Gần đây, tình trạng khai thác cát ở các địa phương trong tỉnh Bình Định diễn ra phức tạp; thậm chí có nơi người dân tụ tập phản đối gay gắt việc doanh nghiệp ngày đêm khai thác cát gây sạt lở, ô nhiễm môi trường…
Cty TNHH Xây dựng Thành Hương (Cty Thành Hương) được UBND tỉnh Bình Định cấp phép khai thác khoáng sản tại mỏ cát xã Hoài Hương và Hoài Mỹ (huyện Hoài Nhơn) từ tháng 4/2015.
Trong đó, khu vực mỏ cát xã Hoài Hương, diện tích khai thác là 3 ha, trữ lượng khoáng sản 59.327m3 cát, công suất khai thác 11.000m3 cát/năm, chiều sâu khai thác 2,5m. Khu vực mỏ cát xã Hoài Mỹ, diện tích khai thác 10,9 ha, trữ lượng khai thác 268.063m3 cát, công suất 27.000m3 cát/ năm, thời hạn khai thác 5,5 năm kể từ ngày ký.
Sau khi được cấp phép, Cty Thành Hương khai thác cát trên sông Lại Giang thì người dân thôn Phú An, xã Hoài Hương phản đối quyết liệt không cho doanh nghiệp khai thác.
UBND tỉnh Bình Định ban hành Quyết định 2553 ngày 18/7/2017 điều chỉnh, bổ sung một phần nội dụng Giấy phép khai thác khoáng sản, chỉ cho phép Cty Thành Hương khai thác mỏ cát Trường Gạo tại thôn Phú An, xã Hoài Hương với thời gian 2 năm kể từ ngày ký quyết định, điều chỉnh độ sâu khai thác còn 1,5m, nhưng người dân vẫn không đồng tình chấp thuận cho doanh nghiệp khai thác cát.
Lý do người dân đưa ra là, nhiều năm trước đây, Cty Thành Hương đã đến mỏ cát Trường Gạo khai thác cát quá độ sâu.
Bãi cát bằng phẳng vốn có từ xưa bên bờ sông Lại Giang đã bị doanh nghiệp cùng một số người dân đến khai thác tạo thành hố sâu nguy hiểm đe dọa tính mạng con người; khai thác cát còn làm sạt lở bờ sông, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân đang sinh sống gần khu vực mỏ cát.
Trong quá trình vận chuyển cát, doanh nghiệp đã làm hư hỏng đường dân sinh, xe chở cát bay bụi mù mịt, nước chảy lênh láng, gây ô nhiễm môi trường.
Một nguyên nhân khác nữa, cuộc sống mưu sinh người dân tại đây, ngoài làm nông, đi biển, đánh bắt xa bờ, còn một nghề khác mưu sinh ngắn ngày là cào ốc đem bán cho thương lái, mỗi ngày thu nhập trung bình từ 500 nghìn đến 1,5 triệu đồng từ nghề này.
Bến sông Lại Giang là nơi là neo đậu tàu thuyền, thúng để người dân đi cào ốc. Dòng sông Lại Giang từ thôn Phú An qua thôn Thạnh Xuân, dưới cầu Lại Giang xã Hoài Hương là nơi thiên nhiên ban tặng nguồn sinh sống dồi dào cho bà con vùng biển xã Hoài Hương. Có lẽ, chính điều này mà người dân quyết bảo vệ đến cùng nguồn sinh kế do thiên nhiên ban tặng.
Trao đổi với PV, ông Trần Tấn Thuận – Chủ tịch UBND xã Hoài Hương cho biết, Cty Thành Hương khai thác tại mỏ cát Trường Gạo vào năm 2012 và năm 2014. Sau đó UBND tỉnh cấp phép cho Cty tiếp tục khai thác, nhưng người dân có ý kiến phải đảm bảo môi trường trong quá trình khai thác.
Trước kia, chưa có bờ kè thì dân lo sợ bờ sông bị sạt lở, sau khi bờ kè xây xong, nhưng do con đường vận chuyển cát qua khu dân cư quá hẹp, doanh nghiệp khai thác chưa tuân thủ quy định về thời gian, chưa bảo đảm an toàn, gây mất an ninh trật tự địa phương.
Do người dân phản đối quyết liệt, nên từ 2017 đến nay doanh nghiệp tạm dừng không khai thác nữa.
Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Bình Định, UBND huyện Hoài Nhơn, Phòng TN&MT huyện về đối thoại với người dân, nhưng họ vẫn không đồng thuận cho doanh nghiệp khai thác. Việc người dân phản ánh là đúng, chính đáng nên phải được tôn trọng. Doanh nghiệp muốn khai thác cát phải đảm bảo môi trường và mở rộng con đường để bảo đảm an toàn giao thông khi vận chuyển cát.
Tại huyện Phũ Mỹ, theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay các mỏ khai thác khoáng sản titan trên địa bàn xã Mỹ Thành xuất hiện nhiều xe tải ngang nhiên vào khu vực này xúc, vận chuyển cát ra ngoài tiêu thụ, gây mất an toàn giao thông.
Trước đây, tại xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ có 16 doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản titan với tổng diện tích 1.072 ha. Đến nay chỉ còn 3 doanh nghiệp được cấp phép là Cty Phú Hiệp, Cty Ánh Vy và Cty Khoáng sản Biotan, những doanh nghiệp còn lại do UBND tỉnh Bình Định cấp phép đã dừng hoạt động khai thác titan nhiều năm nay.
Theo đánh giá của cán bộ địa chính xã Mỹ Thành thì 3 doanh nghiệp này thực hiện tốt việc trồng rừng và hoàn thổ, khai thác đến đâu liền trồng rừng và hoàn thổ đến đó. Người dân địa phương không còn phản ánh tình trạng các doanh nghiệp khai thác khoáng sản titan gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.
Song, xảy ra tình trạng xe tải ngang nhiên vào khu vực khai thác khoáng sản titan của các doanh nghiệp trên để khai thác cát trái phép và vận chuyển ra ngoài theo tuyến đường ven biển ĐT-639 đi qua các xã Mỹ Thành, Mỹ Chánh, Mỹ Cát của huyện Phù Mỹ.
Nguyên nhân là những doanh nghiệp này sau khi khai thác titan xong không chịu san ủi mặt bằng để các doanh nghiệp và cá nhân khác tự ý đưa phương tiện vào khai thác, vận chuyển cát trái phép ra bên ngoài.
Về việc này, UBND xã Mỹ Thành có văn bản gửi Cty Ánh Vy và Cty Khoáng sản Biotan, đề nghị các doanh nghiệp đang hoạt động khai thác titan không để cho xe của các doanh nghiệp khác vào khai thác cát tại khu vực mỏ do doanh nghiệp mình quản lý. Nếu UBND xã phát hiện Cty nào để xảy ra tình trạng trên sẽ kiến nghị lên UBND huyện Phù Mỹ có biện pháp xử lý theo quy định pháp luật.
Thông báo là vậy, nhưng khi PV đi vào khu vực khai thác khoáng sản titan của 2 doanh nghiệp trên thì ngay tại con đường ra vào mỏ titan đã thấy xe múc, xe tải ngang nhiên lấy, vận chuyển cát ra ngoài tại thôn Vĩnh Lợi 1, xã Mỹ Thành.
Ngoài ra, trên tuyến đường ven biển ĐT-639 xe chở cát nối đuôi nhau chạy bạt mạng gây nỗi sợ hãi và nguy hiểm cho người tham gia giao thông lẫn sự bức xúc của người dân.
Nạn khai thác cát trái phép tại các mỏ khai thác khoáng sản titan của các doanh nghiệp trên địa bàn xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ đang là điểm nóng mất an ninh trật tự tại địa phương. Nếu chính quyền cùng cơ quan chức năng huyện Phù Mỹ không nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, có biện pháp chấn chỉnh và xử lý kịp thời thì dễ dẫn đến hậu quả khôn lường.