 100 triệu đồng lắp đặt máy bơm, đường ống dẫn nước từ một khu vực khác cách xa hơn 1,5 km về.
Hiện mỗi ngày, ông Đảm phải chi hàng triệu đồng để bơm nước tưới cho cây ăn trái.
Do chi phí quá lớn nên ông phải hạn chế tưới, cây trồng phát triển kém, năng suất chỉ bằng 70% so bình thường.
Theo UBND huyện Định Quán, năm 2015, Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Naichấp thuận chủ trương xây dựng nhà máy nước sạch cấp nước cho 3 xã La Ngà, Ngọc Định và Phú Ngọc, nguồn vốn thực hiện dự án từ ngân sách tỉnh.
Tuy nhiên, sau khi tiếp thu những ý kiến, đánh giá, UBND tỉnh Đồng Nai lại thống nhất thực hiện dự án từ nguồn vốn xã hội hóa.
Hơn 2 năm qua, chính quyền huyện Định Quán làm việc với nhiều nhà đầu tư, kêu gọi xây dựng nhà máy nước, nhưng doanh nghiệp thấy việc kinh doanh không khả thi nên từ chối.
Ông Ngô Tấn Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Quán cho biết: Đầu năm 2019, UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận giao UBND huyện Định Quán làm chủ đầu tư xây dựng dự án nước sạch nêu trên, nguồn vốn lấy từ ngân sách tỉnh.
Hiện huyện Định Quán đang lập hồ sơ dự án, sau đó sẽ trình các cơ quan của tỉnh và chưa khẳng định dự án bao giờ sẽ khởi công.
Về tình trạng thiếu nước sản xuất ở Xuân Lộc, ông Lê Khắc Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc cho rằng, những năm gần đây, người dân đầu tư mạnh vào nông nghiệp, trồng thêm nhiều diện tích cây lâu năm, hệ thống giếng khoan được lắp đặt nhiều hơn, dẫn đến mực nước ngầm giảm sút.
Vào mùa khô, hầu hết các xã trên địa bàn Xuân Lộc đều thiếu nước tưới, nghiêm trọng nhất là xã Xuân Bắc, Xuân Thọ và Suối Cao.
Năm 2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chủ trương xây dựng công trình trạm bơm La Ngà để đưa nguồn nước từ sông La Ngà về phục vụ tưới tiêu cho 3.500 ha đất sản xuất tại xã Suối Cao, Xuân Thọ và Xuân Bắc.
Các cơ quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tỉnh Đồng Nai tiến hành khảo sát, kinh phí thực hiện dự án hơn 900 tỷ đồng. Song đến nay, công trình trạm bơm La Ngà vẫn chưa được phê duyệt.
Theo ông Lê Khắc Sơn, trạm bơm La Ngà cần kinh phí lớn, huyện Xuân Lộc mong muốn cơ quan Trung ương và địa phương hỗ trợ vốn để thực hiện.
Tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp sẽ ngày trầm trọng hơn, kéo giảm sức cạnh tranh của nền nông nghiệp, gây khó khăn cho đời sống người dân.
Cơ quan cấp trên sớm bố trí vốn xây dựng công trình thủy lợi, tạo tiền đề cho sản xuất nông nghiệp bền vững, giúp địa phương xây dựng thành công huyện nông thôn mới kiểu mẫu của cả nước