Xung quanh việc giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với TS MiChael Parsons (Australia), người đã có hơn 10 năm công tác tại Việt Nam.
Hiện ông đang là cố vấn chính sách của Bộ trưởng Bộ TN&MT. Cách đây 6 năm, ông đã vinh dự được trao tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp tài nguyên và môi trường Việt Nam.
Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm của một số quốc gia về việc hạn chế rác thải nhựa, tiến tới loại bỏ hoàn toàn sử dụng núi nilon?
– Rác thải nhựa là một vấn đề toàn cầu. Ước tính khoảng 500 – 1.000 tỷ túi nhựa (túi nilon) đang được tiêu thụ trên toàn thế giới, hơn một triệu túi mỗi phút và hàng tỷ túi trở thành rác thải.
Hơn 8 triệu tấn nhựa được đổ vào đại dương mỗi năm và khoảng một nửa trong số 300 triệu tấn nhựa được sản xuất mỗi năm chỉ dành cho mục đích sử dụng một lần. Nhựa dùng một lần bao gồm bao bì nhựa, túi nhựa mỏng, chai nhựa nhỏ, ống hút nhựa và cốc nhựa. Những sản phẩm này thường không cần thiết và có thể tái sử dụng thay thế các loại bao bì truyền thống như chai nhôm, ống hút tre và túi đay.
Giải quyết vấn đề ô nhiễm từ rác thải nhựa quả là không đơn giản nhưng vẫn phải làm. Thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang có nhiều biện pháp hiệu quả cho vấn đề này. Kể từ tháng 7/2018, 127 quốc gia đã áp dụng một số chế tài để điều chỉnh đối với chất thải là túi nhựa.
Những luật này bao gồm quy định cấm, áp dụng thuế và ký quỹ đối với từng chiếc túi. Kể từ ngày 1/3/2019, 62 quốc gia đã cấm túi nhựa và 31 quốc gia áp dụng phí cho sản phẩm túi nhựa.
Năm 2002, Ireland trở thành quốc gia đầu tiên áp dụng thuế túi nhựa. Kết quả là đã giảm được 90% lượng sử dụng túi nhựa, với con số giảm một tỷ túi được sử dụng và xả rác ít hơn nhiều.
Hiện tại 27 quốc gia đã thiết lập thuế đối với túi nhựa trong khi 30 quốc gia khác áp dụng hình thức tính phí túi nhựa đối với người tiêu dùng.
Về các loại nhựa sử dụng một lần như chai và hộp đựng đồ uống bằng nhựa, 63 quốc gia bắt buộc áp dụng mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất, thông qua các hình thức như hoàn lại tiền ký quỹ, lấy lại sản phẩm và các mục tiêu tái chế.
Đặt một giá trị tiền tệ vào một cái gì đó vứt đi đã thúc đẩy động lực tích cực cho cho việc thu gom món hàng đó và điều đó đã được chứng minh là hiệu quả trong cuộc chiến giảm ô nhiễm từ chất thải nhựa.
Việc hạn chế cung cấp túi nhựa miễn phí là chính sách phổ biến nhất được áp dụng trên toàn thế giới về kiểm soát rác thải nhựa, các chuỗi siêu thị ở một số quốc gia đã tự nguyện tham gia. Họ từ chối phát túi nhựa miễn phí, hoặc họ cung cấp các lựa chọn thay thế thú vị cho người tiêu dùng.
Ví dụ như tại Thái Lan, 0,2 baht sẽ được tặng cho Bệnh viện Siriraj cho mỗi lần mua sắm tại Siêu thị 7-Eleven nếu khách hàng từ chối lấy túi nhựa. Chi phí cho cái túi đó được coi như khách hàng đã tặng cho bệnh viện.
Kết quả là 102.323.402 túi nhựa đã bị từ chối hoặc không sử dụng trong thời gian từ 7/12/2018 – 13/1/2019 và khoản tiền tiết kiệm được từ đó, khoảng 20.464.681 baht, đã được chuyển đến Bệnh viện Siriraj.
Thực tế cho thấy, khó có thể áp dụng một cách máy móc kinh nghiệm từ các nước, bởi mỗi quốc gia có điều kiện tự nhiên và xã hội khác nhau. Song, với kinh nghiệm công tác tại Việt Nam đã nhiều năm, ông có lời khuyên gì đối với Việt Nam?
– Việt Nam cũng có thể học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm từ các mặt hàng nhựa dùng một lần, đặc biệt là túi nhựa mỏng, hộp nhựa và các sản phẩm mỹ phẩm có chứa hạt nhựa siêu vi (microbeads). Những dẫn chứng đưa ra ở trên đều là biện pháp hạn chế, đẩy lùi nhựa dùng một lần.
Tôi cũng xin nói thêm đối với dầu gội, kem đánh răng và các sản phẩm mỹ phẩm có chứa hạt nhựa siêu vi (hạt nhựa rất nhỏ được thêm vào để làm cho sản phẩm trông sáng bóng hơn hoặc hoạt động như một chất mài mòn) là một vấn đề khác.
Từ việc sử dụng và tẩy rửa, chúng có thể theo nguồn nước tồn lưu dưới biển, gây ô nhiễm cho hải sản mà chúng ta vẫn ăn.
Đài Loan, Hàn Quốc, Canada, Pháp, Italia, Hàn Quốc, New Zealand, Thụy Điển, Vương quốc Anh và Bắc Iceland và Mỹ đã thông qua luật cấm các sản phẩm có chứa hạt nhựa siêu vi và Australia cũng đang xem xét lệnh cấm.
Nhận rõ vấn đề, nhiều công ty lớn sản xuất các sản phẩm này đã ngừng bổ sung hạt nhựa siêu vi vào các sản phẩm của họ, nhưng các sản phẩm đã được sản xuất trước đó vẫn còn tồn kho và chủ các cơ sở này sẽ tìm kiếm một nơi họ có thể tiêu thụ.
Nếu Việt Nam không có phản ứng về vấn đề này, thì nguy cơ sẽ có thể trở thành bãi rác cho các sản phẩm độc hại này.
Theo ông, những điểm hạn chế cần khắc phục trong chính sách về môi trường của Việt Nam hiện nay là gì, để giải quyết vấn đề rác thải nhựa, túi nilon?
– Để khắc phục những hạn chế, xây dựng quy định pháp luật mới ở Việt Nam cần có thời gian, nhưng hành động ngăn chặn ô nhiễm nhựa thì có thể thực hiện ngay. Tại Việt Nam, Cù Lao Chàm (Đà Nẵng) đã đi tiên phong, mở đường cho chính quyền địa phương cấm túi nhựa trong khu vực.
Có lẽ Vịnh Hạ Long và các khu vực di sản thế giới và vườn quốc gia khác của Việt Nam có thể học hỏi từ Cù Lao Chàm.
Ngay cả Hà Nội cũng có thể áp dụng cách làm của Cù Lao Chàm và biến những con phố đi bộ cuối tuần trở thành con phố không có túi nhựa.
Các chuỗi siêu thị như Vinmart đang trở nên phổ biến hơn, đặt vấn đề về mô hình giống như 7-eleven ở Thái Lan xem họ có đồng thuận không? Có thể xem đây là một cơ hội thúc đẩy việc giảm thiểu chất thải nhựa.
Xin cảm ơn ông!