“Du lịch xanh” đang trở thành một xu hướng phát triển nhanh chóng ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
- Du lịch xanh đang là xu thế phát triển tất yếu của ngành công nghiệp không khói trên toàn cầu Ảnh: Hồng Hạnh
Tuy nhiên, để phát triển mô hình này, Việt Nam cần phải vượt qua nhiều thách thức, bao gồm xả thải khí nhà kính, tiêu thụ năng lượng, tiêu thụ nước, quản lý rác thải, quản lý hiệu quả di sản văn hóa…
Xu thế tất yếu
Theo một khảo sát gần đây của TripAdvisor- trang web về du lịch nổi tiếng thế giới, gần 2/3 trong số khách du lịch đang ngày càng có xu hướng lựa chọn hợp lý hơn với môi trường và du lịch xanh.
Với xu hướng như vậy, ngành công nghiệp không khói Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được, khi sở hữu lượng lớn nguồn tài nguyên thiên nhiên hiếm có như cố đô Huế, phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn hay vô số bãi biển đẹp nổi tiếng thế giới như Mỹ Khê, Nha Trang, Đà Nẵng; vùng núi Tây Bắc núi non trùng điệp, ruộng bậc thang hút mắt….
Một số khu vườn quốc gia Cát Bà, Cúc Phương, Ba Bể, Nam Cát Tiên, Tam Nông, U Minh với thiên nhiên hoang sơ, bí ẩn.
Việt Nam cũng đã xuất hiện nhiều mô hình du lịch xanh như homestay “Thổi hồn người Mông vào du lịch” của anh Tráng A Chu (Vân Hồ, Mộc Châu, Sơn La). Theo đó, tại khu du lịch này anh Tráng A Chu đã xây dựng không gian sinh hoạt thân thiện với môi trường, hoạt động trải nghiệm về văn hóa, tập tục của người Mông cho du khách. Thậm chí, anh còn hỗ trợ những đoàn khách có nhu cầu muốn làm công tác thiện nguyện tại địa phương.
Hay bên cạnh đó là khu du lịch sinh thái Flamingo Đại Lải, Vĩnh Phúc hoạt động theo mô hình nghỉ dưỡng xanh cao cấp với tiêu chí “sống sang trọng giữa thiên nhiên”. Ở khu nghỉ dưỡng này, 60% cảnh quan là núi đồi, vườn cây, rừng thông, cánh đồng hoa, thảm cỏ xanh đan xen với không gian nghỉ dưỡng.
Không chỉ đầu tư các khu du lịch xanh mà trong chiến lược phát triển du lịch, nhiều DN lữ hành đã nhận thấy lợi ích của du lịch xanh và tiến hành nhiều biện pháp cụ thể. Chẳng hạn Công ty Du lịch TransViet đã lồng ghép thông điệp bảo vệ môi trường trong chiến lược kinh doanh của DN.
Theo đó, nguyên tắc “4 không” được chuyển tải tới du khách, gồm: Không xả rác nơi công cộng và không sử dụng túi ni lông; không sử dụng thịt thú rừng, sản phẩm động thực vật bị nghiêm cấm; không tác động làm hư hại đến di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, hệ sinh thái, cảnh quan…; không sử dụng lãng phí nguồn tài nguyên thiên nhiên như điện, nước.
Dù một số cơ sở đang nỗ lực từng ngày để phát triển ngành công nghiệp không khói theo xu thế xanh của thế giới song nhìn vào thực tế của ngành Du lịch Việt Nam nhiều chuyên gia cho rằng, du lịch xanh đang là khái niệm còn mới mẻ.
Chưa kể, Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng không nhỏ của biến đổi khí hậu; các khu vực tập trung nhiều hoạt động du lịch như Hội An, Cà Mau, Mũi Né, Huế… đã và đang phải đối mặt những khó khăn như sạt lở, nước mặn xâm nhập, bờ biển bị xâm thực, mưa lũ…
Nhiều hoạt động của các khu resort, khu du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề, thậm chí phải đóng cửa, vì các vấn đề thiên nhiên và biến đổi khí hậu.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, việc phát triển du lịch quá nhanh tại nhiều địa phương đã có tác động tiêu cực đến môi trường như tăng mức độ tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm không khí, nước, tiếng ồn, thay đổi cảnh quan thiên nhiên và thay đổi quân bình môi sinh đối với môi trường sống của sinh vật.
“Ngày càng nhiều cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch xây dựng trên các đảo không theo quy hoạch, làm tăng nguy cơ xói mòn đường bờ biển, làm suy thoái hệ sinh thái biển đảo. Nước thải chưa qua xử lý từ các cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch xả trực tiếp vào môi trường làm tăng mức độ hữu cơ nước biển ven bờ.
Chưa hết, sự xung đột về lợi ích kinh tế giữa chủ thể kinh tế với các ngành, tầm nhìn ngắn hạn và hạn chế về công nghệ đã dẫn tới một số tài nguyên du lịch bị tàn phá, sử dụng sai mục đích”, ông Đính nhấn mạnh.
Ở một khía cạnh khác, ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho rằng, hiện nhiều địa phương, công ty du lịch cố gắng xây dựng một số chương trình, tuyến du lịch mang sắc thái của “du lịch xanh”, song quy mô và hình thức còn đơn điệu, mờ nhạt, sản phẩm và đối tượng thị trường còn chưa rõ. Vì thế, khả năng thu hút du khách còn hạn chế.
Cần chiến lược tổng thể
Nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch xanh, theo ý kiến của một số chuyên gia du lịch, Việt Nam cần có chính sách khuyến khích, tăng cường tính “xanh” trong phát triển cơ sở vật chất, kỹ thuật du lịch, cũng như các dịch vụ du lịch ứng dụng năng lượng gió, mặt trời, sử dụng vật liệu tái chế, chế biến rác thải; giảm thiểu tiêu hao xăng dầu trong giao thông, tiêu dùng…
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhấn mạnh, giải pháp cần thực hiện ngay là truyền thông mạnh hơn nữa về du lịch xanh trong xã hội để nhận thấy tính cấp bách của vấn đề. Ngoài ra, cần khuyến khích các thế hệ trẻ khởi nghiệp du lịch với ý thức lấy du lịch xanh làm chủ đạo trong định hướng phát triển.
“Ngoài ra, cần ban hành bộ tiêu chí du lịch xanh, trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý, các DN du lịch vận dụng trong quá trình đầu tư, quy hoạch và kinh doanh. Đó cũng là căn cứ để công nhận sản phẩm du lịch xanh như tour du lịch xanh, khách sạn xanh, nhà hàng xanh, khu nghỉ dưỡng xanh…”, ông Bình nói.
Quan điểm của ông Nguyễn Anh Tuấn thì cho rằng, muốn phát triển du lịch xanh, trước hết, cần đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, quy hoạch không gian công cộng để du khách đến du lịch thực sự có cảm giác gần gũi, ấm áp, thư giãn và thích thú với cảnh sắc, không gian văn hóa – lịch sử – sinh thái của địa phương. Tránh bê tông hóa, cốt thép hóa các danh thắng, di tích văn hóa – lịch sử – sinh thái.
Cũng theo ông Tuấn, các tỉnh, thành cũng cần xây dựng mạng lưới thông tin, truyền thông bảo đảm nhu cầu thông tin cần thiết cho du khách, nhất là khách quốc tế; đồng thời, đầu tư xây dựng hệ thống các hạng mục dịch vụ du lịch thiết yếu bảo đảm đủ điều kiện và tiện nghi phục vụ du khách, nhất là hệ thống các khu, điểm điều phối du lịch, cơ sở lưu trú, nhà hàng, thông tin, tư vấn và các dịch vụ phục vụ du lịch khác …
“Ngoài ra, cần tăng cường công tác đào tạo, phát triển nhân lực về chất lượng và số lượng, bảo đảm tiêu chuẩn trình độ, đạo đức và tác phong để phát triển “du lịch xanh”. Đặc biệt, cần chú ý đến phát triển nguồn nhân lực là người địa phương, người dân tộc thiểu số cho phù hợp với đặc thù địa phương”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch nêu.