Nắng nóng kéo dài, lúa và hoa màu có nguy cơ mất trắng

Tại Thừa Thiên – Huế, ảnh hưởng ElNino, nắng nóng xảy ra trên diện rộng, kéo dài với nhiệt độ cao, độ ẩm thấp, lượng bốc hơi nhanh làm nhiều diện tích lúa và hoa màu có nguy cơ mất trắng.

Cây lạc bị héo úa, khô cháy do nắng hạn ở phường Hương Vân (Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN)

Hiện nay, lúa vụ Đông Xuân năm 2018 – 2019 đang trong thời kỳ trổ bông, nhưng diện tích lúa đang thiếu nước nặng (khô nước, nứt nẻ) khoảng 110 ha; lúa đang bị hạn nặng, khô cháy không có khả năng phục hồi khoảng 57 ha; trong đó huyện Phú Vang chiếm 42 ha, tập trung ở các địa phương Lương Viện, Viễn Trình thuộc xã Phú Đa; còn lại là các xã Lộc Điền, Vinh Hưng, Vinh Giang (huyện Phú Lộc).

Theo ông Hồ Sỹ Nguyên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên – Huế, nếu trong vài ngày tới thời tiết không có mưa, lượng nước các suối thiếu hụt thì diện tích trên sẽ bị hạn nặng.

Diện tích lúa có khả năng bị hạn cuối vụ Đông Xuân khoảng 600ha tập trung ở các vùng cuối kênh tưới, các diện tích nằm ở các hồ, đập thủy lợi có dung tích nhỏ ở vùng gò đồi, vùng núi, vùng cát ven biển thuộc các huyện Nam Đông, A Lưới, Phú Vang, Phú Lộc và thị xã Hương Trà.

Đến thời điểm này, ước tính trên địa bàn thị xã Hương Trà đã có trên 500 ha lạc bị thiệt hại và ảnh hưởng trực tiếp do nắng hạn kéo dài.

Trong số đó, diện tích lạc có nguy cơ mất trắng 130 ha; diện tích bị thiệt hại từ 30%-70% gần 150 ha, diện tích bị thiệt hại dưới 30% là 230 ha; tính bình quân, thiệt hại ban đầu của người trồng lạc khoảng từ 60-70 triệu đồng/ha.

Hương Trà là một trong những vùng trọng điểm về sản xuất lạc của tỉnh Thừa Thiên – Huế, với tổng diện tích gần 1.000 ha.

Những ngày này, hàng trăm hộ nông dân vùng gò đồi thuộc các hợp tác xã nông nghiệp Văn Xá Đông, Văn Xá Tây, Tây Xuân… thị xã Hương Trà đối mặt với không ít khó khăn khi hàng trăm héc ta lạc vụ Đông Xuân có nguy cơ mất trắng khi nắng hạn kéo dài.

Theo người dân địa phương, thì đây là đợt hạn hán kỷ lục nhất trong nhiều năm trở lại đây, gây thiệt hại lớn cho người nông dân.

Để cứu lấy những diện tích lạc nằm gần các ao hồ, kênh mương thủy lợi, nhiều hộ nông dân đã đầu tư hàng chục triệu đồng mua máy bơm nước để tưới cho cây lạc, hy vọng thu lại một phần vốn đã đầu tư cho cây trồng.

Nhưng nếu thời tiết tiêt nắng nóng tiếp tục kéo dài, diện tích cây lạc khô chết sẽ còn tăng thêm nhiều.

Để khắc phục tình trạng hạn hán còn có thể kéo dài, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế tiến hành rà soát tình hình đánh giá khả năng tác động của nắng nóng, hạn hán tới đời sống của nhân dân, các ngành sản xuất, xây dựng các kế hoạch ứng phó cụ thể để triển khai thực hiện, giảm đến mức tối thiểu thiệt hại, ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân trên địa bàn.

Đối với những diện tích đang bị hạn cục bộ hiện nay thì triển khai các giải pháp có thể kết hợp phòng chống các bệnh trên lúa để hạn chế thiệt hại; xây dựng phương án bảo đảm cấp nước cụ thể cho diện tích sản xuất lúa, hoa màu, nuôi trồng thủy sản cho vụ Hè Thu năm 2019.

Các chủ công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện thực hiện việc vận hành phát điện hợp lý và điều tiết, cấp nước cho hạ du trong mùa khô 2019 theo quy trình vận hành liên hồ đã được phê duyệt.

Các địa phương trong vùng duy trì nạo vét, khơi thông, vớt bèo để thông thoáng dòng chảy các sông, kênh mương nội đồng để tích trữ nước; chủ động lực lượng, thiết bị, bổ sung các loại máy bơm nước, bơm chuyền khi cần thiết; nạo vét sông hói, lòng hồ, các tuyến kênh chính dẫn nước từ các sông vào kênh mương nội đồng, đầu mối trạm bơm tưới và các máy bơm dầu lẻ.

Các đị phương có kế hoạch điều chỉnh lịch thời vụ và cơ cấu lại giống cây trồng cho phù hợp với tình hình địa phương đồng thời chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với các diện tích không bảo đảm nguồn nước phục vụ gieo cấy lúa Hè Thu năm 2019…