Công ty CP Điện Gia Lai (GEC, GEG – Upcom) vừa công bố toàn bộ Tờ trình xin ý kiến Đại hội đồng Cổ đông thường niên 2019, được tổ chức ngày 26-4-2019 tại TTC Hotel Deluxe, 489 Lý Thường Kiệt, phường 8, quận Tân Bình, TP HCM.
Các nội dung sẽ thảo luận liên quan đến tài chính và quản trị bao gồm: Báo cáo tài chính 2018 kiểm toán; Phân phối lợi nhuận 2018; Kế hoạch kinh doanh và Phân phối lợi nhuận 2019; Phát hành ESOP; Lựa chọn đơn vị kiểm toán 2019; Chiến lược phát triển điện gió; Thù lao Hội đồng Quản trị (HĐQT); Bổ sung ngành nghề; Giao dịch với người có liên quan.
Năm 2018, GEC trở thành cánh chim đầu đàn trong việc hiện thực hóa các mục tiêu về năng lượng mặt trời với 117 MWp đầu tiên hòa lưới điện quốc gia, nâng tổng công suất phát điện của GEC lên 168 MW bao gồm 14 nhà máy thủy điện và 2 nhà máy điện mặt trời, gấp đôi công suất năm 2017.
Nguồn thu từ sản xuất kinh doanh thủy điện tăng, đồng thời là việc đa dạng hóa sang điện mặt trời, bên cạnh chi phí hoạt động được kiểm soát tốt nên GEC đã vượt kế hoạch các chỉ tiêu.
Tổng doanh thu của GEC theo đó là 581 tỉ đồng, đạt 106% kế hoạch, tổng chi phí là 374 tỉ đồng, tốt hơn kế hoạch, nên lợi nhuận sau thuế đạt 187 tỉ đồng, vượt 21% kế hoạch.
Trong năm 2018, GEC cũng đã phát triển được thêm 314 khách hàng mới, nâng tổng số lượng khách hàng của Chi nhánh Chư Prông – cụm nhà máy duy nhất ở Việt Nam thuộc doanh nghiệp tư nhân được phép bán lẻ điện trực tiếp đến 7.318 khách hàng.
Giá bán lẻ điện cho khách hàng được Bộ Công Thương ban hành với giá bán bình quân tương đối cao khoảng 1.700 đồng/kWh. Cụm nhà máy này bán điện thông qua 2 hình thức là ưu tiên bán lẻ điện cho khách hàng và sản lượng điện còn lại bán cho EVN với giá thỏa thuận.
Với dòng tiền ổn định từ kinh doanh thủy điện, trong nhiều năm vừa qua, GEC luôn đảm bảo quyền lợi của cổ đông và nhà đầu tư thông qua việc chi trả cổ tức dưới nhiều hình thức, với mức cổ tức tiền mặt ổn định từ 2014 đến nay là 10% và cổ phiếu là 20%.
Nhằm tập trung nâng cao năng lực tài chính, đầu tư mở rộng hàng loạt các dự án điện mặt trời, phân bổ nguồn lực cho điện gió trong năm 2019, là tiền đề cho dòng tiền ổn định và lợi thế kinh doanh trong dài hạn, GEC chỉ đề xuất chia cổ tức với tỷ lệ 7% tuy nhiên bằng tiền mặt, vẫn đảm bảo quyền lợi của cổ đông và nhà đầu tư.
2019 sẽ là năm “đỉnh cao” của điện mặt trời khi GEC dự kiến vận hành thêm 5 nhà máy với tổng công suất là 240 MWp, đưa danh mục năng lượng mặt trời hòa lưới lên 7 nhà máy với 358 MWp. GEC dự kiến tổng doanh thu đạt 1.014 tỉ đồng, tăng trưởng 74% và lợi nhuận trước thuế đạt 240 tỉ đồng, tăng 16% so với năm 2018.
Với tổng sản lượng điện thương phẩm mục tiêu là 590 triệu kWh, tăng 55% so với 2018, trong đó thủy điện 352 triệu kWh chiếm 60%, dựa trên cơ sở bình quân 5 năm và điện mặt trời là 238 triệu kWh chiếm 40%, tính toán trên cam kết của các nhà thầu EPC.
Năm 2019, GEC tiếp tục đặt mục tiêu chi trả cổ tức dự kiến từ 8% tới 10% nhờ nguồn thu ổn định từ các nhà máy thủy điện, ghi nhận đầy đủ doanh thu cả năm của 2 nhà máy Điện mặt trời TTC Krông Pa và TTC Phong Điền với sản lượng dự kiến là 163 triệu kWh cũng như kế hoạch vận hành thêm 5 nhà máy điện mặt trời khác.
Ngoài ra, GEC cũng thông qua việc phát hành ESOP với tỷ lệ 5% theo mức giá 11.000 đồng/cổ phiếu tương đương 9,7 triệu cổ phiếu và tổng số cổ phiếu sau khi phát hành ESOP sẽ gần 204 triệu. Thời gian hạn chế chuyển nhượng dự kiến là 6 tháng cho 30% và 1 năm cho 70% số lượng cổ phiếu còn lại. Đối tượng phân bổ gồm Ban Lãnh đạo, Trưởng các đơn vị trực thuộc, Cán bộ quản lý và các nhân sự có chuyên môn cao.
Tổng số tiền dự kiến thu được từ đợt phát hành ESOP là 107 tỉ đồng sẽ được bổ sung nguồn vốn lưu động. Vốn điều lệ sau khi phát hành ESOP sẽ đạt khoảng 2.039 tỉ đồng.
Nổi bật trong năm 2019 chính là việc nhà tiên phong điện mặt trời đặt chân vào mảng điện gió trên cơ sở định hướng phát triển đến 2020 và tầm nhìn đến 2022 là không ngừng đa dạng hóa các loại hình năng lượng tái tạo và thúc đẩy mạnh mẽ dòng tiền từ các nguồn thu khác nhau.
Tổng công suất danh mục của GEC dự kiến 1.136 MW đến năm 2022, tăng gần gấp 3 lần so với cuối năm 2019; trong đó thủy điện là 184 MW, gió 250 MW và điện mặt trời 702 MW, lần lượt chiếm 16%, 22% và 62%.
GEC trình Đại hội phê duyệt chủ trương nghiên cứu, lựa chọn và triển khai đầu tư các dự án Gió tiềm năng và có hiệu quả với chi phí đầu tư không vượt quá 45 tỉ đồng/MW chưa bao gồm VAT, tại các khu vực Tây Nam Bộ, Tây Nguyên…
Cơ hội phát triển điện gió sẽ được HĐQT hết sức lưu tâm khi giá bán điện gió hiện nay được ưu đãi đến tháng 11-2021 cho các dự án ngoài khơi là 9,8 cents/kWh và trên bờ là 8,5 cents/kWh; tuy nhiên đi cùng sẽ là những thách thức trong công nghệ phát triển điện gió, các yêu cầu về bổ sung quy hoạch… |