Thông tin trên được ông Lê Quang Trung – Giám đốc Sở Xây dựng, người phát ngôn của tỉnh Lâm Đồng về đồ án quy hoạch trung tâm Đà Lạt- cho biết khi trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động vào chiều 16-4
Phóng viên: Vừa qua, dư luận có những ý kiến khác nhau đồ án quy hoạch trung tâm Đà Lạt. Tỉnh Lâm Đồng đã có quan điểm thế nào, thưa ông?
– Ông Lê Quang Trung: Chúng tôi đã công khai đồ án quy hoạch thì rõ ràng có ý tiếp nhận sự đóng góp ý kiến của mọi người. Tuy nhiên, tiếp thu có lựa chọn. Ý kiến nào đúng, phù hợp thì chúng tôi tiếp thu.
Cũng có những ý kiến góp ý cực đoan. Ai nói dân không đồng ý? Dân là ai? Cứ lợi dụng dân rồi nói! Trước khi công bố công khai quy hoạch này, chúng tôi đã làm đúng Luật Quy hoạch đô thị rồi, lấy trên 800 ý kiến rồi, đến khi công bố lại bảo dân không đồng ý.
Liệu Lâm Đồng có quá cứng nhắc với một đồ án quy hoạch đã lỡ đưa ra?
– Chúng tôi làm cũng phải suy nghĩ lắm chứ! Bao nhiêu cuộc họp chứ ít đâu. Việc chỉnh trang khu Hòa Bình đã được đặt ra cách đây hơn 10 năm rồi, bây giờ mới quyết tâm để làm đấy chứ! Có lẽ không ở đâu quản lý như Lâm Đồng.
Xây 1 khách sạn 4-5 sao, nhà 4 tầng cũng phải ra hội đồng quy hoạch kiến trúc, rồi báo cáo UBND tỉnh.
UBND tỉnh họp các ngành lại, cho ý kiến rồi mới ra văn bản. Từ đó, Sở Xây dựng mới được cấp phép.
Vì đặc thù TP Đà Lạt mới làm như thế. Bởi vậy, tôi có nói thẳng khi duyệt phương án đầu tư sẽ xem xét rất kỹ về mặt kiến trúc, tổ chức, khối tích công trình để vừa làm sao bảo đảm tính khả thi trong đồ án quy hoạch vừa bảo tồn Đà Lạt và không tốn kém, chứ đâu phải khăng khăng là đập bỏ đâu.
Nhưng trong quy hoạch này thì đập bỏ nhiều hơn giữ?
– Chúng tôi cũng giữ chứ sao không? Phải có cách giữ chứ! Bảo tồn nhưng cũng phải có quan niệm phát triển nữa. Không phải vì thế mà ngăn cản sự phát triển của Đà Lạt là không được.
Bảo rằng, thôi, Đà Lạt cứ giữ như thế đi, cho ít ít, thưa thưa, cho thoải mái để bọn tôi lên chơi, thì sao được! Đà Lạt cũng phải phát triển chứ.
Một đô thị cũng phải chỉnh trang để thông thoáng hơn chứ! Cái nào bảo tồn thì đã đưa vào bảo tồn rồi. Ví như chợ Đà Lạt có đụng không? Không!
Dinh Tỉnh trưởng không đáng bảo tồn hay sao mà phải “đụng” đến?
– Dinh Tỉnh trưởng vẫn bảo tồn, vẫn giữ lại đấy chứ! Trong quy hoạch có 2 phương án: Một là giữ nguyên vẹn, hai là chuyển nguyên khối sang bên cạnh cách mấy mét để bố trí không gian cho phù hợp nhưng vẫn bảo tồn.
Tuy nhiên, qua xem xét thấy bố trí không gian đã phù hợp rồi, không nhất thiết phải chuyển. Chuyển chi cho tốn kém nên sẽ bảo tồn nguyên vẹn vị trí ban đầu.
Còn rạp Hòa Bình, sao phải phá bỏ?
– Rạp Hòa Bình có người bảo giữ lại vì giá trị. Thử hỏi có cái gì giá trị không. Chưa có ai nói rạp Hòa Bình là biểu tượng Đà Lạt hay cái gì hết cả. Xưa giờ người ta gọi khu Hòa Bình là khu trung tâm TP Đà Lạt.
Đừng có nghĩ khu Hòa Bình là phải gắn với rạp Hòa Bình. Để giữ khu Hòa Bình là phải chỉnh trang, tổ chức lại không gian cho ở đó thông thoáng, chớ có ai lấy mất cái khu đấy đâu.
Phá bỏ mới chỉnh trang được nơi đó thành 1 quảng trường, 1 công viên đi bộ, vui chơi, giải trí thông thoáng. Sau này, ôtô sẽ không lên khu này được nữa. Toàn bộ không gian này là dành cho người đi bộ.
Cũng có ý kiến băn khoăn liệu có lợi ích nhóm trong việc thực hiện quy hoạch trung tâm Đà Lạt?
– Người ta cố tình hiểu sai, cố tình suy diễn thế đấy. Bảo dành tình cảm cho Đà Lạt nhưng như thế là sai. Sau khi chỉnh trang khu Hòa Bình thì ai cũng có quyền tham gia đầu tư cả. Sẽ tổ chức đấu thầu. Tuyệt đối không giao hay chỉ định cho ai cả thì lợi ích nhóm ở đâu?
Đi ngược chủ trương?
Kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Hồ, thành viên Hội KTS TP HCM, cho rằng nhắc đến Đà Lạt nhiều người nhìn nhận là đã bê-tông hóa rất nhiều, chính vì thế rất may mắn là khu vực Dinh Tỉnh trưởng còn một mảng xanh quý báu. Đà Lạt được mệnh danh là TP mộng mơ, TP ẩn hiện trong rừng thì cần phải giữ lại mảng xanh đó, vì mất đi thì không thể tái tạo. Chưa kể nói về mật độ xây dựng, nghĩa là diện tích chiếm đất của công trình thì cần giới hạn ngay từ bây giờ tuyệt đối tuân thủ quy định rõ ràng từng ô đất, khu phố… phải phối hợp chặt chẽ lấy ý kiến từ các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước và đặc biệt là người dân mới mang lại hiệu quả cuối cùng về đô thị có bản sắc riêng biệt, đó là thế mạnh thu hút được du lịch của Đà Lạt. KTS Trần Công Hòa, Hội KTS tỉnh Lâm Đồng cho biết rạp Hòa Bình và Dinh Tỉnh trưởng dù không xếp hạng di sản nhưng mang dấu ấn của cộng đồng đô thị Đà Lạt qua các thời kỳ. Qua thời gian, các công trình trên sẽ có dấu ấn, chức năng riêng để phục vụ người dân. Về đồ án quy hoạch, KTS Hòa cho rằng các nhà nghiên cứu còn xa lạ, hời hợt khi thiết kế trung tâm TP Đà Lạt. Đà Lạt đang thiếu các mảng cây xanh. Duy nhất chỉ khu vực Dinh Tỉnh trưởng còn cây xanh nhưng theo đề án thì mảng cây trên cũng phải phá bỏ để đầu tư tổ hợp khách sạn. Quy hoạch như vậy là đi ngược lại chủ trương nghiên cứu trước đây của các chuyên gia. |