Tìm giải pháp tối ưu thay thế nhận chìm vật chất nạo vét biển Dung Quất

Ngày 21/2/2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cấp Giấy phép nhận chìm ở biển số 372/GP-BTNMT, cho phép Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát – Dung Quất được nhận chìm vật chất nạo vét cảng chuyên dùng Hòa Phát – Dung Quất, phục vụ cho Dự án (DA) Khu liên hiệp sản xuất gang thép Hòa Phát – Dung Quất.

Nhận thấy có nguy cơ gây ô nhiễm, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã chủ động tìm kiếm, đề xuất các phương án mới nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm tài nguyên và dễ dàng xử lý liên quan đến môi trường.

Tàu hút cát công suất lớn phun lên bờ cách xa vài km sẵn sàng hoạt động. Ảnh: NP

Khối lượng vật chất được nạo vét tại cảng gần 15,4 triệu mét khối, bao gồm 86,4% cát nhiễm mặn, 13,6% bùn sét. Chất được phép nhận chìm không chứa chất phóng xạ, chất độc, chất thải nguy hại vượt quy chuẩn an toàn bức xạ, quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

Địa điểm khu vực nhận chìm rộng 180ha, thuộc vùng biển Dung Quất, huyện Bình Sơn. Vật chất được tàu hút bụng xả đáy tự hành thả từ mặt biển xuống độ sâu hơn 50m.

Kỹ sư hàng hải Trương Thanh Lâm, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Phúc Hoàng Ngọc phân tích, với tỷ lệ 13,6% vật chất bùn sét, tương đương hơn 2 triệu mét khối là vô cùng lớn.

Khi các tàu xả vật chất từ mặt biển xuống độ sâu hơn 50m, quá trình rơi trong nước biển, với dao động của sóng, tác động của dòng hải lưu và nước từ cửa sông Trà Bồng đổ ra, gần như toàn bộ bùn sét sẽ hòa tan trong nước biển, giả sử chỉ ở tỷ lệ 5% trong nước, sẽ là 40 triệu mét khối nước biển bị vẩn đục, ô nhiễm. Và như vậy, không chỉ vùng biển Bình Sơn, mà cả Lý Sơn rồi các vùng biển phía nam Bình Sơn sẽ bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến việc đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản ven bờ…

Bí thư Huyện ủy Bình Sơn Hà Thị Anh Thư chia sẻ, vấn đề nhấn chìm vật chất xuống biển là rất nhạy cảm, dư luận và bà con nhân dân rất quan tâm vì sẽ tác động không tốt đến môi trường, ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản, kế sinh nhai của ngư dân ven biển.

Anh Phạm Kiều Huy, ngư dân xã Bình Đông (Bình Sơn) lo lắng, hồi đầu tháng 10/2018, chỉ một số tàu nhỏ hút cát, xả bùn tại khu vực cảng Dung Quất, đã khiến gần 100 lồng nuôi cá của ngư dân gần đó chết đồng loạt, thiệt hại hàng chục tỷ đồng và Nhà nước đã phải hỗ trợ hơn 7 tỷ đồng để bà còn chuyển đổi ngành nghề hoặc di chuyển lồng bè đến khu vực khác.

Trước những băn khoăn của dư luận và người dân, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã chủ động giao các cơ quan chức năng tìm giải pháp tối ưu hơn, thay thế cho việc nhận chìm vật chất từ quá trình nạo vét cảng.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã trực tiếp đi khảo sát hiện trường, làm việc với các cơ quan chức năng của tỉnh và đưa ra hướng xử lý hiệu quả nhất là tận dụng khối lượng cát nhiễm mặn trong quá trình nạo vét, nâng cấp luồng tàu vào cảng Hòa Phát – Dung Quất để san lấp một số vị trí DA đã được quy hoạch tại Khu kinh tế Dung Quất (KKTDQ).

Cơ sở để thực hiện là Quyết định số 439 ngày 27/2/2019 của Bộ TN&MT phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường DA “Nâng cấp và mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất”, tại điểm e, khoản 3, Điều 1 có nêu: “Tiếp tục tìm kiếm các giải pháp khả thi và phù hợp với quy định của pháp luật để giải quyết vật chất nạo vét phát sinh từ quá trình cải tạo, nâng cấp cảng xuất sản phẩm; chỉ thực hiện việc nhận chìm khi không có giải pháp khác”.

Ông Nguyễn Minh Tài, Trưởng Ban Quản lý KKTDQ và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi cho biết, qua khảo sát thực địa tại KKTDQ đang triển khai một số DA với diện tích hàng trăm hécta ở vùng trũng sâu, nhiễm mặn ven sông, ven biển, độ sâu cần san lấp từ 5 – 7m, nên cần một khối lượng lớn vật liệu san lấp mặt bằng. Vì vậy, việc tận dụng vật chất nạo vét từ các luồng cảng DA thép Hòa Phát, nhà máy lọc dầu hay cảng Hào Hưng làm vật liệu san lấp mặt bằng cho các DA có địa hình trũng sâu sẽ hạn chế vấn đề ô nhiễm môi trường, và nếu xảy ra ô nhiễm, việc xử lý sẽ dễ hơn đối với việc nhận chìm ở biển, góp phần tăng nguồn thu từ thuế tài nguyên, tiết kiệm thời gian và giảm chi phí cho nhà đầu tư…

Ông Đỗ Minh Hải, Giám đốc Sở TN&MT Quảng Ngãi thông tin, ngoài các khu vực DA vùng trũng sâu, nhiễm mặn đã được các nhà đầu tư đăng ký, dọc hai bờ sông Trà Bồng từ cửa biển vào sâu trong đất liền gần 10km có rất nhiều khu vực trước đây là hồ nuôi tôm của người dân, nhưng gần đây sản xuất không hiệu quả, đất nhiễm mặn không trồng trọt được nên người dân bỏ hoang, với diện tích gần 100ha.

Những vị trí này đều nằm trong KKTDQ và được phép triển khai các DA về công nghiệp sạch, du lịch hoặc đô thị, khu dân cư… Nếu cho phép san lấp bằng vật chất nạo vét từ cảng biển là rất an toàn, hiệu quả, giải quyết từ 50 đến 70% lượng cát nhiễm mặn được nạo vét; vừa giải quyết bài toán kinh tế cho chủ đầu tư, cho địa phương, vừa bảo đảm cuộc sống người dân các xã ven biển của huyện Bình Sơn.

Mới đây, Ban Quản lý KKTDQ tiếp tục chủ trì cuộc họp với đại diện các cơ quan chức năng tỉnh và các doanh nghiệp đang hoạt động trong KKTDQ để làm rõ vấn đề, thống nhất phương án sử dụng vật chất nạo vét cảng Dung Quất.

Theo ông Tài, hiện nay nhu cầu nạo vét để tạo độ sâu luồng lạch ra vào cảng Dung Quất khoảng 27 triệu mét khối cát nhiễm mặn, bùn sét… Trong đó, riêng DA nạo vét cảng chuyên dùng của Khu liên hiệp sản xuất gang thép Hòa Phát – Dung Quất là 15,3 triệu mét khối, đã được Bộ TN&MT chấp thuận cho nhận chìm xuống biển.

Hiện còn 3 đơn vị đang lập hồ sơ xin nạo vét cảng, luồng tàu vào ra, bao gồm: Cảng Tổng hợp 6 triệu mét khối, cảng Hào Hưng 4 triệu mét khối và DA mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất giai đoạn II gần 1,67 triệu mét khối.

Liên quan đến hoạt động nạo vét của Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát – Dung Quất, ông Tài khẳng định: “Không có việc chính quyền, cơ quan, ban ngành nào ngăn cản việc Hòa Phát nạo vét và nhấn chìm vật chất ra biển, vì đã có giấy phép của Bộ TN&MT và đang triển khai các thủ tục cần thiết theo lộ trình”.

Theo ý kiến của chuyên gia Hải dương học Trần Văn Sâm: “Việc nhận chìm cát, bùn sét nạo vét cảng Hòa Phát trên phạm vi 180ha ở vùng biển Dung Quất dễ gây ảnh hưởng đến các loài sinh vật biển. Hàng triệu mét khối vật chất nạo vét nhận chìm bị tác động bởi sóng biển, dòng hải lưu có thể gây bồi lấp thảm thực vật, di sản biển nơi đây”.

Về việc nhấn chìm vật chất ở biển Dung Quất, trong phạm vi xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn – Sa Huỳnh, ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi chia sẻ, khả năng tác động điểm địa chất (đối với quá trình nhận chìm vật chất tại Dung Quất – PV) rất khó nói, về trực tiếp thì không ai có thể nói, còn chứng minh khoa học thì lâu dài, quan điểm rõ ràng là đổ chất thải từ nạo vét là ô nhiễm.

Theo đại diện của Tập đoàn Hòa Phát, đã đầu tư vào Dung Quất với rất nhiều hạng mục như hệ thống điện, nước, đường sá đồng bộ, hiện đại… Tháng 7/2019, Hòa Phát – Dung Quất chính thức đi vào sản xuất. Tiến độ DA là rất quan trọng để bảo đảm hiệu quả kinh tế, vì vậy, việc nạo vét cảng chuyên dùng của doanh nghiệp là cấp thiết…

Ông Nguyễn Minh Tài kết luận, việc nạo vét trong khu vực cảng Dung Quất phải đăng ký với Ban Quản lý KKTDQ về nhu cầu, lộ trình, khối lượng, đặc tính của vật chất nạo vét để xây dựng kế hoạch chung cho toàn bộ. Từng doanh nghiệp phải tuân thủ quy định của pháp luật, cái gì được nhận chìm, cái gì không được nhận chìm, tránh xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

“Riêng việc sử dụng vật chất nạo vét để san lấp những vùng trũng thấp, nhiễm mặn trong KKTDQ, Ban Quản lý KTTDQ sẽ xem xét cụ thể, trình UBND tỉnh nghiên cứu, quyết định”, ông Tài khẳng định.